Chiều sâu là một yếu tố cơ bản tạo nền tảng cho mọi loại hình nghệ thuật trực quan. Mọi bố cục đều cần có chiều sâu để tăng cảm giác thực cho tác phẩm. Chiều sâu trong nghệ thuật 2D có thể được định nghĩa là ảo giác về khoảng cách hoặc không gian 3 chiều trên một mặt phẳng. Một bố cục thiếu chiều sâu sẽ có ít cảm giác giống đời thực hơn.
Một số kỹ thuật mà người nghệ sĩ có thể áp dụng để tạo chiều sâu trong khung hình là: xếp lớp đối tượng, thay đổi kích cỡ và vị trí đối tượng, phối cảnh điểm tụ, sử dụng màu sắc và độ sáng tương ứng.
Xếp lớp đối tượng là sắp xếp các đối tượng có vị trí trước sau để tạo hiệu ứng chiều sâu trong bố cục. Những đối tượng đứng phía trước có cảm giác gần người xem hơn, còn những đối tượng phía sau sẽ có cảm giác xa hơn. Đây là phương pháp rõ ràng nhất để tạo chiều sâu và nó cũng có thể che khuất khuyết điểm nếu các yếu tố khác có cảm giác xung đột.
các đối tượng được sắp xếp chồng lớp, che lấp nhau, tạo cảm giác xa gần
Thay đổi kích cỡ và vị trí là một phương pháp khác hay được dùng để tạo cảm giác chiều sâu trong hội họa. Kỹ thuật này chỉ yêu cầu đơn giản là những vật có kích cỡ lớn hơn sẽ có cảm giác ở gần người xem hơn, còn những vật ở xa sẽ có kích cỡ nhỏ hơn. Thêm nữa, những vật được đặt ở bên dưới khung hình có cảm giác được đặt ở phía trước, còn những vật ở phía trên có cảm giác lùi ra đằng sau.
Phối cảnh điểm tụ giúp người nghệ sĩ tạo cảm giác chiều sâu bằng cách đặt cho những đường thẳng song song giao nhau tại điểm tụ ở đường chân trời. Một ví dụ điển hình để minh họa cho hiện tượng này là đứng trên một đoạn đường thẳng và nhìn về phía cuối con đường, bạn sẽ thấy rằng mặt đường ngày càng thu hẹp hơn khi càng nhìn về phía xa. Những đường này không nhất thiết phải hiện hữu trong khung hình, nhưng bạn hoàn toàn cũng có thể đưa chúng vào. Chúng cũng có thể được ám chỉ thông qua hình dáng của các đối tượng trong khung hình.
Màu sắc, giá trị màu và độ sáng tương ứng cũng có thể tạo hiệu ứng chiều sâu cho khung hình.
- Những màu đậm thường có cảm giác gần người xem, còn những màu nhạt có xu hướng dạt về phía sau.
- Những màu sắc có đặc tính tương đồng thường có cảm giác nhóm lại gần với nhau, còn những màu sắc tương phản tạo cảm giác tách biệt.
- Các màu ấm và sáng (cam, vàng, đỏ) thường tạo cảm giác tiến gần lại phía tiền cảnh; trái lại, các màu lạnh và tối (lam, lục, tím) thường có cảm giác lùi về phía hậu cảnh.
- Các màu có độ bão hòa mạnh thường kéo lại gần hơn, còn những màu nhạt sẽ lùi ra sau.
Ánh sáng và đổ bóng
Ánh sáng có thể tạo chiều sâu khi gây bóng đổ bên ngoài. Không chỉ vậy, cách ánh sáng tác động lên các đối tượng cũng có thể tạo cảm giác chiều sâu cho khung hình: các vật có vị trí càng gần nguồn sáng sẽ có bề mặt phản chiếu càng nhiều ánh sáng.
Bóng đổ cũng là một cách phổ biến để tạo hiệu ứng chiều sâu. Hình ảnh phản chiếu cũng có chức năng tương tự do nó cũng xuất hiện trên một mặt phẳng khác với đối tượng. Độ sâu sẽ càng tăng mạnh nếu như bóng đổ có kích cỡ lớn hơn và nhạt hơn, cũng như kéo dài khỏi đối tượng đổ bóng. Việc làm mờ đường viền của bóng đổ cũng giúp trong việc tăng chiều sâu cho bố cục.
Focus, chất liệu và độ chi tiết
Những đối tượng có độ chi tiết cao, sắc nét hơn và có chất liệu rõ hơn sẽ có cảm giác đứng gần người xem hơn những đối tượng ít chi tiết, bị làm mờ hoặc không rõ ràng chất liệu.
Hubert Robert, La Fontaine de la Liberté
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.