Mạng xã hội ngày nay là nơi để các nhiếp ảnh gia(foto) đưa lên ra các dự án của họ cũng như thảo luận những chủ đề xung quanh. Bên cạnh các nội dung hữu ích, hiện nay có không ít các nội dung mà theo tôi, những người làm nghề chuyên nghiệp nên tránh đưa lên mạng xã hội vì nó có thể ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của họ trong mắt công chúng. Dưới đây là 5 điều mà tôi nghĩ các nhiếp ảnh gia nên dừng ngay lại.
1. “Chỉ trích” các thương hiệu máy ảnh và người dùng của họ
Tôi đã viết về vấn đề này cách đây khá lâu, nhưng một lần nữa tôi bị ngạc nhiên về phản ứng của một số nhiếp ảnh gia khi nhắc đến các thương hiệu máy ảnh. Họ thực sự khó chịu khi bị ai đó “hơn thua”, chỉ trích thương hiệu máy ảnh họ đang dùng. Ở VIệt Nam, tình trạng hơn thua nhau về tôi dùng Nikon, bạn dùng Canon là không xịn bằng” hay “máy đấy chụp vớ vẩn””… còn diễn ra phổ biến hơn. Thậm chí còn nổ ra cãi vã, chửi bới nhau.
Những người này cũng chê bai các thương hiệu khác ngay khi họ vừa ra mắt một chiếc máy ảnh mới, trước cả khi có những bài review, đánh giá về khả năng của chúng. Điều buồn cười là có thể họ không sử dụng hoặc thậm chí chưa từng chạm vào chúng. Bạn có thể trở thành fan cứng cho thương hiệu máy ảnh mình sử dụng. Nhưng khi vượt qua ranh giới mỏng manh đó, bạn không còn là fan nữa, mà đã trở thành một kẻ cuồng tín.
Về logic, bạn phải hiểu rằng, các hãng máy ảnh tồn tại song song, cạnh tranh nhau thì sản phẩm ở cùng mức giá, tính năng sẽ không hơn thua nhau nhiều. Nó hơn cái này thì sẽ bớt cái kia, nếu Canon luôn tốt hơn Sony, sao Sony vẫn phát triển thế ? Hãy dùng lý trí để suy nghĩ.
2. Chia sẻ những bức ảnh “test” lens mới
Sau nhiều tháng tiết kiệm, cuối cùng bạn đã sở hữu được một chiếc lens đặc biệt. Bạn không thể chờ đợi để chụp ảnh với chiếc lens đó. Và rồi bạn bắt đầu up chúng lên mạng xã hội kèm caption: “Chụp thử với em lens mới tậu”. Mọi người có quyền tự do chia sẻ ảnh mình chụp. Nhưng nếu là một nhiếp ảnh gia tự hào về những bức ảnh của mình, tại sao bạn chia sẻ những bức hình “chụp thử” đó? Thường thì chúng chỉ là mấy kiểu ảnh chụp nhanh ở đâu đó.
Việc chụp những bức ảnh đầu tiên ngay sau khi mua lens mới là điều rất bình thường. Tôi khuyến khích điều đó. Nhưng đừng đăng những bức ảnh đầu tiên ấy lên mạng, đặc biệt là kèm theo cụm từ “chụp test” hay “test lens mới”, trừ khi ngay những lần đầu chụp thử bạn đã có những bức ảnh đẹp. Lời khuyên của tôi là chỉ sử dụng, kiểm tra xem lens có ổn không, và sau đó chỉ công khai những tấm ảnh đáng giá.
Rốt cuộc, bạn muốn người khác tung hô bạn vì bạn có điều kiện hay vì ảnh của bạn đẹp. Nếu là ảnh test lens, hãy dành cho nó những phân tích và đánh giá đúng, đầy đủ và công tâm.
3. Không đăng các ảnh giống nhau hoặc mình không thực sự thích

Điều tiếp theo mà các foto nên tránh là show ra một loạt các bức ảnh gần như quá giống nhau. Tại sao không chọn ra và chỉ chia sẻ bức đẹp nhất?
