Nhiều học sinh ngành nghệ thuật bắt đầu mỗi năm bằng cách nghĩ ra hàng loạt những ý tưởng khả thi hoặc những chủ đề và nội dung mà họ có thể áp dụng vào những dự án của mình. Bài viết này sẽ liệt kê 23 phương pháp tạo sơ đồ tư duy cũng như là những hình vẽ minh họa trực quan để giúp học sinh nghệ thuật khơi nguồn cảm hứng hơn.
Đôi khi các ý tưởng có thể nảy mầm ngay trong lớp học, trong những cuộc trò chuyện trao đổi giữa giáo viên và học sinh, hoặc là khi học sinh đang tự lưu lại những ý tưởng trong sổ vẽ. Con người có xu hướng suy nghĩ đa chiều – cùng một lúc có thể có nhiều suy nghĩ diễn ra để thúc đẩy các ý tưởng sâu sắc hơn. Thay vì chỉ ghi chép lại suy nghĩ theo trình tự thời gian, bạn có thể thu thập, lưu lại và sắp xếp các ý tưởng của mình một cách trực quan, sử dụng các loại sơ đồ ví dụ như sơ đồ tư duy.
SƠ ĐỒ TƯ DUY LÀ GÌ?
Cụm từ “mind map” (sơ đồ tư duy) được phổ cập bởi Tony Buzan để chỉ loại sơ đồ chia nhánh có cấu trúc như rễ cây và xuất phát từ một tâm điểm, trong đó những mối liên hệ được biểu hiện qua những đường cùng màu. Một sơ đồ tư duy giúp cho mạch suy nghĩ được mạch lạc và đảm bảo rằng mọi lựa chọn đều được cân nhắc, khuyến khích người dùng nghĩ sáng tạo hơn.
CÁCH TẠO SƠ ĐỒ TƯ DUY
Các bước để tạo sơ đồ tư duy đã được chính Tony Buzan đề ra trên website của ThinkBuzan. Những lời khuyên của ông là: vẽ sơ đồ theo chiều ngang; bắt đầu bằng một hình ảnh ở giữa tượng trưng cho chủ đề của bạn; dùng các đường cong để nối các ý tưởng với nhau; sử dụng hình ảnh và câu từ đơn giản; tô màu để tăng phần đẹp mắt và sắp xếp ý tưởng.
Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải quá cứng nhắc về cách trình bày của sơ đồ tư duy. Sơ đồ của bạn có thể được sắp xếp theo bất kỳ cách nào hợp mắt người xem, ví dụ như dạng rễ cây, dạng chân nhện hoặc thậm chí chỉ là những suy nghĩ ngẫu hững được sắp xếp trên giấy, miễn là chúng có tính đa dạng về ý tưởng và được liên kết với cùng một chủ đề. Chính vì vậy, những ví dụ dưới đây sẽ thuộc nhiều phương pháp lên ý tưởng khác nhau chứ không chỉ tuân theo format sơ đồ tư duy chính thống.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI TẠO SƠ ĐỒ TƯ DUY
- Những từ đơn khó có thể lột tả được ý tưởng trọn vẹn. Khi bạn đang lên ý tưởng, khả năng cao là bạn sẽ ghi chép lại những cụm từ và nghĩ ra thêm nhiều cách để tiếp cận vấn đề đó. Những suy nghĩ và ý tưởng của bạn cần phải dễ hiểu cả với những người xem sau khác.
- Hình ảnh dùng trong sơ đồ tư duy nên là sản phẩm của chính bạn (vẽ tay, tự chụp) hoặc nếu không thì cần được trích nguồn cụ thể. Hình ảnh cũng nên được sử dụng sao cho thuận mắt nhất có thể.
- Cách trình bày sơ đồ tư duy cũng hết sức quan trọng. Tiêu chí này sẽ là thứ đầu tiên đập vào mắt người xem hoặc người chấm điểm cho bạn.
- Có nhiều cách trình bày phức tạp và tốn công hơn, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tốt hơn. Đôi khi bạn chỉ cần liệt kê các ý tưởng của mình trên giấy thôi là cũng đủ rồi.
MỘT SỐ GỢI Ý LÀM SƠ ĐỒ TƯ DUY
Chụp một bức ảnh đẹp làm tâm sơ đồ:
Bạn có thể chụp ảnh một vật thích hợp, sau đó in và cắt dán lên tờ sơ đồ của mình, hoặc cũng có thể ghép hình vào giấy và in ra. Một cách khác nữa là scan vật muốn đưa vào trên máy scan để nó được ghép trực tiếp lên trang giấy. Những nhánh còn lại có thể vẽ bằng tay. Vì bức ảnh này sẽ là tâm điểm của sơ đồ, bạn sẽ cần chọn hình ảnh một cách cẩn thận.
Tô màu khu vực có chữ
Phương pháp này sẽ cho phép bạn được thử nghiệm với màu sắc và không gian khi đang lên ý tưởng. Bạn có thể áp dụng một loạt các vảy màu, tô màu,… Tuy nhiên nên nhớ rằng việc lựa chọn màu rất quan trọng và không nên gây mất tập trung cho người xem.
