Khi nói đến việc tìm cảm hứng chụp ảnh, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Instagram và Pinterest. Tuy nhiên, do vấn đề về thuật toán lặp lại (repetitive algorithm) và vòng lặp sáng tạo (creative affirmation loops), nhiều hình ảnh trên đó trông quá giống nhau. Nếu bạn đang muốn tìm những cách khác để khơi dậy trí tưởng tượng của mình, bài viết này là dành cho bạn.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, Instagram và Pinterest đã giúp các nhiếp ảnh gia dễ dàng chia sẻ tác phẩm của họ. Ở khía cạnh nào đó thì đây là điều tích cực. Chẳng hạn, giờ đây các nhiếp ảnh gia mới nổi có thể có hàng trăm ngàn fan từ khắp mọi nơi, nhiếp ảnh gia và followers có thể ở khác thành phố, hoặc thậm chí họ còn chẳng biết chính xác người kia là ai.
Tuy nhiên, điều này vẫn gây ra những mặt trái, nghiêm trọng nhất là về mặt phong cách thì mọi thứ đang ngày càng trở nên giống nhau. Lý do đầu tiên cho việc này là nhiều creators sau khi thành công trên Instagram và Pinterest, họ bị cuốn vào vòng lặp sáng tạo. Họ bắt đầu chỉ đăng một phong cách ảnh duy nhất – những hình ảnh mà khán giả của họ sẽ nhấn “Like”. Điều này khiến tính thẩm mỹ bị khuôn mẫu, thiếu tính sáng tạo.
“Feed của chúng ta tràn ngập những content mà khả năng cao là chúng ta sẽ tương tác với nó”
Một lý do khác đó là thuật toán. Cho dù là Instagram hay Pinterest, feed của chúng ta được sắp đặt bởi những nội dung mà chúng ta sẽ dễ tương tác với nó nhất. Nếu trước đây chúng ta đã bấm Like bài viết nào đó, chẳng hạn như một bức ảnh vuông chụp đồ ăn trên nền sáng màu, từ góc top-down, thì chúng ta sẽ thấy kiểu ảnh như vậy rất nhiều lần sau đó. Thật không may, ảnh hưởng của mạng xã hội quá mạnh, dẫn đến tình trạng đồng nhất về thẩm mỹ. Thay vì chụp một địa điểm theo phong cách mà bạn thường thấy – giả sử như nhiều người đưa tay ra sau để nắm lấy tay người chụp ảnh – thì chẳng phải đi tìm một câu chuyện khác để tiết lộ phong cảnh đó sẽ thú vị hơn sao?
Điều đó không có nghĩa là những nền tảng này không giúp bạn tìm cảm hứng. Nhưng nếu bạn đang muốn khơi nguồn sự sáng tạo của mình, thì một số lựa chọn dưới đây sẽ là bàn đạp cho trí tưởng tượng của bạn.



Những nền tảng trực tuyến khác
Dù ủng hộ việc tắt máy tính, điện thoại và tận mắt nhìn thấy mọi thứ, phải công nhận rằng khi muốn xem các tác phẩm sáng tạo, thì không có nơi nào đa dạng và dễ tiếp cận hơn là Internet. Các nền tảng như Behance có rất nhiều dự án tuyệt vời mà bạn nên xem thử.
Cũng có rất nhiều nguồn học hỏi khác trên Internet, bạn chỉ cần dành một chút thời gian để khám phá chúng. Kho lưu trữ online Magnum Photos có rất nhiều tác phẩm của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Martin Parr, Alex Webb và Rebecca Norris Webb. Ngoài ra, Anonymous Project của Lee Shulman hay các cuộc triển lãm kỹ thuật số do Photographic Museum of Humanity cũng có rất nhiều tác phẩm sáng tạo, không chỉ về nội dung mà còn về hình thức trình bày sao cho gắn kết và độc đáo.
Photobooks và Magazines
Những ấn phẩm in ấn luôn có một sức hút khó cưỡng. Đối mặt với sự quá tải của công nghệ kỹ thuật số, con người đang ngày càng tìm kiếm những thứ hữu hình mà không bị thế giới online gây nhiễu. Từ các photobook publisher độc lập, cho đến tạp chí DIY và các ấn phẩm như Foam, British Journal of Photography, mỗi một trang in sẽ chứa đựng rất nhiều tác phẩm truyền cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia. Và có vẻ như mỗi năm, chúng ngày càng được sản xuất, tung ra nhiều hơn.
Hơn nữa, các hình ảnh được lựa chọn để đưa lên tạp chí đều là các hình ảnh được “kiểm duyệt” về mặt concept, thực thi để đảm bảo truyền tải đúng thông điệp hay tính năng, ý đồ cụ thể. Do vậy, tính “chính xác và phù hợp” sẽ được đảm bảo. Điều này làm nên sự khác biệt giữa tạp chí và mạng xã hội – nơi bất kì ai cũng có thể chụp bất cứ thứ gì theo bất cứ cách nào, không quan tâm tới concept có phù hợp với đối tượng hay không.


Nếu không phải lúc nào bạn cũng đủ khả năng để mua sách mới, hãy thử đến các cửa hàng sách cũ để tìm những cuốn photobooks không còn được in nữa. Ngoài ra, các hội chợ sách nghệ thuật là nơi hàng đầu để khám phá những cuốn sách thú vị mà bạn chưa bao giờ nghe đến, thậm chí còn có cơ hội gặp gỡ một số collaborators.
Nếu bạn sao chép từ một tác giả, đó là đạo văn. Nếu bạn sao chép từ nhiều tác giả, đó là nghiên cứu – Wilson Mizner.
Phòng triển lãm nghệ thuật và các lĩnh vực khác
Ngày nay, khi mọi thứ đều có thể xem được bằng điện thoại, chúng ta dễ quên mất rằng với một số tác phẩm, ta cần phải trải nghiệm trực tiếp. Phòng triển lãm và bảo tàng được xây dựng để tạo ra một cuộc đối thoại giữa artist và khán giả. Vậy thì còn cơ hội nào tốt hơn để tìm cho mình cảm hứng sáng tạo, ngoài việc trực tiếp tham gia vào cuộc trò chuyện đó?
Cuối cùng, đừng đặt ra bất kỳ giới hạn nào. Cho dù buổi triển lãm lớn hay nhỏ, triển lãm về hình ảnh hay nghệ thuật điêu khắc đi chăng nữa, vẫn sẽ có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ các nghệ sĩ và lĩnh vực khác.



Như vậy, mạng xã hội nào cũng có cái hay của nó. Mặt trái, nó làm cho mọi thứ trở nên giống nhau, vì vậy, tìm cảm hứng từ ngoài Pinterest, Instagram, Behance..là điều cần thiết nếu bạn thực sự muốn làm ra những thứ mới mẻ. Như Wilson Mizner đã nói “Nếu bạn sao chép từ một tác giả, đó là đạo văn. Nếu bạn sao chép từ nhiều tác giả, đó là nghiên cứu”
Credit
—
Translated from website: urth.co
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.
1 Comment
Pingback: 06 điều ngăn cản bạn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp