Nhiều người bày tỏ với tôi rằng họ bối rối giữa nghệ thuật Baroque và nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng. Trên thực tế, mặc dù đã tham gia vài khoá học về lịch sử nghệ thuật, tôi vẫn phải mất vài giờ tự nghiên cứu để thực sự hiểu được điểm khác biệt. Hầu hết mọi người đều hiểu rằng nếu một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc được làm ra ở Châu Âu trong khoảng từ năm 1300 đến 1600, thì đó có thể là tác phẩm thời kỳ Phục Hưng; còn nếu trong khoảng từ năm 1600 đến 1750 thì đó là Baroque. Nhưng nếu bạn không biết niên đại của một tác phẩm, hoặc không biết nghệ sĩ đó sống trong khoảng thời gian nào, thì làm sao bạn biết được đó là nghệ thuật Baroque hay Phục Hưng?
Trước khi chúng ta thảo luận về điểm khác biệt giữa 2 trường phái nghệ thuật này, hãy xem xét một số điểm tương đồng của chúng để có thể hiểu tại sao lại có sự nhầm lẫn. Cả 2 thuật ngữ “Phục Hưng” và “Baroque” đều được sử dụng để xác định: thời đại lịch sử và phong cách nghệ thuật. Cả 2 thuật ngữ đều đề cập đến các thời đại và phong cách châu Âu. Chúng đều nổi tiếng là trường phái khắc hoạ hiện thực, sử dụng các màu sắc sống động, giàu sức gợi tả. Và điều có lẽ khiến nhiều người tranh cãi nhất là về chủ đề, cả 2 thời đại đều nhấn mạnh vào các chủ đề từ Kinh thánh hoặc từ thần thoại Hy Lạp – La Mã. Không có gì ngạc nhiên khi người ta nhầm lẫn giữa 2 thời đại và phong cách này.
Điểm khác biệt của 2 thời đại và phong cách này có thể được miêu tả bởi 2 từ ngữ. Với nghệ thuật thời Phục Hưng là “stabilize – ổn định”, còn nghệ thuật Baroque thì “dramatize – kịch tính”. Một cách để chứng minh tầm quan trọng của 2 từ này là nhìn vào nghệ thuật khoa học viễn tưởng của thế kỷ 21. Các artists trong Star Trek và Star Wars cũng phải có khả năng thể hiện riêng biệt sự kịch tính và sự ổn định.
PHẦN 1: ĐƯỜNG TRỤC BỐ CỤC
Trong series Star Trek, khi artists và đạo diễn muốn thể hiện con tàu vũ trụ hoặc trạm vũ trụ (K7/DS9) đang đứng yên và ổn định, họ sẽ thể hiện chúng theo chiều ngang và từ góc nhìn của người xem. Với đối tượng hẹp và thẳng đứng cũng tương tự. Ở đây, chúng ta đang nói về không gian tham chiếu: những người bên trong con tàu hoặc trạm vũ trụ thì luôn di chuyển, còn bản thân con tàu/trạm vũ trụ thì không có sự di chuyển nào cả. Giả sử tôi và bạn đang tiếp cận một trạm trong con tàu vũ trụ, cho dùng chúng ta di chuyển, xoay người như thế nào thì vẫn thấy con tàu đang đứng yên. Nhưng khi nhìn qua màn hình TV, đạo diễn phải thể hiện điều này bằng cách sử dụng cùng một góc nhìn trong không gian, cho người xem thấy rằng mọi thứ đều ổn định.
Nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng cũng tương tự như vậy mặc dù có thể sẽ hơi khác một chút, đó là khó có thể tìm thấy vũ trụ trong tác phẩm thời Phục Hưng. Tuy nhiên, khi nhìn vào tác phẩm chủ đề Madonna hay đóng đinh lên thập giá, việc sử dụng đường ngang và đường dọc được nhấn mạnh hết sức rõ ràng. Đôi khi nghệ sĩ sẽ sáng tạo hơn, tạo ra một bức tranh có trục tương tự như hình chóp, phần chân mở rộng, nhọn dần ở đỉnh phía trên. Hình chóp đều (kim tự tháp) chính là hình có kết cấu vững chắc nhất trong các hình 3 chiều. Hãy nhìn xuống bức tranh “Madonna of the Goldfinch” dưới đây, bạn sẽ thấy rõ trục ngang và hình chóp trong tác phẩm.