Vẽ nhiều bức hình nhỏ để mô tả trực quan ý tưởng
Nếu bạn có khả năng hội họa, bạn có thể minh họa ý tưởng của mình bằng những bức vẽ nhỏ ghép vào nhau. Bạn nên tránh vẽ những thứ ngẫu nhiên từ trí tưởng tượng và cân nhắc sử dụng những công cụ khác nhau để thực hiện theo cách này.
Chèn chữ lên một bức ảnh trọng tâm
Bạn có thể cắt ghép những cụm từ cắt từ giấy báo hoặc chèn chữ bằng các phần mềm đồ họa. Ở ví dụ trên, kích cỡ font chữ được dùng để nhấn mạnh, các từ được sắp xếp sao cho bố cục cân bằng.
Tiếp nối hình ảnh từ một bức vẽ “chưa hoàn thiện”
Bạn có thể tạo sơ đồ tư duy xung quanh một bức tranh chưa hoàn thiện kéo dài khắp cả trang giấy theo phong cách ngắt quãng. Cách này sẽ giúp bạn mở rộng từ một tác phẩm, giúp cho dòng sáng tạo trôi chảy hơn.
Ghép collage từ các bức ảnh, các chất liệu và các bề mặt khác nhau
Collage art cũng là một cách hay để tạo sơ đồ tư duy, làm gốc cho những ý tưởng sâu hơn sau này. Ví dụ bên trên nói về những ý tưởng liên quan đến vẽ minh họa, truyện cổ tích và các truyền thuyết.
Sơ đồ tư duy dạng “chất lỏng”
Bạn có thể dùng màu vẽ để trình bày sơ đồ tư duy của mình. Sử dụng màu acrylic khô nhanh hoặc màu nước là lý tưởng nhất. Cách tiếp cận này sẽ phù hợp hơn với các ý tưởng có thể liên kết với màu sắc, và người vẽ cũng nên chú ý không làm sơ đồ quá rối mắt.
Vẽ lên các mảng nước trừu tượng
Tạo sơ đồ chữ đơn giản, dùng các đường tròn và chấm để nhấn mạnh
Bạn cũng không cần phải tạo sơ đồ quá phức tạp và công phu. Cách thức trình bày đơn giản tinh tế này cũng là một cách tuyệt đẹp để bắt đầu các ý tưởng của bạn.
Ghi chép dòng suy nghĩ bằng hình ảnh và chữ viết tay
Những trang nhật ký trên rất giống phong cách ghi chép của nhiều nghệ sĩ. Nền giấy nhiều lớp dán đè với các hình ảnh khác nhau đều được che phủ bởi các dòng chữ viết tay bừa bộn, các đoạn văn được viết to hơn để tạo điểm nhấn và các đường kẻ giúp phân tách các phần khác nhau.
Viết ý tưởng lên bảng đen bằng phấn rồi chụp lại
Nếu bạn cảm thấy bị gò bó bởi kích cỡ của giấy, bạn có thể tạo sơ đồ tư duy trên một tấm bảng đen, bảng trắng hoặc một tờ giấy to hơn. Sau khi hoàn thiện, bạn có thể chụp ảnh và đưa hình ảnh này vào sổ của bạn, công đoạn này có thể sẽ yêu cầu một chút kỹ thuật chỉnh sửa trên máy tính.
Dựng mind map từ những mẩu giấy hoặc bìa nhỏ
Bạn cũng có thể xếp nhiều mẩu giấy lên nhau, in lại và viết đè lên bản in đó; dán trực tiếp giấy vào sổ tay hoặc sắp xếp tất cả lại và chụp ảnh lại.
Gắn ảnh lên pinboard
Vẽ tay lên một bức ảnh
Những người có khả năng nhiếp ảnh mạnh có thể tạo sơ đồ tư duy bằng hình ảnh chụp. Bức ảnh có thể được in khổ lớn để tiện hơn cho việc vẽ lên, sử dụng những chất liệu mực như mực Ấn Độ.
Tạo sơ đồ tư duy online
Một cách dễ dàng để tạo sơ đồ tư duy là sử dụng những công cụ online có sẵn. Phương pháp này có thể phù hợp với những người làm thiết kế đồ họa cần portfolio sử dụng các công cụ kỹ thuật số.
Tạo collage sử dụng nhiều chất liệu khác nhau
Vẽ mindmap nối
Sử dụng hình vẽ minh họa và màu sắc để nhấn mạnh ý tưởng quan trọng
Những người làm thiết kế đồ họa có thể sẽ thích phương pháp này hơn. Chú ý cách lặp lại màu sắc và đóng khung chữ trong ví dụ trên để thu hút mắt người xem một cách hiệu quả.
Sắp xếp sơ đồ dạng lưới
Cách trình bày này không thể hiện được tính liên kết giữa các ý tưởng, nhưng nó có thể là một cách tối giản để giúp người xem suy nghĩ về nhiều ý tưởng khác nhau trong cùng một chủ đề. Hình ảnh sử dụng có thể là ảnh chụp, ảnh vẽ hoặc ảnh ghép, tất cả đều được đánh tên bên dưới.
Kết hợp moodboard và ý tưởng
Dùng bút nhiều màu
Đây cũng là một cách nhanh gọn để ghi chép ý tưởng. Màu sắc và cách sắp xếp nên có liên kết với nhau. Cách trình bày này có thể phù hợp với những người học graphic design hoặc các dự án thiết kế 3D.
Credits:
Bài viết gốc bởi Amiria Gale tại studentartguide.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.