Bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của những trang mạng xã hội, những portfolio cho nhiếp ảnh gia sẽ luôn có giá trị quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi người trong số họ. Để có một trang web của riêng mình trong thời đại ngày nay hết sức đơn giản và cũng không quá đắt đỏ; tuy nhiên, có một vài yếu tố quan trọng mà nhiều người thường bỏ qua. Sau đây sẽ là một vài điều cần cân nhắc để cải thiện website portfolio của bạn.
XÁC ĐỊNH CHUYÊN MÔN CỦA BẠN
Điều này chỉ quan trọng với những nhiếp ảnh gia muốn kiếm tiền từ việc chụp ảnh (commercial photographers). Nếu bạn chỉ muốn một trang web để trưng bày những bức ảnh của mình, hãy bỏ qua bước này. Nhưng nếu như bạn muốn hướng đến những khách hàng tiềm năng, đây có thể sẽ là bước quan trọng nhất. Bạn cần phải làm rõ trên website rằng bạn là ai, làm gì và có chuyên môn trong lĩnh vực nào.
Hầu hết mọi người đều chụp nhiều đối tượng khác nhau, nhưng người xem cần phải biết bạn chụp đối tượng nào tốt nhất. Ví dụ như bản thân tôi là một người chuyên chụp đồ ăn, nhưng cũng có lúc tôi chụp ảnh chân dung. Điều này có thể hữu ích nếu như tôi nhận chụp bìa sách trong đó có cả ảnh đồ ăn và ảnh người đang nấu ăn, hoặc cũng có những lúc tôi sẽ nhận những job chụp chân dung cho những khách hàng ở nơi tôi sinh sống. Tuy nhiên, nếu tôi thêm vào portfolio cả những ảnh chụp đám cưới (điều này đặc biệt nên tránh trừ khi bạn chuyên chụp trong lĩnh vực này vì nhiều agency sẽ bỏ qua những nhiếp ảnh gia chụp đám cưới), ảnh nội thất, ảnh đường phố, phong cảnh hay mọi đối tượng khác mà tôi đã chụp, thì tôi sẽ thành kẻ lắm tài nhưng thiếu chuyên môn.
Điều này không có nghĩa là những ảnh khác tôi chụp không đẹp, thực chất tôi cũng đã nhận những job khá lớn trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng không phải là nơi năng lực của tôi thực sự bộc phát và việc trưng bày những bức ảnh này có thể gây phiền lòng cho những khách hàng quen của tôi, những người có nhu cầu thuê tôi vì tôi có chuyên môn trong lĩnh vực họ mong muốn. Bức ảnh dưới đây là ảnh tôi chụp chân dung cho bìa sách nấu ăn chứ không phải chụp đồ ăn, nhưng tôi chỉ nhận được job này vì tôi có chỗ đứng trong lĩnh vực chụp food.
Người xem không muốn click nhiều lần để xem được cái họ cần
Đây là lời khuyên đến từ một người bạn làm thiết kế phần mềm của tôi. Công việc chính của cô ấy là tối giản hóa thiết kế để người dùng có thể truy cập thông tin mong muốn nhanh nhất có thể. Đây cũng là lý do mà trang chủ website của tôi được thiết kế dạng grid, không ai muốn phải qua một trang “enter” vô nghĩa để xem nội dung chính hay tốn thời gian mày mò trên những trang menu dày đặc cả.
Hầu hết người xem đều không có thời gian và mong chờ được thấy hình ảnh ngay lập tức khi xem, vậy nên việc đặt portfolio ngay trước mắt họ nhanh nhất có thể sẽ là một quyết định không ngoan. Với Chimkudo Studio, khi khách hàng có nhu cầu chụp ảnh sản phẩm, đồ ăn vào website, sau 1 click họ sẽ có cái họ cần.
Trang giới thiệu bản thân
Giới nhiếp ảnh hay là giới nghệ sĩ nói chung thường có xu hướng làm quá cái tôi của mình, nhưng đây là một điều cấm kỵ trong trang giới thiệu bản thân trên website cá nhân. Trừ khi bạn là một người rất có danh, và tôi phải nhấn mạnh ở đây là cực kỳ nổi tiếng, thì đừng bao giờ giới thiệu về chính mình qua ngôi thứ ba. Việc này sẽ khiến cho người xem cảm thấy rằng bạn là một người rất kiêu ngạo và đã bay quá xa khỏi thực tại, nhất là khi chính bạn là người đã viết những dòng giới thiệu đó. Cho người xem biết bạn là ai và làm gì, thêm một vài bức ảnh chụp bạn đang làm việc để họ có thể hình dung được bạn như thế nào tốt hơn. Không ai muốn thuê một người vô hình, hãy cho khách hàng thấy con người đằng sau chiếc máy ảnh.
Dung lượng file
Portfolio cho nhiếp ảnh gia không phải là một bản in đầy đủ hay một file PDF để gửi nhà in. Việc sử dụng hình ảnh với độ phân giải đầy đủ không đem lại lợi ích gì nhiều. Hầu hết khách hàng khi tìm kiếm dịch vụ nhiếp ảnh thương mại sẽ biết rằng ảnh trên trang web không phải là ảnh với chất lượng cao nhất nên họ cũng sẽ không quan tâm đến điều này. Bạn chỉ cần khoe độ phân giải căng mịn khi gửi bản in portfolio hoặc file PDF cho khách. Trang web của tôi giới hạn chiều dài nhất là 1600px và 72 dpi nên ảnh load nhanh và trông chấp nhận được. Với mục đích này, nội dung của bức ảnh quan trọng hơn chất lượng.
