Nếu bạn chụp ảnh đồ ăn đủ lâu, đến một ngày bạn sẽ tự hỏi làm thế nào để chụp những món ăn(ví dụ như chụp bánh ngọt) có màu sắc không bắt mắt như màu nâu của bánh trông ngon mắt hơn. Màu sắc của những chiếc bánh, món nướng đôi khi thật nhàm chán và kém hấp dẫn đã trở thành thử thách cho ngay cả những nhiếp ảnh gia ẩm thực dày dạn kinh nghiệm nhất.
Một khi bạn biết cách để chụp những món bánh nướng sao cho đẹp thì bạn sẽ hiểu vì sao nó lại khó nhằn đến vậy. Và dưới đây là 06 mẹo tôi thường dùng để biến những món bánh màu nâu kém hấp dẫn trở nên hút mắt hơn.
Khó khăn khi chụp những món ăn có màu nâu tối như chụp bánh ngọt là gì?
Màu nâu và màu be thường gợi liên tưởng đến lối ăn uống lành mạnh. Đồng thời, những màu sắc này thường gợi cảm giác êm dịu và tự nhiên cho sản phẩm.
Dù có sự khác nhau về sắc độ giữa màu bánh mì nướng và màu của caramel, tất cả tựu chung đều là sắc độ nâu tối. Vậy làm thế nào để bạn bổ sung những màu sắc thu hút hơn vào bức ảnh bánh quy trông thật nhàm chán?
Chụp nhấn vào kết cấu(texture) món ăn
Bánh quy, bánh kem và bánh mỳ hẳn là món yêu thích của nhiều người. Nhưng không phải lúc nào chúng cũng có đủ những tiêu chí để trở thành chủ thể của một bức ảnh. Có bí quyết khá đơn giản để chụp những món ăn này đẹp hơn, ví dụ như tập trung nhấn mạnh vào kết cấu của món ăn.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách thêm những thứ nhìn lạ mắt hơn vào món ăn. Ngoài ra, cách để làm nổi bật kết cấu của một vật là sử dụng ánh sáng một cách khéo léo.
Giống như ánh chiếc bánh quy dưới đây, tôi đã thử xoay các góc khác nhau và điều chỉnh độ gắt của ánh sáng, đặt đèn thấp hơn bình thường một chút, để có thể nhìn rõ các chi tiết nhất có thể. Cách này sẽ giúp che đi khuyết điểm về màu sắc của những chiếc bánh và làm nổi bật sự giòn rụm.
Khi chụp cận, tôi dùng ống kính macro (dùng để chụp cận) để dễ dàng chụp lại một cách chi tiết những hạt đường và vụn bánh ở xung quanh.
Tạo layer cho chủ thể
Một cách hữu ích để tạo ra sự thú vị hơn cho những món bánh nướng và những món ăn có màu nâu tối đó là khiến cho ảnh có chiều sâu hơn bằng kỹ thuật “layering” (tạo ra các lớp). Bởi vì món ăn có màu sắc kém bắt mắt – không có nghĩa là những yếu tố phụ cũng nên phẳngnhư vậy. Khi đồ vật có màu sắc đơn giản quá mức, chúng ta nên tạo thêm các lớp để bức ảnh trông có chiều sâu hơn, bằng cách đưa thêm những đồ vật khác vào.
Ví dụ, chiếc bánh trong hình mới được lấy ra khỏi lò nướng, trông nó thật ngon, mềm ẩm và có một lớp vỏ thật hoàn hảo. Nhưng màu sắc của chiếc bánh trông nhàm chán và ánh sáng tạo cảm giác mọi thứ phẳng lì, không có chiều sâu.
Còn đây là thành quả khi dùng kỹ thuật layering:
Đầu tiên, tôi chọn một tấm nền có gam màu ấm để tạo ra kiểu phối màu đồng tone để bức ảnh trông mềm mại hơn. Nó miêu tả khá giống khung cảnh ấm áp nếu như chúng ta ngồi thưởng thức bánh bí ngô. Ba chiếc đĩa hơi lệch với màu be, và nhưng sự phân biệt giữa các màu sắc sẽ cân bằng màu sắc và là lớp đầu tiên của bức ảnh. Tiếp theo tôi sẽ cắt chiếc bánh thành nhiều miếng để tạo điểm nhấn. Đồng thời, những miếng bánh cũng tạo ra những đường dẫn.