Bố cục hình kim tự tháp cũng được áp dụng trong điêu khắc thời kỳ Phục Hưng. Cùng xem tuyệt tác nổi tiếng “Pietà” của Michelangelo. Nhìn từ phía trước, bệ đỡ và chân của Mary tạo thành đáy hình chóp; Chúa Jesus nhỏ hơn rõ rệt, nằm trong lòng Mary; vai và đầu của Mary tạo thành đỉnh của hình chóp. Tác phẩm điêu khắc này, cũng như nhiều tác phẩm Phục Hưng khác, tuân theo yếu tố ổn định chiều ngang.
Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, có một cách khác để tạo ra cảm giác tĩnh tại trong các tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng, đó là đường trục dọc thẳng đứng. Trong hầu hết trường hợp, với đường trục dọc, vẫn sẽ xuất hiện một số đường ngang đi kèm với nó, đó là một lý do khiến cây thánh giá trong bức tranh về cuộc đóng đinh luôn nổi bật. Ngoài ra, điều này không có nghĩa là không có những đường chéo. Chúng ta đang thảo luận ý tưởng về sự tĩnh tại trong đa số tác phẩm nghệ thuật Phục Hưng, và chủ yếu tập trung vào bố cục. Trong “Crucifixion” của Andrea Mantegna, các đường trục dọc được nhấn mạnh bởi ba cột của ba cây thánh giá, còn 3 trục ngang là: một trục ngang phía trên của các cây thánh giá, một ở lưng chừng, chỗ phân cách giữa đầu của thường dân với chân của tử tội, và một đường ngang ở dưới cùng là bậc thang bên dưới. Hãy quan sát cụ thể trong 2 bức tranh dưới đây. Với 4 bức tranh liền sau đó, hãy tự khám phá các trục ngang và trục dọc.
Như tôi đã nhắc đến phía trên, đặc trưng cho nghệ thuật Phục Hưng là tính ổn định, tĩnh tại, còn nghệ thuật Baroque thì là tính kịch tính, nhưng khái niệm về “kịch tính” vẫn có thể đi kèm sự bất ổn hoặc năng lượng mãnh liệt, và những artist của Star Trek cũng đã sử dụng một số phương pháp khá thông dụng ở châu Âu thời Baroque. Khi muốn thể hiện rằng con tàu vũ trụ hay trạm không gian đang gặp sự cố hoặc bị trôi dạt, họ đặt chiếc tàu Enterprise hoặc trạm không gian trong một khoảng không lớn, từ điểm nhìn của người xem, thường là với một thứ gì khác để nhấn mạnh hướng chuyển động bất trật tự của nó – chẳng hạn một vật thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
Một hiệu ứng khác từ việc mô tả vật thể ở một góc nhìn là để biểu lộ năng lượng mạnh mẽ, ví dụ như trong ảnh về Klingon Cruiser dưới đấy. Trong ảnh, chiếc tàu được coi như đang chuyển động với tốc độ “biến dạng”. Góc nghiêng của con tàu giúp gợi ra cảm giác về tốc độ và năng lượng của nó.
Các nghệ sĩ Baroque ở châu Âu cũng hiểu rõ nguyên tắc này: xây dựng bố cục dựa trên góc giúp tạo ra năng lượng, sự chuyển động, hoặc làm tăng thêm sự kịch tính. Tuy nhiên, ở thời Baroque, những đường nét lại ít được chú trọng như ở thời Phục Hưng. Ở các tác phẩm Phục Hưng, các đồ vật được sắp xếp để nhấn mạnh vào các trục ngang và trục dọc, thậm chí ngay cả đường chân trời. Còn ở phong cách Baroque, các đường nét có thể bắt đầu với phần này của bố cục, và lại tiếp tục ở phần khác, dường như các phần không liền mạch, không liên quan. Thực tế, đôi khi màu tối của nền tranh có chức năng như một đường trục chéo. Để làm sự khác biệt giữa hai thời đại trở nên rõ ràng nhất có thể, chúng tôi sẽ tiếp tục minh hoạ trực tiếp trên những bức tranh với đường vẽ gợi ý.
Hãy cùng nhìn bức tranh “Madonna with Child and St.John the Baptist”. Ở đây không có sự nhấn mạnh về chiều ngang ngoại trừ phần cạnh dưới cửa sổ, phần này vốn chỉ phủ một phần nhỏ bức tranh và có vẻ hoàn toàn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, có một đường chéo mạnh được đánh dấu, nó đi sát cạnh của cái rèm đỏ, là điểm đặt đầu lẫn tay của Mary, và cũng là trục đầu với lưng của Christ. Ngoài ra còn có hai đường chéo song song: một kéo dài từ đầu của Mary xuống cánh tay, còn đường chéo kia đi theo cánh tay trái của John Baptist đi lên cánh tay của Jesus. Cũng cần để ý rằng, mắt của Mary lẫn Jesus đều hướng về John, tạo thành một chữ V đầy ngụ ý ở trung tâm bức tranh. Hãy xem hình minh họa cụ thể dưới đây.
Trong bức “Madonna and Child” của một họa sĩ Baroque vô danh người Bỉ, có một đường dễ nhận ra chạy từ mắt của John Baptist đến mắt của Christ rồi kéo đến mắt của Joseph. Lưu ý rằng đôi mắt của Mary không gồm trong đó, nhưng vẫn được đặt ngay trên đường kẻ giữa ba người để nhấn mạnh vị trí của Mary trên thiên đường. Điều đó thậm chí còn được làm nổi bật hơn bởi thiên thần phía trên đầu cô, người nhìn xuống Mary, tạo một đường kẻ xiên xuống. Đường trục thứ ba tạo ra bởi góc ở thân hình thiên thần, đường này kéo chéo xuống đỉnh đầu của Joseph. Ba đường trục tạo thành một tam giác gần như vô hình. Cũng cần chú ý thêm rằng gần như không có đường ngang trong bức tranh. Thay vào đó, người nghệ sĩ đã sử dụng trang phục của Mary để tạo ra vòng cung bán nguyệt ở phần dưới bức tranh. Hãy xem kỹ minh họa dưới đây.
Việc sử dụng đường chéo tương tự còn được thấy trong các tác phẩm về chủ đề đóng đinh trên thập giá, nhưng kịch tính hơn nhiều. Trong tác phẩm “Crucifixion” của Pedro Orrente, ta có thể thấy rõ đường chéo của cái thang, và thậm chí nó còn được nhân đôi bởi người đang trèo trên cái thang đó. Một đường khác bắt đầu từ tay trái của Christ, đi qua mắt anh và thẳng xuống bản cáo trạng sẽ đóng đinh trên thập tự giá ngay phía trên anh. Một đường khác bắt đầu từ ngón chân của người phía trên bên phải khung hình, đi qua mắt của ba người chứng kiến và xuôi xuống bên dưới thân hình họ. Tôi cũng chỉ ra thêm một đường trục không dễ thấy, vốn được che khuất bởi các người chứng kiến, là những cái gốc đang ẩn đi của ba cây thập tự giá trên mặt đất, trục này sẽ tương phản trực tiếp với trục thánh giá của Christ ở phía trên nó.
Điều thú vị là có một trục ngang trong bức tranh, tạo ra khi ta gióng qua những ngón chân của ba tử tội và đầu của cậu bé cùng những bờ vai ở phía bên trái. Chi tiết này có thể mang ý nghĩa tôn giáo, gợi lên một sự bình ổn trong việc hy sinh của Đấng Christ, nhưng khi bạn xem xét sự cần thiết tuyệt đối của góc nhìn từ người này sang người kia, và chất lượng ấn tượng của tác phẩm nghệ thuật, bạn sẽ nghĩ rằng đường trục trên chân này là tuyệt đối có chủ ý, và vì vậy, mang những ý nghĩa riêng.
