Một yếu tố không thể thiếu nữa trong thiết kế bố cục tốt là tính tương phản. Các quy luật tương phản thường được áp dụng để tăng phần kịch tính, thú vị và cảm xúc mạnh mẽ cho một tác phẩm nghệ thuật.
ĐỊNH NGHĨA TƯƠNG PHẢN
Tính tương phản trong nghệ thuật chỉ sự sắp xếp các thành tố mang tính chất đối lập trong một tác phẩm. Điều này xảy ra khi hai hoặc nhiều yếu tố liên quan đến nhau có sự khác biệt rõ rệt, sự khác biệt này càng lớn thì tính tương phản càng cao.
CÁC YẾU TỐ ĐỐI LẬP TRONG NGHỆ THUẬT
Điều quan trọng nhất khi làm việc với sự tương phản là đảm bảo sự khác biệt giữa các thành tố phải thật rõ ràng. Những cách phổ biến nhất để tạo tính tương phản là tạo ra sự khác biệt giữa:
- Màu sắc: sử dụng các màu sắc bổ túc trực tiếp trên thang màu, ví dụ như đỏ và lục, lam và cam, vàng và tím,…
- Độ tươi của màu: sử dụng các màu sắc sặc sỡ với các màu nhợt nhạt
- Chuyển động: nhanh với chậm
- Hình dáng: sử dụng các hình dáng tự nhiên với các hình hình học
- Kích cỡ: các vật to với các vật nhỏ
- Không gian: đối xứng negative và positive space
- Nhiệt độ: sử dụng các màu lạnh với màu ấm
- Chất liệu: sử dụng chất liệu thô ráp với các chất liệu mềm mại
- Độ sáng: sử dụng các màu sáng với các màu tối
Tầm quan trọng của tương phản
Tính tương phản có vai trò rất quan trọng là do nó tăng thêm sự đa dạng cho thiết kế và tạo ra một sự đồng nhất trong bố cục. Sự tương phản sẽ hút mắt người xem vào bên trong tác phẩm và dẫn dắt mắt nhìn xung quanh tác phẩm.
Tương phản còn có thể tạo điểm thu hút hấp dẫn với người xem. Hầu hết mọi thiết kế đều yêu cầu một tính tương phản nhất định; nếu một tác phẩm không có sự thay đổi trong bố cục, nó sẽ trở nên rất đơn điệu. Quá ít tương phản sẽ khiến thiết kế trở nên nhạt nhẽo và kém hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng không nên để tính tương phản quá cao để tránh gây bối rối cho người xem. Một mức độ tương phản vừa phải sẽ có thể nắm bắt được sự chú ý của người xem trong quá trình đối chiếu các yếu tố khác nhau trong tác phẩm. Ví dụ như khi xem người ta có thể so sánh những mảng sáng và tối trong bức tranh, các đường nét đậm và mỏng, các hình khối nhẹ và nặng, những không gian có chi tiết và không gian trống, vân vân,…
tương phản sáng tối và hình dáng
tương phản về độ đậm màu sắc (đỏ và cam) và chất liệu (cứng cáp của lọ và mềm mại của hoa)
Một số ví dụ về tính tương phản trong hội họa
Tính tương phản giữa bình cà phê và hai chiếc cốc trong tác phẩm bên dưới khá là rõ ràng. Hãy chú ý sự đối lập giữa màu sắc tươi sáng của background đằng sau với màu đen của lớp nền phía trước (có thể là một tấm khăn bàn), và còn có sự tương phản giữa mặt tối của tách cà phê với nền tường đằng sau, và mặt sáng của tách với khung cửa sổ tối. Ngoài ra còn có sự tương phản giữa các đường mỏng và đậm trên tấm khăn trải bàn, giữa các đường cong và đường thẳng cũng như giữa các hình hình học (tách cà phê, bình cà phê) với các hình tự nhiên (khói, mây). Lớp khói đen cũng có tương phản với các tầng mây trắng đằng xa.
Bức hình minh họa cô gái và con vẹt phía trên là một ví dụ về sự tương phản giữa sáng và tối. Màu đỏ của con vẹt cũng tương phản với màu trắng của chiếc váy. Thêm nữa, các hình dáng tròn trịa ở phía trước tương phản với khung nền phẳng đằng sau. Ngoài ra còn có sự tương phản về chất liệu giữa sự mềm mại của chiếc váy lụa và lông của con vẹt với background phẳng, đen phía sau.
Tính tương phản trong bức tranh phía trên nhẹ nhàng hơn các bức còn lại. Có sự tương phản về chất liệu giữa hàng rào gỗ cứng với sự mềm mại của mèo con và bướm bay. Mặt đất bên dưới cũng tương phản với lớp cỏ cây. Ngay cả hai chú mèo cũng có tương phản về màu sắc với nhau và với màu của hàng rào phía sau. Và sắc đỏ của những bông hoa ở góc dưới lại tương phản với màu cỏ xanh theo quy tắc phối màu bổ túc trực tiếp.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.