Hầu hết các foto đều chụp rất nhiều ảnh, khi lựa chọn, họ tiếc khi phải bỏ đi một hoặc nhiều ảnh same same nhau nhưng đều đẹp. Việc tập cho mình thói quen này sẽ giúp bạn cẩn thận hơn trong quá trình chụp ảnh vì bạn biết chỉ nên đăng 1 cái, nó phải là cái hoàn mỹ nhất.
Còn khi không có ảnh mình cảm thấy thỏa mãn ? Câu trả lời là đừng đăng. Là foto, hãy chỉ đăng các ảnh mà bản thân bạn thấy đẹp, xứng đáng đại diện cho mình. Hãy giữ gìn hình ảnh của bạn – điều mà bạn đã cât công gây dựng từ lâu.
4. Hỏi mọi người xem ảnh có màu hay ảnh đen trắng là đẹp nhất

Vài foto coi chuyển sang ảnh đen trắng là giải pháp cuối cùng khi bức ảnh màu không đúng theo ý họ. Họ thường nghĩ một bức ảnh màu xấu có thể là một bức ảnh đen trắng đẹp. Họ mong đợi nó trở nên “art” hơn bằng cách nhấn nút desaturate. Sự thật là, điều duy nhất họ làm là loại bỏ màu sắc trong ảnh.
Một số foto sẽ đặt ảnh phiên bản có màu và phiên bản đen trắng cạnh nhau, và hỏi mọi người đâu là bức đẹp hơn. Tôi tự hỏi, có phải những foto này thiếu tự tin đến mức họ phải hỏi mọi người xem họ nên chọn bức ảnh nào?
Trước hết, với tư cách là foto, bạn nên tự quyết định điều đó. Bạn muốn bức ảnh trông như thế nào là lựa chọn, là cá tính của bạn. Bạn là người làm sáng tạo, vì thế bạn cần quyết định xem tác phẩm của mình sẽ như thế nào, chứ không phải người khác.
Vấn đề thứ hai là cách tạo ra những bức ảnh đen trắng này. Chỉ desaturate hoặc chuyển sang chế độ đen trắng là không đủ. Bạn cần chú ý nhiều hơn đến ảnh đen trắng khi làm hậu kỳ. Cần xem xét độ tương phản, sáng, tối và tổng thể độ chói của các màu khác nhau. Chỉ loại bỏ màu sắc thì đấy không phải là ảnh đen trắng, đấy là ảnh đã khử bão hòa màu.
5. Ép bản thân phải dùng chế độ thủ công (Manual mode)
Một số foto nghĩ rằng dùng chế độ manual là cách duy nhất để thực sự nghiêm túc với việc chụp ảnh. Họ tin rằng chế độ này cho phép toàn quyền kiểm soát độ phơi sáng, điều mà chế độ tự động không thể. Nếu bạn không dùng chế độ manual, họ nói rằng bạn đang không sử dụng thiết bị một cách chuyên nghiệp.
Tất nhiên, với chế độ manual, bạn có thể điều chỉnh khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO theo ý muốn. Nhưng việc kiểm soát hoàn toàn như thế không đồng nghĩa với việc bạn có được exposure đẹp. Thanh đo ánh sáng trên máy ảnh sẽ cho bạn biết cần điều chỉnh như thế nào.
Với các chế độ bán tự động như Av(A) hay S(Tv), P, bạn có thể cài đặt ISO theo ý thích và khẩu độ(tốc độ) tùy thuộc vào độ sâu trường ảnh hay í đồ của bạn. Với 2 cài đặt thông số này, bạn không thể điều chỉnh thông số còn lại một cách thủ công. Thay vào đó bạn cần điều chỉnh thanh đo sáng(Exposure compensation) để đạt được một hình ảnh đúng sáng.
Chế độ manual chỉ đơn giản là cho phép bạn thiết lập ISO, khẩu độ và tốc độ màn trập theo cách thủ công. Dù là ở chế độ nào, kết quả vẫn luôn là thước đo chính xác nhất. Nếu bạn cảm thấy thoải mái với chế độ chụp nào đó, ra được ảnh bạn mong muốn, hãy cứ dùng nó. Nhiệm vụ của foto là chụp ra ảnh đẹp, làm sao để chụp ra chúng ta đâu cần giải thích !
Credit
—
Translated from website: fstoppers.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.