Dù bạn là nhiếp ảnh gia (NAG) chuyên nghiệp hay nghiệp dư, việc sở hữu những phụ kiện máy ảnh tốt và hợp lý sẽ gia tăng năng suất và đảm bảo chất lượng công việc tốt hơn. Nhiều thường hợp, nó còn giúp cứu bạn khỏi những tình huống nghiêm trọng như mất file ảnh.
Tôi đã làm việc với rất nhiều NAG khác nhau và thật sự ngạc nhiên về tần suất mượn phụ kiện máy ảnh của họ khi chụp. Mượn đồ gì? Đó là những thứ khá nhỏ nhặt mà tôi nghĩ họ không hề có ý định mua nó.
Những phụ kiện máy ảnh tôi đề cập sau đây không tự tạo ra một bức ảnh để đời, tuy nhiên chúng sẽ giúp ích cho bạn trong rất nhiều tình huống. Và hầu hết các NAG không để ý đến chúng để cho vào danh sách “cần phải mua” của bản thân.
1. Grey card
Một chiếc grey card không chỉ dành cho người chụp trong studio? Không có nó thì có ảnh hưởng gì không? Không ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên nó sẽ giúp bạn chụp dễ dàng hơn. Trong chụp ảnh thương mại, việc thể hiện chính xác màu sắc là điều bắt buộc và gray card sẽ là người bạn tốt nhất của bạn, bất kể bạn chụp trong ngành nào. Nếu có điều kiện, bạn nên đầu tư 1 set Color Checker Passport thì việc cân màu sẽ chính xác và chuyên nghiệp hơn.
Trải qua một vài lần, tôi thấy rằng mỗi khi không dùng đến gray card, tôi lúc nào cũng phải dành thêm thời gian tinh chỉnh màu. Và bạn biết không, sử dụng gray card hay color check passport cũng khiến khách hàng có ấn tượng chuyên nghiệp hơn về bạn!
2. Cân màu màn hình
Có bao nhiêu người trong chúng ta đã đi cân màu màn hình rồi nhỉ ? Trong tất cả các thứ trong bài, tôi chắc chắn đây là thứ hay bị bỏ qua nhất. Nếu bạn chỉ chụp ảnh là để thoả mãn sở thích cá nhân thì bạn có thể bỏ qua. Nhưng nếu bạn muốn chia sẻ những bức ảnh với mọi người hoặc đơn cử là bạn muốn đi làm nhiếp ảnh thương mại để kiếm thêm thu nhập thì việc hình ảnh hiển thị với màu sắc chính xác là điều tiên quyết.
Với những bạn hay in ảnh, việc cân màu lại càng cần thiết hơn. Trước đây tôi thường đổ lỗi cho máy in khi ảnh ra nhìn không như ý, trong khi sự thật đó là tại cái màn hình của mình hiển thị màu không chính xác.
Để cân màu cho màn hình, bạn có thể sử dụng các bộ cân màu chuyên dụng để đạt được hiệu quả cao như XRite i1 Pro hay DataColor Spyder5 – đây là 2 giải pháp chuyên nghiệp nhất hiện nay.
3. Máy ảnh dự phòng
Thêm một chiếc máy nữa nghe có vẻ xa xỉ, nhưng thật ra đó là điều cần thiết cho những dự án quan trọng. Bạn không cần một chiếc máy đời mới, đắt tiền đâu, chỉ đơn giản là một chiếc máy đề phòng khi chiếc máy chính có vấn đề. Như tôi sử dụng một chiếc 5D mark II đã 10 năm tuổi, nhưng vẫn còn tốt. Nó vẫn có pin, thẻ nhớ và dùng ống kính đồng bộ với các body fullframe của Canon hiện tại. Khi có chuyện không may xảy ra, tôi có thể ngay lập tức chuyển sang body này và tiếp tục làm việc. Nếu không có kinh phí mua body fullframe, tôi sẽ mua một chiếc máy ảnh nhỏ khác. Có còn hơn không có gì.
4. Đồ vệ sinh máy ảnh
Ai cũng biết giữ đồ sạch là tốt, nhưng bao nhiêu người trong chúng ta thật sự làm điều này?
Tôi đã gặp rất nhiều người lấy tay áo, vạt áo để lau ống kính. Những đồ vệ sinh này không hề đắt, và nó đáng hơn số tiền bạn phải bỏ ra cả triệu lần! Hãy cứ tưởng tượng đến việc nó cứu bạn hàng giờ chỉnh sửa ảnh chỉ vì hạt bụi trên cảm biến, hay thậm chí phải đi chụp lại từ đầu. Thậm chi, khi sử dụng áo để lau, nếu mặt vải quá cứng, bạn có thể vô tình làm xước hoặc hỏng lớp coating trên ống kính.
5. Dây đeo
Hầu hết mọi người đều có một cái dây đeo máy ảnh đi kèm, nhưng khá nhiều người không dùng nó. Tôi thích việc quấn dây máy vào tripod để thêm phần chắc chắn mỗi lần chụp sử dụng tripod. Hoặc quấn quanh cổ tay cũng vậy, nó cho tôi thêm cảm giác an toàn, không sợ bị rơi. Hoặc việc dùng dây máy ảnh khoác qua vai sẽ giúp tôi giữ được camera luôn sẵn sàng bên ngoài túi máy ảnh, để sẵn sàng chụp một thứ gì đó bất chợt. Với những ai hay sử dụng các máy ảnh chuyên nghiệp có trọng lượng từ 800g trở lên, dây đeo sẽ là cứu cánh tuyệt vời cho đôi tay của bạn trong cả 1 ngày dài đằng đẵng. 1kg sẽ không là gì trong 1-2 tiếng nhưng trong 10-12 tiếng thì thực sự là một gánh nặng khủng khiếp.
Nếu từng này lý do vẫn không đủ thuyết phục bạn, thì bạn cũng có thể sử dụng dây máy ảnh như một phương án chống rung hữu hiệu khi bạn cần chụp ở tốc độ chậm.
Lấy cái dây máy ảnh đang phủ bụi của bạn ra và dùng đi. Hoặc nếu bạn không có, mua một cái, không mất nhiều tiền lắm đâu!
6. Nhiều thẻ nhớ dự phòng
Khi dung lượng thẻ nhớ ngày càng tăng lên, nó sẽ dẫn đến một việc: người ta sẽ thường xuyên “để tất cả trứng vào một giỏ” hơn. Và nếu như bạn chỉ chụp với một thẻ nhớ duy nhất, điều gì sẽ đến nếu chiếc thẻ nhớ này đột nhiên lăn đùng ra? Bạn nên nhớ thẻ nhớ có hỏng có thể mua lại, nhưng hình ảnh mất là không thể lấy lại, đặc biệt là khi bạn chụp cho khách hàng.
Vì lý do này, tôi thường xuyên khuyên mọi người nên có nhiều thẻ nhớ. Không chỉ giảm thiểu khả năng mất dữ liệu, nó còn giảm khả năng QUÊN THẺ nữa. Đã có lần tôi chụp với một người khác quên cắm lại thẻ vào máy sau khi rút ra từ buổi chụp trước rồi. Khi có nhiều thẻ nhớ, khả năng này sẽ giảm đi đáng kể.
Nếu có thể cân nhắc trong lúc mua máy, tôi khuyên bạn nên mua các máy ảnh có nhiều hơn 1 khe thẻ nhớ vì chúng có chế độ ghi ảnh lên cả 2 thẻ cùng một lúc để tránh được hoàn toàn rủi ro hay gặp phải này.
