Texture là một trong những yếu tố góp phần tăng sự thú vị cho các ấn phẩm thiết kế và các bức ảnh. Trong thời đại chụp ảnh kỹ thuật số ngày nay, phần lớn những bức ảnh hấp dẫn đều áp dụng texture để thể hiện các chi tiết, shadow, các đường nét và ánh sáng.
Mỗi loại bề mặt sẽ có texture của riêng chúng, từ da người cho đến bức tường bằng gạch. Vì vậy, nếu tận dụng được texture, bạn sẽ tạo được cảm giác về chiều sâu và sự chân thực cho bức ảnh.
Tại sao trong nhiếp ảnh texture lại quan trọng?
Texture như một tín hiệu được gửi đến khán giả, giúp họ cảm thấy sự liên kết giữa bức ảnh và trải nghiệm của chính họ. Cho dù đó là một bức ảnh chụp bề mặt mịn như satin hay thô ráp như giấy nhám, họ đều có thể cảm thấy mối liên hệ giữa những gì nhìn thấy trên ảnh và ngoài đời thật.
Con người có xu hướng chú ý hơn vào những texture bất thường. Bạn đã bao giờ nhìn vào bức ảnh một người mẫu và tự hỏi tại sao làn da của họ trông có vẻ hơi “nhựa” hay chưa? Texture chính là yếu tố ảnh hưởng đến điều đó. Khi bộ não đã quen với texture của da ngoài đời thực, một bức ảnh bị chỉnh sửa quá đà sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và bị phân tâm.
Bằng các thể hiện được texture đúng như thực tế, bạn sẽ giúp mọi người xem ảnh với tâm thế thoải mái hơn, không bị khó chịu như phía trên.
Có phải tất cả các đối tượng đều cần nhiều texture?
Chúng ta sẽ cảm thấy một bức ảnh thiếu tính kết nối nếu texture của nó không hợp lý. Quá ít hoặc quá nhiều texture đều có thể gây khó chịu cho mắt người xem. Ngoài ra, trong khi độ phân giải cao đã quá phổ biến, việc thiếu texture sẽ khiến những bức ảnh này trông như có độ phân giải thấp hoặc gặp lỗi gì đó. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu texture thì được coi là đủ. Điều này còn tuỳ thuộc vào chủ thể trong bức ảnh của bạn.
-
Ảnh chân dung
Đối với ảnh chân dung, khả năng cao bạn sẽ muốn giảm texture một chút để người mẫu trông đẹp hơn. Nhưng với một số ảnh chân dung B&W, bạn có thể cho texture trông nhiều hơn so với thực tế bằng cách xử lý ánh sáng và hậu kỳ, điều này nhằm nhấn mạnh các nếp nhăn và đường nét trên khuôn mặt. Vì vậy, cả làm mịn da lẫn tăng texture đều hữu ích với ảnh chân dung, tuỳ thuộc vào phong cách và cảm xúc của bức ảnh mà bạn mong muốn.
-
Ảnh phong cảnh
Trong chụp ảnh phong cảnh, texture sẽ phụ thuộc vào khung cảnh và mức độ đầy đặn của khung hình. Chẳng hạn, trong một cánh rừng, việc tăng texture quá mức sẽ dẫn đến sự quá tải cho thị giác. Bạn sẽ làm người xem ảnh bị phân tâm vì nhìn đâu cũng thấy cây cối quá nhiều texture.
Đối với một khung cảnh quang đãng hơn, với tiền cảnh là bãi cỏ và bầu trời trải đầy những đám mây, texture sẽ có tác động rất tốt, khiến mỗi phần trong khung hình trở nên thú vị hơn.
-
Ảnh macro
Khi xét đến các đồ vật nhỏ hơn như vỏ sò, vỏ cây, lớp sơn bị bong hoặc côn trùng, bạn có thể sử dụng texture để làm nổi bật chúng, cho mọi người thấy những đường nét của chúng tinh vi đến nhường nào. Chúng ta không quen nhìn những vật nhỏ bé khi chúng được phóng lớn. Vì vậy khi chụp macro, texture sẽ biến chúng trở thành tâm điểm của những bức ảnh bắt mắt.
Ngoài ra, texture cũng cho bạn nhiều ý tưởng sáng tạo, mới mẻ hơn. Chẳng hạn, chúng ta hiếm khi để ý đến các đường gân trên chiếc lá. Nhưng khi chụp ảnh macro, texture của chúng sẽ hiện lên vô cùng thú vị và tinh vi, giúp hình ảnh manh nhiều sắc thái và hấp dẫn hơn.
Làm thế nào để chụp được texture?
-
Sử dụng ánh sáng một cách có chọn lọc
Texture sẽ được thể hiện rõ nhất thông qua cách sử dụng ánh sáng và tạo bóng đổ. Khi nguồn sáng hạ thấp như ánh sáng mặt trời vào chiều tối, bóng của vật sẽ được kéo dài ra và như vậy khuếch đại được texture. Nói đơn giản thì để texture hiện lên rõ hơn, hãy cải thiện nguồn sáng.
Nếu bạn đang chụp ảnh macro một quả cam, texture sẽ hiện lên rõ hơn khi di chuyển nguồn sáng lại gần bề mặt quả. Bằng cách thay đổi vị trí nguồn sáng sao cho các vết sần trên vỏ cam xuất hiện vùng shadow, texture sẽ rõ ràng hơn và bức ảnh cũng đẹp hơn.
Đọc thêm Shadows trong nhiếp ảnh
-
Độ sâu trường ảnh (Depth of field)
Khép khẩu nhỏ sẽ cho ra độ sâu trường ảnh rộng. Trong nhiều trường hợp, đây là cách để tăng texture cho bức ảnh. Nếu cảm thấy tấm ảnh đang bị quá “phẳng”, hãy thử khép khẩu và xem sự thay đổi đối với texture.
-
Hậu kỳ
Bạn có thể tăng texture bằng cách sử dụng các slider Texture, Clarity và Detail trong Photoshop hoặc Lightroom. Hãy xem ảnh ở độ zoom 100%, điều chỉnh dần dần đến khi nhận được texture như mong muốn.
Trên đây chỉ là vài cách cơ bản để tạo và điều chỉnh texture cho bức ảnh. Hãy thử làm theo và tìm kiếm thêm những cách ứng dụng texture cho bức ảnh của bạn!
Credit
—
Translated from website: adorama.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.
1 Comment
Pingback: 25 mẹo chụp food cơ bản ai cũng phải biết - Thư viện Chimkudo Academy