Người Ai Cập cổ đại rất chú trọng về kiến trúc và điêu khắc. Đặc biệt cách họ tô vẽ các bức họa trang trí trong hầm mộ làm ta liên tưởng đến các bức họa trong hang động. Không thể không nhắc đến nền hội họa Âu châu cổ đại là Minoan, Mycenaean và Etruscan, kế đó là nền văn minh La Mã và Hy Lạp. Người Ai Cập tin tưởng rằng sau khi chết, họ sẽ đi vào một thế giới hạnh phúc vĩnh hằng nên có bóng dáng của người hầu kẻ hạ, với những đồ ăn thức uống được khắc chạm bên vách mồ của họ. Tiếc rằng đến nay chỉ còn sót lại vài ba mảnh tường vụn vặt trên mặt đất này.
Khoa nghiên cứu về “Hội họa nhà mồ Ai Cập” có tìm thấy một bức họa nhà mồ nổi tiếng nhất là bức “Con ngỗng Medum” vẽ trong ngôi mộ của hoàng tử Nefermaat (con vua Pharaon Sneferu: Ông vua đầu triều đại thứ tư) với vợ từ 2000 năm trước CN.
Ba con ngỗng này cũng là họa tiết trên cột trụ ở đô thị Medum. Điều này cho ta đoán định nghệ thuật tạo hình ở đây đã phát triển tới đỉnh cao từ rất sớm. Ở mộ Ramose: tể tướng dưới triều vua thứ 18 (Amenhotap III và Amenhotap IV) có bức vẽ “Phụ nữ than khóc” trong đám tang mô tả nỗi thương tiếc sâu xa trong cảnh tử biệt sinh ly. Cổ họa Ai Cập chỉ nhằm mô tả “tính chất vĩnh hằng” một thực tại bất biến (thường vẽ ra từ ký ức), thành mô hình tiêu chuẩn có tính cách tượng trưng.
PHONG CÁCH, BỐ CỤC
Đa số bích họa (tranh tường) tiêu biểu như “Cảnh chim muông” vẽ trong mộ một nhà quí tộc ở Thebes theo kỹ thuật “bích họa khô (fresco)” sử dụng lòng trứng tempera trộn vữa rồi chờ khô. Khác hẳn với kỹ thuật vẽ “bích họa ướt” (buon fresco) vẽ lên vữa ướt.
Toàn cảnh bức tranh là một cánh đồng cói hoang vu. Nổi lên là hình ảnh một chú mèo của Nebamum đi nhặt chim săn đang đứng chờ chủ để dâng công. Trong lúc ấy, chủ nhân của nó đang bệ vệ đứng dạng chân trên thuyền. Một tay cầm 3 con chim giơ lên ngắm nghía, tay kia cầm roi, đầy vẻ thị uy. Phu nhân theo sau với bộ áo đài các, tóc giắt hoa tươi, tay cầm hoa thắm. Dưới chân là một cô gái khác đang ngồi hái sen.Theo qui ước Ai Cập, khi vẽ người có danh phận bao giờ cũng vẽ lớn, rồi vợ con hoặc người dưới thì vẽ bé lại, theo “cấp bậc” tôn ti trong xã hội.
QUY CÁCH BIỂU HIỆN CỦA AI CẬP
Nghệ thuật của Ai Cập vẽ người theo đúng “tỷ lệ chính xác từng ly”, phân cơ thể người ra làm 18 phần đều nhau. Họ còn kỹ đến độ ấn định khoảng cách mỗi bước chân lúc đi, lúc đứng. Trước khi vẽ, họ phải kẻ ô làm khuôn thước rồi mới vẽ hình vào. Người ta phát hiện tỷ lệ ô vẽ này từ triều đại thứ 18. Vẽ hình vua Tuthmosis III trong một khung ô gỗ.
Ngoài ra người ta còn tìm thấy tượng điêu khắc tô màu như “Đầu hoàng hậu Nefertiti”, vợ vua Akhenaten. Có lẽ đó là một mẫu, vì nó được tìm thấy dưới đống phế tích của một xưởng điêu khắc. Nét mặt thanh tú, xem ra nó đã thoát khuôn khổ cứng cỏi của thời trước và sau nền nghệ thuật Ai Cập, vì vua Akhenaten phá luật cổ truyền. Trong triều đại của ông các họa phẩm, điêu khắc mang đầy nét dịu dàng, tươi sáng.
VĂN HÓA THỜI ĐỒ ĐỒNG
Văn minh thời Đồ Đồng Minoan (năm 3000 – 1100 trước CN) được đặt tên ông vua huyền thoại Minos, vị đế vương sớm nhất ở Âu châu, nằm trên đảo Crete, trong vùng biển Aegean (giữa đất Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ). Xã hội trên đảo này phát triển song song với Phi châu và Ai Cập.
Mặc dù Ai Cập và Minoan ở gần nhau, có ảnh hưởng qua lại nhưng nền văn hóa giữa họ còn rất cách biệt. Minoan có ảnh hưởng rất lớn vào nghệ thuật Hy Lạp. Đảo Crete trở thành trung tâm văn hóa và địa lý trong thế giới, Aegean cũng ngang ngửa nền văn minh Minoan, thuộc nhóm đảo Cyclades. Ngẫu tượng (tượng thần) được phát hiện từ quần thể cư dân này (hình 8). Đồ cổ vật thời Tân Thạch (đồ đá mới), hình dạng trừu tượng, nhưng vẫn mang tính thờ phụng, tế lễ. Ở đây, ta thấy một tượng điêu khắc mở đường cho các trường phái nghệ thuật trừu tượng sau này (thế kỷ XX). Tượng đá có hình dạng kỷ hà. Thân thể gồm những đường nét dài, hẹp.Mắt, miệng và các nét đều được tô màu.
—
Tổng hợp và biên tập bởi ChimkudoPro
Mọi chia sẻ và trích dẫn đều phải đính kèm link tới bài viết gốc