PHẦN 2: BIỂU LỘ THỜI GIAN
Còn rất nhiều điểm nữa về tính ổn định trong nghệ thuật thời Phục Hưng, ngoài việc sử dụng các đường ngang và dọc, một trong số đó là về khoảng thời gian. Có một lý do khiến cho cấu trúc theo motif Đức Mẹ và Chúa hài đồng thời Phục Hưng thường mang hình kim tự tháp vững vàng, ổn định: Có một khoảng thời gian ngụ ý – từ vài giây đến vài phút – trong các tác phẩm nghệ thuật Phục Hưng. Tôi không nói về “tính vô thời gian”, trong đó nội dung của nó có thể diễn ra ở bất kỳ thời đại nào, tôi đang nói về độ dài thời gian của chính tác phẩm.
Hiển nhiên là cảnh đóng đinh thập giá gợi ra một khoảng thời gian, thậm chí là nhiều sự kiện riêng rẽ cùng hiện một lúc. Nhưng trong trường hợp motif Đức Mẹ và Chúa hài đồng, chúng ta hãy nhìn cách thể hiện của Da Vinci và Ghirlandaio. Trong bức vẽ của Ghirlandaio, có một sự mơ hồ thú vị về sự tương tác giữa mẹ và con. Theo một nghĩa nào đó, dường như Đức mẹ đang ngắm nhìn Jesus, và Jesus cũng đáp lại ánh nhìn đó như bất cứ đứa trẻ nào nhìn người mẹ của mình. Thế đứng của Jesus dựa vào mẹ mình để giữ thăng bằng, có thể là một nỗ lực của trẻ con đứng chưa vững. Ngay cả cử chỉ bàn tay phải của Jesus cũng không đảm bảo được liệu cậu có ngã xuống hay không.
Tuy nhiên, hãy chú ý đến ánh mắt, bạn sẽ nhận ra rằng Jesus không thực sự nhìn vào mắt Mary, mà nhìn xa ra đôi chút. Thế đứng của cậu giống thế đứng của người đang trong một cuộc thảo luận ngẫu nhiên và sâu sắc, cử chỉ ở bàn tay phải có thể được xem như chỉ tới tương lai trên thiên đường hoặc đưa ra lập luận phản đối – gần giống như Chúa khi còn nhỏ, vẫn có tất cả các khả năng cho bài diễn thuyết thông minh của một người trưởng thành. Nếu nhìn kỹ hơn, sẽ thấy Đức Mẹ không thực sự nhìn vào Chúa hài đồng, mà nhìn xuống bên trái Jesus (theo hướng của bà), và bà biểu lộ nỗi buồn, dường như đang thấy nỗi kinh hoàng trong cái chết treo trên thập giá của người con đầu. Tuy nhiên, bạn nhìn vào bức tranh, có thời gian kéo dài trong tư thế đó. Đức mẹ có thể tiếp tục đứng như thế hàng giờ, và Chúa hài đồng cũng vậy.
Nguyên tắc này vẫn được duy trì trong kiến trúc Phục Hưng nữa. Hãy nhìn vào bức tượng David nổi tiếng của Michelangelo. Chúng ta có ở đây một người thanh niên trẻ trung cao hơn 5 mét với thế đứng rất vững chãi. Chân phải của chàng trụ lại, và là một trục dọc thẳng hoàn toàn, cánh tay phải và thân trên cũng vậy. Bức tượng mô tả David khi anh ta muốn hạ tên khổng lồ Goliath trên chiến trường, và David đang tính toán chiến thuật, hoặc đang chờ Goliath hoàn tất những màn chế giễu. Dù thế nào, tác phẩm điêu khắc này cũng hàm chứa một khoảng thời gian: David có thể duy trì tư thế này trong suốt một thời gian dài.
Còn có một bức tượng David khác của Donatello, mô tả David sau trận chiến với Goliath. Chân của chàng đặt lên đầu gã khổng lồ, chân còn lại trụ vững chắc bên cạnh thanh kiếm. Tác phẩm thể hiện một thái độ dứt khoát, nhưng một lần nữa, đó không phải là một khoảnh khắc chớp lấy, mà là tư thế được duy trì trong khoảng thời gian dài.