Dù ảnh có đẹp đến mấy thì những director cần tìm nhiếp ảnh gia cũng sẽ không có thời gian để chờ trang web load khi mà họ còn đang bận tấp nập với những cuộc họp, và khả năng cao là họ sẽ bỏ qua những trang web như vậy. Đừng quá tập trung vào những yếu tố kỹ thuật về thông số hay độ phân giải mà hãy đặt bản thân mình vào vị trí của khách hàng.
SEO
Việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm không quá quan trọng trong ngành nhiếp ảnh thương mại, nhưng đối với những lĩnh vực chụp ảnh đám cưới hay ảnh gia đình thì nó lại rất hữu hiệu. Nói vậy thôi nhưng tôi nghĩ việc này cũng chỉ thực sự cần thiết nếu như bạn mong muốn cung cấp những dịch vụ cao cấp cho khách hàng. Đừng tự làm nội dung trên trang web của bạn phức tạp và thiếu tự nhiên để đảm bảo các tiêu chí SEO. Có thể bạn sẽ được xếp cao hơn trên danh sách tìm kiếm của Google, nhưng khách hàng cũng có thể thấy khó chịu và không muốn làm việc với bạn.
Bạn vẫn nên cố gắng có những content thú vị và mang tính cá nhân cao hơn, rồi sau đó tìm những cách khác để thu hút người xem cho trang web. Tất nhiên là bạn vẫn nên tích lũy một chút kiến thức về SEO, tuy nhiên cũng đừng răm rắp áp dụng chúng mà đánh mất giá trị thực sự của content. Một portfolio cho nhiếp ảnh gia cần có content về nhiếp ảnh, đừng sa đà vào những content không liên quan.
NHỚ ĐỂ LẠI CONTACTS!
Tôi không biết mọi người như thế nào, nhưng tôi cực kỳ ghét phải điền contact form để liên hệ với người khác. Tôi không bao giờ muốn phải email bất kỳ ai để hỏi địa chỉ email của người khác để gửi file hay để hỏi số điện thoại của họ. Nếu bạn có contact form trên trang web của mình, đừng quên thêm cả số điện thoại và địa chỉ email vào cho những người không thích contact form như tôi.
MẠNG XÃ HỘI
Tôi cũng chưa bao giờ để ý đến vấn đề này cho đến khi một người bạn buôn nghệ phẩm của tối nhắc đến nó. Chúng tôi đang cùng đàm đạo về trang web của một người thì anh ấy chỉ ra rằng người này để lại tài khoản Facebook và Linkedin. “Sao lại có một nhiếp ảnh gia không dùng Instagram mà vẫn hoạt động trên hai mạng xã hội già cỗi này nhỉ?”.
Nhiều khách hàng có thể sẽ không muốn thuê những người lạc hậu vẫn dùng Facebook mà bỏ qua những mạng xã hội trẻ trung hơn như Instagram hay mới hơn là Tiktok, vì họ cho rằng những người như vậy không nắm bắt theo thời đại và không biết xu thế hiện tại. Bạn không thể chụp một chiến dịch chạy quảng cáo trên mạng xã hội nếu như bạn còn không tham gia vào mạng xã hội đó!
TRANG WEB CỦA BẠN CÓ CẦN NỔI BẬT KHÔNG?
Nếu như những bức ảnh của bạn nổi bật trước đám đông thì thật tuyệt, nhưng một vấn đề khác cần suy nghĩ nữa là liệu thiết kế trang web của bạn có nổi bật hay không. Khách hàng, người mua ảnh hay creative director có thể sẽ không phải là những dân chuyên IT. Vì vậy, bạn nên đảm bảo website có tính đơn giản và vận hành tốt.
Khách hàng thường sẽ nghiên cứu nhiều trang portfolio khác nhau, và nếu họ không hiểu được cách dùng trang portfolio của bạn thì họ sẽ đóng tab, và như vậy thì cơ hội việc làm của bạn cũng tiêu tan. Tôi rút ra bài học này từ kinh nghiệm xương máu của bản thân. Tôi cũng từng thuê một web designer làm cho tôi một trang web thật lộng lẫy và bóng bẩy. Thực chất thì website này rất đẹp, nhưng có nhiều người đã bày tỏ sự khó chịu vì trang của tôi hay bị lỗi và có diện mạo không thân quen theo xu hướng hiện tại. Như vậy, portfolio cho nhiếp ảnh gia không đơn thuần là một trang web, nó là một công cụ giao tiếp đơn giản, tinh tế nhưng phải ấn tượng.
Credits
Bài viết gốc bởi Scott Choucino tại: fstoppers.com
Phiên dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi được sự cho phép.
2 Comments
Pingback: Lập kế hoạch kinh doanh trong nhiếp ảnh | Thư viện nhiếp ảnh sản phẩm, quảng cáo Chimkudo
Pingback: 25 mẹo chụp food cơ bản ai cũng phải biết - Thư viện Chimkudo Academy