7. Pin dự phòng
Tôi đã cho rất nhiều người mượn pin. Một vài người quên, trong khi một số khác thì chỉ có đúng một viên pin khi chụp. Sự thật thì trong điều kiện thông thường, một viên pin đã đủ cho chúng ta trong cả ngày rồi. Nhưng vấn đề phát sinh khi nhiệt độ bên ngoài cao, bạn phải xem lại ảnh trên màn hình nhiều, hoặc đơn giản do pin đã dùng quá lâu. Nếu bạn chụp một mình, sẽ không có ai cho bạn mượn pin đâu, vì thế tốt nhất bạn nên mua một vài viên pin dự phòng cho mình. Bạn có thể đứng trước một khoảnh khắc tuyệt vời, hoặc đang chụp cho khách hàng, và pin hết. Bạn chẳng thể làm gì được!
8. Tản sáng
Tản sáng là bài học cơ bản của những trường đào tạo nhiếp ảnh, nhưng trong những buổi chụp thực tế nó không được sử dụng nhiều cho lắm. Có người thích dùng cách khác, hoặc hậu kỳ ánh sáng sau. Nhưng tản sáng là một thứ cực kỳ hữu ích mà tôi khuyên các bạn nên có.
Tôi dùng một chiếc tản sáng 5 trong 1 có mặt đen, trắng, vàng, bạc và một mặt tản, đủ dùng cho tất cả các nhu cầu phát sinh trong một buổi chụp. Bộ tản sáng này tiện lợi ở chỗ nó rất nhẹ, có thể gấp gọn và không cần dùng pin hay điện.
Nếu bạn còn thắc mắc hoặc chưa biết cách sử dụng tối đa tác dụng của tản sáng 5 in 1 thì bạn có thể xem clip hướng dẫn sử dụng reflector 5 in 1 với 5 công dụng tại đây.
9. Hood cho ống kính
Các nhiếp ảnh gia tôi gặp thường chia làm hai loại, một có hood lens và một không có. Một nửa số ống kính của tôi có hood, nhưng tôi đang có ý định thay nó.
Không chỉ giúp ảnh của bạn tránh flare, hood còn giúp lens của bạn tránh mưa, tránh bụi nữa. Các bạn có thể tìm hiểu loại hood cao su co giãn & thích hợp cho nhiều ống kính, dễ sử dụng hơn loại hood thường thấy đi cùng mỗi ống kính. Hơn nữa, khi dùng hood, bạn còn có thêm một lớp bảo vệ chống lại va đập khi xảy ra va chạm với các vật cứng. Với loại phụ kiện máy ảnh này, tôi thấy nhiều bạn còn quay ngược nó lại khi chụp ảnh, để làm gì nhỉ ?
Chi tiết về lens hood và tác dụng, cách sử dụng đúng ở đây.
10. Business Card (cardvisit)
Đây vẫn là cách trực quan nhất để đưa thông tin của bạn cho người khác. Nó hữu dụng với nhiếp ảnh gia ở tất cả các trình độ, và chẳng tốn nhiều chi phí nên rõ ràng ai cũng phải có. Thay cho các màn trò chuyện tốn thời gian, chỉ cần đưa một cái thẻ là xong. Chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm thời gian hơn, và khách hàng có một cái gì đó để cầm về, lưu lại thông tin tốt hơn.
Đó là 10 phụ kiện máy ảnh mà các nhiếp ảnh gia nên có. Bạn vẫn có thể chụp ảnh đẹp mà không có chúng, dĩ nhiên, nhưng những thứ này sẽ giúp công việc của bạn dễ dàng hơn, cả trong việc chụp và hậu kỳ ảnh, trong khi không chiếm quá nhiều chỗ trong balo của bạn.
Credit
—
Bài viết gốc tại đây của fstoppers.com.
Cover foto by diyphotography.net
Bản quyền bài dịch thuộc về ©Chimkudo Academy – Lighten your values
Mọi trích dẫn bản dịch phải đính kèm link tới bài viết này.