Cùng một kiểu, hãy xem biểu cảm khuôn mặt của hai bức tượng. Có những cảm xúc ở cả hai bức tượng, có những sự thấu hiểu tư duy rõ ràng được truyền đến cho người xem, nhưng lại không có sự biến đổi mạnh mẽ rõ ràng về cơ mặt ở cả hai bức tượng. Một lần nữa, không có lý do nào khiến sự biểu hiện cảm xúc này không diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
Trong một tương phản rõ rệt với những biểu cảm trong tác phẩm phía trên, hãy nhìn vào khuôn mặt của David trong bức tượng dưới đây của Giovanni Bernini, một điêu khắc gia người Ý thời Baroque, tác phẩm của ông mô tả khoảnh khắc David tấn công Goliath. Trên khuôn mặt chàng là biểu lộ thoáng qua của nỗ lực, quyết tâm và sự tập trung hoàn toàn của người có kỹ năng được rèn luyện tốt. Điều cần chú ý là, bức tượng này là một khoảnh khắc được cắt ra, một chớp ảnh của hành động.
Bởi vì đó là tác phẩm điêu khắc chứ không phải bức tranh, chúng ta phải làm việc với những khối hình nhiều hơn đường nét, nhưng góc độ ấy cũng áp dụng cho hội họa thì cũng được thấy trong điêu khắc Baroque; các đường cong giao nhau tạo cho tác phẩm điêu khắc Baroque thêm nhiều động lực chuyển động như trong những bức tranh, và ở cả hai trường hợp, chúng ta đều gặp sự kịch tính dữ dội của một khoảnh khắc thời gian. Tượng David của Bernini không thể nào duy trì tư thế ấy nhiều hơn một khoảnh khắc thoáng qua.
PHẦN 3: HẬU CẢNH
Phần cuối của bài viết này sẽ đề cập nhiều hơn đến từ khóa của phong trào Baroque thay vì phong trào Phục Hưng, bởi chúng ta sẽ thảo luận đến hậu cảnh trong các bức tranh, thứ vốn làm nên sự kịch tính ở tranh Baroque hơn là đóng góp vào sự cân bằng tĩnh tại trong tác phẩm Phục Hưng. Mặc dù vậy, có một sự tương phản rõ rệt giữa hai thứ này, và chúng ta sẽ tiếp tục khám phá.
Ở thời kỳ Phục Hưng, hậu cảnh luôn là các phần được phát triển hoàn thiện ở bức tranh. Đó có thể là những cảnh nền ở chân trời, hoặc hậu cảnh căn phòng, quan trọng là chúng được vẽ tỉ mỉ một cách đáng ngạc nhiên. Như vậy, chúng không đóng góp nhiều vào sự cân bằng tĩnh tại, mà tạo thêm chiều kích cho sự hoàn thiện. Chẳng hạn, hãy nhìn bức họa “Mona Lisa” nổi tiếng của Leonardo: bức chân dung một phụ nữ trẻ dựa ban công với cảnh nền tưởng tượng xa xôi. Bạn vẫn thấy đường ngang và dọc trong những phần nhìn thấy được của cái ban công, và ở chân trời nữa. Bạn có một khoảng thời gian rõ rệt. Nói cho cùng, một người có thể ngồi thoải mái cạnh một ban công đẹp đẽ trong bao lâu? Và bạn có một hậu cảnh hoàn chỉnh với đầy những hiệu ứng hòa trộn màu mờ ảo kiểu Vinci (tạo ra những hiệu ứng mơ hồ bằng cách làm màu sắc hòa trộn dần dần vào nhau). “Mona Lisa” có tất cả tinh hoa mà mà một họa phẩm Phục Hưng tuyệt vời nhất nên có.
