Việc báo giá chụp food là một vấn đề không hề đơn giản, thậm chí chỉ một hai bài viết cũng chưa chắc có thể đi hết câu chuyện này. Khi tôi dạy nghề cho những nhiếp ảnh gia mới muốn chen chân vào con đường chụp food, chúng tôi luôn dành rất nhiều thời gian bàn về việc ra giá sao cho phù hợp. Thành thực mà nói, cá nhân tôi cũng không nắm trong tay mọi câu trả lời. Tôi không thể biết chính xác một người nên lên giá như thế nào trong thị trường của họ, vì điều này còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như quy mô dự án, khả năng của nhiếp ảnh gia cũng như nhu cầu của khách hàng.
Nhưng có một điều mà tôi có thể chắc chắn: đó là có rất nhiều nhiếp ảnh gia đặt ra một mức giá không tương xứng với dịch vụ của họ. Và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghiệp ảnh food.
Tất nhiên là cũng không ai cố tình làm vậy cả. Việc ra giá quá thấp thường bắt nguồn từ nỗi lo sợ và sự thiếu hiểu biết. Sự thiếu hiểu biết này hoàn toàn tự nhiên khi mới bắt đầu và chưa có nhiều kinh nghiệm.
Khi tôi mới bắt đầu bước chân vào ngành này, tôi đã thuê một gia sư nhiếp ảnh để đưa ra những lời khuyên về việc ra giá và tôi làm theo lời của họ. Điều này thực sự rất hữu ích, nhưng cũng phải một lúc lâu sau tôi mới thực sự hiểu được những tính toán và cách sử dụng luật lệ về bản quyền hình ảnh. Tôi đã phạm rất nhiều sai lầm khi mới chân ướt chân ráo vào nghề. Nhiều khi tôi thét giá quá thấp vì lo rằng mình sẽ không nhận được job chụp đó, và thành thực mà nói thì tôi cần bất cứ số tiền nào nhận được. Vấn đề này cũng không phải của riêng ai, và cũng thường là lý do khiến nhiều nhiếp ảnh gia đặt mức giá quá thấp.
Nhờ có công nghệ máy ảnh kỹ thuật số và những kênh mạng xã hội dạng ảnh, ngành công nghiệp ảnh đã trở thành một nơi nhộn nhịp và xô bồ hơn. Rào cản vào nghề cũng không còn nhiều, còn thị trường thì ngày càng bão hòa. Ngày nay ai cũng có thể trở thành một nhiếp ảnh gia, nhưng chất lượng hình ảnh mỗi người đưa ra vẫn chưa bao giờ đồng đều.
Có hai loại khách hàng chính trong ngành nhiếp ảnh food: những khách hàng có nhu cầu chụp nhiều ảnh sau một buổi chụp (thường là với mức giá thấp), và những khách hàng chỉ mong muốn một vài bức ảnh thật xuất sắc (thường được dùng với mục đích thiết kế bao bì sản phẩm hoặc những chiến dịch truyền thông).
Trong những năm đầu tiên vào nghề, hầu hết khách hàng của bạn sẽ rơi vào kiểu đầu tiên. Nhưng vấn đề với chụp ảnh đồ ăn là: lượng và chất luôn tỉ lệ nghịch với nhau.
Để chụp được những bức ảnh đồ ăn đẹp cần rất nhiều thời gian. Bạn cần bỏ công để set up và dựng bố cục, mua và chuẩn bị đồ ăn, chỉnh sửa ánh sáng và bố cục cho đến khi ưng ý.
Khi tham gia vào những dự án mang tính commercial và editorial, tôi cũng thường chỉ chụp được 4 đến 5 bức hoàn thiện trong một ngày. Những bức ảnh mà bạn thường hay bắt gặp trên bìa tạp chí thực sự đã là tâm huyết và công sức của cả một nhóm người.
Vậy nếu khách hàng tìm đến bạn và yêu cầu 60 bức ảnh khác nhau để họ đăng Instagram mà chỉ trả 5tr, chắc chắn là có điều không ổn. Lượng ảnh bạn cung cấp cho khách hàng càng lớn, thì chất lượng của từng bức ảnh sẽ càng đi xuống.
Trong báo giá chụp food, trước khi ra giá cho khách, bạn cần phải làm rõ với họ về những điều bạn có thể và không thể làm. Khi nói chuyện với khách hàng tiềm năng, hãy hỏi họ xem họ hứng thú với phần nào trong portfolio của bạn. Khả năng cao là họ muốn làm việc với bạn vì họ thích phong cách của bạn, cũng như nghĩ rằng nó sẽ hợp với thương hiệu của họ. Nếu khách muốn 40 bức ảnh chụp bánh giống như những bức ảnh mà bạn đã dành hàng tiếng miệt mài làm trên portfolio, bạn cần giải thích rõ cho họ rằng bạn không thể cho ra sản phẩm tương đương trong giới hạn đó.
Bạn luôn nên cố thương lượng về chất lượng sản phẩm khi ngân sách của khách hàng thấp mà lượng ảnh mong muốn lại nhiều. Nhiều khi ngay cả họ cũng không biết là bản thân họ cần bao nhiêu ảnh. Thêm nữa, đừng bao giờ hạ giá thấp hơn mức đã đưa ra từ đầu. Hình ảnh của bạn có thể sẽ bị rẻ mạt hơn.
Một khi đã xác định được bạn sẽ chụp cái gì và bao nhiêu ảnh, việc lên giá sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng hãy lưu ý rằng có nhiều khách hàng sẽ bỏ bom bạn vì họ chỉ muốn số lượng lớn chứ không muốn bàn bạc gì thêm cả. Nếu gặp tình huống trên thì cũng đừng buồn, có thể khách hàng đó cũng chỉ đang khảo sát giá thị trường. Còn nếu khách không chịu cho bạn thông tin cần thiết để ra giá chính xác, bạn có thể yên tâm rằng chắc chắn sẽ có vấn đề trong job chụp này. Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, lượng tiền thu được không đáng phải đau đầu giải quyết những vấn đề tiềm tàng này.
Lời khuyên cuối cùng của tôi cho các bạn mới vào nghề là các bạn nên tự chụp 1 vài dự án cá nhân để lượng được sức mình đang ở đâu, một ngày bạn chụp được bao nhiêu ảnh và charge giá theo ngày + ràng buộc tối đa số lượng ảnh trong ngày đó. Lúc này, bạn sẽ tự tính được một ngày bạn cần tối thiểu thù lao bao nhiêu để có thể sống được trong 01 tháng( thường sẽ chỉ làm việc 12-15 ngày/tháng).
Credits:
Bài viết gốc tại: gastrostoria.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.