Photography, dù hiểu theo cách nào thì về cơ bản là một thứ ngôn ngữ. Nó là ngôn ngữ của ánh sáng để truyền đạt các thông điệp thông qua thị giác.
Nhiếp ảnh được phát minh cách đây hơn 200 năm. Trải qua một lịch sử đầy biến động, nó được đánh giá là một trong những hình thức diễn đạt nghệ thuật phổ biến nhất của con người. Không giống như mỹ thuật, một người họa sĩ cần nhiều năm để phát triển và hoàn thiện kĩ năng sử dụng bút, toan và màu sắc, nhiếp ảnh ngày nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã trở nên dễ dàng tiếp cận với hầu hết tất cả công chúng. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, người ta hay đề cao giá trị của công nghệ, của phần cứng như máy ảnh, ống kính hay các phương pháp xử lý âm bản đặc biệt cho tới những kĩ thuật Photoshop huyền ảo.
Nhiếp ảnh(Photography) về bản chất, là một từ ghép của hai từ trong tiếng Hy Lạp “phōtós” nghĩa là “Ánh sáng” và “graphé” nghĩa là “Vẽ”. Như vậy Nhiếp ảnh có thể hiểu là “vẽ bằng ánh sáng” và nó là một giải thích trọn vẹn, ngắn gọn về bản chất của nhiếp ảnh. Thông qua ánh sáng, chúng ta có thể diễn tả cảm xúc, không gian, thời gian và câu chuyện mà không cần phải nói thành lời.
Là một nhiếp ảnh gia, chúng ta cần phải học cách nói thứ ngôn ngữ của nhiếp ảnh một cách lưu loát. Giống như Shakespeare, thứ công cụ cơ bản mà ông thành thạo để viết lên những tác phẩm vĩ đại là ngôn ngữ của Nữ hoàng chứ không phải thứ tiếng Anh phổ thông ngoài chợ búa. Nhiếp ảnh gia không hiểu về ánh sáng thì cũng giống như Shakespeare chỉ biết nói thứ tiếng Anh phổ thông xuồng xã.
Ánh sáng – thứ ngôn ngữ kì diệu , cũng giống như bao ngôn ngữ khác đều có ngữ pháp và cấu trúc. May mắn thay, thứ ngôn ngữ này có thể được học dễ dàng hơn vì chúng ta luôn có điều kiện tiếp xúc với nó hàng ngày trong cuộc sống. Hơn nữa, ánh sáng về bản chất là một đối tượng vật lý, vì vậy nó có tính logic và đúng sai, khiến người học dễ ghi nhớ và suy luận hơn. Tuy nhiên, là một ngôn ngữ, nó cần các nhiếp ảnh gia đầu tư thời gian và môi trường để rèn luyện và phát triển.
Trong cuộc sống, chúng ta tiếp xúc với ánh sáng hàng ngày như một thói quen, nên đôi khi chúng ta quên mất việc quan sát nó biến đổi ra sao theo các khoảng thời gian trong ngày, theo mùa và các điều kiện thời tiết khác nhau. Chắc hẳn đã có lần bạn thức dậy đầy sảng khoái cùng với những tia nắng trong trẻo tràn ngập căn phòng, hay có những lúc bình yên bất tận trong những buổi hoàng hôn ấm áp. Ánh sáng mang lại cảm xúc và nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia là chờ đón, tái tạo và ghi nhận nó bằng tất cả các công cụ và giác quan. Máy ảnh, ống kính, film hay photoshop bản thân nó không thể tạo ra ánh sáng. Chúng đơn thuần chỉ là các thiết bị giúp chúng ta ghi nhận lại ánh sáng một cách đẹp đẽ nhất. Nó giống như họa sĩ, khi đã làm chủ cây bút thì với một tấm toan và bộ màu tốt sẽ góp phần cho ra những bức tranh phi thường.
Hiểu về ánh sáng sẽ giúp các nhiếp ảnh gia có thể biến đổi nó nhằm tạo ra các hiệu ứng thị giác đặt biệt cho dù đó là nguồn sáng tự nhiên như mặt trời, tới các nguồn sáng nhân tạo như đèn led, compact….tất cả đều là câu chuyện của ánh sáng. Tới đây, tôi lại nhớ một câu trích dẫn rất nổi tiếng trong nhiếp ảnh “Một máy ảnh chuyên nghiệp là một máy ảnh nằm trong tay một người chuyên nghiệp”. Cái làm nên sự khác nhau chỉ là con mắt quan sát sự chuyển động và thay đổi của ánh sáng, rồi ghi nhận nó một cách trọn vẹn. Nếu bạn hỏi một người đầu bếp rằng tại sao ông ta có thể tạo ra nhiều loại bánh mỳ đến như vậy thì chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời “Đó là sự hiểu biết về bột và men”. Từ hai thành phần đó, kết hợp, gia giảm, thông qua các cách ủ khác nhau mà cho ra các loại bánh mỳ khác nhau, tất cả đều từ bột và men. Vì vậy, hiểu biết về ánh sáng là căn bản và cần thiết cho bất cứ ai mới đến với nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh gia gạo cội W. Eugene Smith đã từng nói rằng “Ánh sáng đẹp là bất kì thứ ánh sáng xấu nào có sẵn”. Điều đó có nghĩa rằng, là một nhiếp ảnh gia, hãy tập quan sát, cảm nhận và làm chủ thứ ngôn ngữ này, để biến nó thành chất liệu, dùng vẽ lên những bức ảnh của chính mình.
—
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.