Trong 08 năm đi làm nghề, mình gặp khá nhiều câu hỏi liên quan tới việc lựa chọn ống kính, công nghệ cảm biến, độ phân giải….làm sao để anh ra nét căng(pin-sharp). Dường như ở Việt Nam, chúng ta bị quá ám ảnh bởi vấn đề chụp ảnh nét mới là ảnh đẹp trong khi đó trong nghệ thuật, nét chưa bao giờ là một nhân tố để đánh giá một tác phẩm. Từ điêu khắc tới hội hoạ và ngay cả trong nhiếp ảnh, nét chưa bao giờ được coi là một yếu tố đánh giá một tác phẩm có nghệ thuật hay không. Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra một vài yếu tố quan trọng bên cạnh vấn đề nét để làm nên những bức ảnh ưa nhìn.
Nói một cách đơn giản: Bức ảnh vẫn đẹp ngay cả khi nó không nét căng
Ngôn ngữ của khoảnh khắc
Nhiếp ảnh, đặc biệt là phóng sự hay báo chí nhấn mạnh tới yếu tố khoảnh khắc. Nhiều người bị mắc kẹt với những máy ảnh và ống kính A hay B nét hơn, C tương phản tốt hơn so với D, so sánh từng pixel, công nghệ hãng X vượt trội hãng Y…. này kia mà quên đi phần cần rèn luyện quan trọng nhất nằm ở đôi mắt.
Với mình, hầu hết các ống kính và máy ảnh đều đủ nét, ngay cả các ống kính KIT 18-55 vốn bị hắt hủi do giá rẻ và thường được bán kèm máy ảnh khi mua đều đủ dùng để chụp ra ảnh ổn. 03 năm ở EU, combo theo mình là Nikon D90 và lens 18-55 và 55-200 là các lens rẻ tiền nhất của Nikon nhưng chả sao, ảnh vẫn ổn.
Ngôn ngữ của cảm xúc
Tại những khoảnh khắc nhất định, ánh sáng truyền tải những cảm xúc đặc biệt. Nó có thể dữ dội hay êm đềm, tạo cảm giác nghỉ ngơi hay năng động, căng thẳng…Việc của người chụp ảnh đơn giản chỉ là ngồi đợi hoặc luôn sẵn sàng để có thể chớp được những cảm xúc trong những khung hình.
Ngôn ngữ của màu sắc
Ảnh film làm đốn tim không ít người đơn giản vì tính “không nét căng” và đặc biệt là màu của film luôn tạo một cảm giác hoài cổ nhất định. Các tấm ảnh từ Polaroid, Instax vốn không hề nét căng nhưng không vì thế mà nó không được ưa chuộng.
Ở bức ảnh quán cafe này, nó vi phạm hầu hết các yếu tố của một nguồn sáng đẹp nhưng màu đã kéo lại tất cả, làm nó ưa nhìn.
Ngôn ngữ của thực tế
Các ống kính cũ thường có các lớp tráng phủ đơn giản, thậm chí không nên khi chụp ngược nắng hay bị flare, tuy nhiên nếu dùng nó hợp lý thì flare lại là một ưu điểm. Nó làm tăng tính thật của ảnh, tạo cảm giác giống ngoài thực tế hơn là ảnh trong veo, mọi thứ nét căng.
Như vậy, lens nét căng đanh, máy này có công nghệ này kia….tất cả chỉ là phụ trợ. Người chụp ảnh quan trọng nhất nằm ở việc nhìn và cảm nhận. Nếu bạn không tin, bạn có thể tìm kiếm tất cả các bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới. Khi bàn về nó, người ta đơn giản đặt câu hỏi bức ảnh này muốn nói gì, tình cảm ra sao, cảm xúc khi xem thế nào….chứ không hề nói rằng nó được chụp bằng máy hay ống gì.
Nhiều năm trôi qua, mỗi lần xem lại các ảnh ngày trước chụp bằng máy móc và ống kính đơn giản lại thấy nhiều cảm xúc mà máy móc tiền tỉ bây giờ cầm trên tay chưa chắc đã chụp ra được. Máy móc chỉ là công cụ, đừng để nó giới hạn những gì chúng ta có thể nhìn và cảm nhận, thay vào đó hãy tận dụng nó để truyền đạt những gì chúng ta suy nghĩ, cảm nhận hay cảm xúc muốn gửi gắm qua đó.
—
Viết lung tung by Chimkudo vào một buổi chiều thập cẩm những việc không đâu vào đâu.