Ngược lại, trong tác phẩm Baroque, nền tranh được xem như không quan trọng, chúng thường được phủ đen. Thi thoảng ở các bức tranh chân dung, bạn sẽ thấy các nghệ sĩ Phục Hưng cũng sử dụng hướng tiếp cận này. Còn nghệ sĩ thời Baroque thì thường sử dụng cách đó để nhấn mạnh vào sự kịch tính của bức tranh. Một lần nữa, để hiểu hiệu ứng này, hãy cùng nhìn vào một ví dụ: tác phẩm phi thường của Bev Doolittle với tên “Unknown Presence”. Trên tấm tranh trải ngang, hơn một nửa bị che trong bóng tối. Chủ thể của bức tranh, một lữ khách đơn độc thế kỷ 19 và con ngựa của anh ta đang ngước lên cảnh giác bên cạnh ngọn lửa. Sự chú ý của người lẫn ngựa hướng cả về phía nửa bóng tối một cách đầy kịch tính. Họ thể hiện những cảm xúc ngạc nhiên, cảnh giác, thận trọng, và dường như cả một chút sợ hãi, khi người lữ khách đang với tay đến phía khẩu súng.
Bóng tối trong bức tranh này không kém phần quan trọng. Bóng tối mang lại sự kịch tính cho người xem, mang cho họ đích xác những gì nhân vật trong tranh đang cảm nhận. Chúng ta thấy người lữ khách hướng mắt về phía bóng tối, và rồi chúng ta cũng vậy. Chúng ta liếc mắt rồi cố tập trung vào khoảng đen mù mịt, giống như cách người lữ khách làm trong bóng tối, cố gắng tìm ra chút gợi ý mờ nhạt nhất về những gì đang nằm ở đó. Bóng tối ở đây hoàn toàn không có nghĩa là “không có gì cả”.
Đó là ví dụ điển hình cho cách sử dụng tuyệt vời của phong cách “tenebrism”, phụ thuộc vào việc bạn muốn tập trung vào bóng tối, hay tập trung vào sự tương phản của vùng sáng so với mảng tối. Nó cũng thường được biết đến như là “sự soi sáng kịch tính” (dramatic illumination), và được tạo ra bởi cách sử dụng những màu tối, không nhất thiết phải là màu đen, và sự tương phản cao độ rõ rệt từ một nguồn sáng duy nhất chiếu xuống (chiaroscuro). Các nghệ sĩ Baroque đã sử dụng thủ thuật “tenebrism” này và đạt được hiệu quả lớn trong suốt 150 năm.
Hãy cùng xem xét phiên bản “Prometheus Bound” của Peter Paul Rubens, ở đó mảng tối tương phản đã nhấn sâu lưng con đại bàng vào sự diệt vong. Hãy nhìn bức “Raising of the Cross”, có mảng tối ở phía đằng sau đầu Đức Chúa. Ở đó bóng tối đậm đặc tới nỗi người đàn ông giúp nâng thập giá như thể xuất hiện từ hư không. Gần như tất cả nền tranh trong bức “Raising of the Cross” của Rembrandt đều là bóng tối. “Tenebrism” có thể sử dụng tạo ra cảm giác ảm đạm hoang vu, hoặc nhấn mạnh đến sự kịch tính của hành động xuất hiện ở vùng sáng.
KẾT LUẬN
Còn nhiều điều nữa tôi có thể đề cập về chủ đề này: những khác biệt trong cách sử dụng nét vẽ, những chủ đề và lĩnh vực trong các tác phẩm Baroque trở nên rộng rãi hơn, hay sự dồi dào về những ẩn ý Hy Lạp – La Mã trong các tác phẩm thời Phục Hưng… nhưng đến đây bạn cũng đã có đủ nhận thức để bắt đầu những khám phá của riêng mình về hai thời đại, hai phong cách này. Hai từ khóa “cân bằng” (stabilize) và “kịch tính” (dramatize) tương ứng của thời Phục Hưng và Baroque, và cách họ tạo lập ý tưởng ấy lên những tác phẩm sẽ được nhìn thấy trong nhiều tác phẩm khác. Chúng ta dễ dàng tìm ra các trục ngang và dọc trong tác phẩm Phục Hưng, và cũng sẽ thấy những định hướng góc cạnh cao độ ở tác phẩm Baroque. Chúng ta cũng sẽ thấy sự tương phản rõ ràng giữa thời gian tĩnh tại trong tác phẩm Phục Hưng và những khoảnh khắc chớp nhoáng trong tác phẩm Baroque. Hãy tiếp tục tìm hiểu các phong cách và nhận ra những điểm khác biệt cho riêng mình.
Credit
—
Translated from website: artsartistsartwork.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.