Lớp tiếp theo là khối kem tươi khiến những miếng bánh tự nhiên hơn, và màu trắng cũng thêm một tone màu khác vào bức ảnh. Cuối cùng tôi rắc thêm một ít bột quế trên kem và những miếng bánh để gợi cho người xem hương vị của chiếc bánh, và nó cũng đóng vai trò là lớp cuối cùng.
Thêm một vài thìa hoặc một bát bột quế nhỏ là bức ảnh sẽ hoàn thiện. Nếu đặt hai bức ảnh ra so sánh, bạn có thể thấy rõ sự khác nhau ở các lớp được thêm vào.
Tạo ra điểm khác biệt khi chụp bánh ngọt
Chụp món ăn có màu nâu đậm là một thử thách vì cũng tương tự khi chụp vật các có màu đen: không thể thấy rõ chi tiết của chủ thể mà kể cả tăng sáng hay đánh đèn mạnh cũng khó nhìn rõ. Và chụp những vật có màu đen/tối, chúng ta sẽ tạo ra những vùng sáng đặc biệt (highlight) – để tạo sự phản sáng trực tiếp từ nguồn sáng lên món ăn.
Vùng sáng hiện trên lớp sô-cô-la là phần phản sáng lại từ softbox. Nếu mất đi vùng sáng phản chiếu lại, ánh sáng trong bức ảnh sẽ phẳng và lớp sô-cô-la chảy sẽ thiếu đi kết cấu và các chi tiết. Một vùng sáng đặc biệt là cách tốt để thêm sự tự nhiên vào những món ăn nhàm chán.
Thay đổi góc chụp
Nếu gặp khó khăn khi chụp những món ăn có màu nâu thì có thể do bạn đã chọn góc máy chưa phù hợp. Thử xoay đĩa thức ăn qua các hướng khác nhau, chụp từ trên xuống hoặc chụp từ dưới lên. Hay nếu chiếc bánh được cắt ra thì bên trong trông sẽ như thế nào? Hãy thử dùng cách phô ra những chi tiết bên trong để tăng thêm sự thú vị cho bức ảnh.
Ví dụ như ảnh của chiếc bánh này trông tự nhiên hơn hẳn khi tôi cắt để thấy được kết cấu bên trong của chiếc bánh, nó cũng tạo hiệu ứng tự nhiên hơn là để bánh nguyên không cắt.
Tương phản về màu sắc
Có một chân lý là không có màu sắc nào đẹp khi đứng một mình cả; chính cách các màu sắc được kết hợp với nhau sẽ khiến chúng trở nên thú vị hơn.
Trong chụp bánh ngọt, màu nâu trông thú vị hơn nếu nó được đặt cùng với một màu nâu khác, hoặc với những màu có sắc độ sáng hơn trong cùng họ màu; ví dụ màu vàng nhạt hoặc màu be. Màu nâu cũng trông rất đẹp mắt khi kết hợp với màu đen, trắng và một vài sắc độ của màu xám.
Trong vòng tròn màu sắc, những màu kề với màu nâu sẽ nằm trong vùng màu xanh (màu xanh nào sẽ tuỳ thuộc vào sắc độ của màu nâu chúng ta đang nói tới). Ví dụ, những bánh nướng và một số loại thức ăn có màu nâu khác có thể trông khá bắt mắt khi chụp cùng với màu xanh chàm trà hoặc màu xanh ngọc.
Tôi thích chụp món ăn màu nâu trên nền nền màu đậm, nhưng nếu không có quá nhiều sự lựa chọn về phông nền, có thể tận dụng đồ trang trí để thêm điểm nhấn thú vị vào đĩa thức ăn. Ở trong bức ảnh này, tôi đã cho thêm một chút hành lá và cắt chúng theo những kiểu khác nhau, và đặt thêm rau mùi vào đĩa thức ăn và trong chiếc bát nhỏ bên cạnh. Một chút ớt xanh gia tăng hương vị cho món ăn, cũng là cách để tạo ra sự tương phản về màu sắc.
Tận dụng màu đơn sắc
Sẽ như thế nào nếu món ăn bạn chụp chỉ có một màu, hãy tận dụng ngay chính màu sắc đó.
Lúc này, ánh sáng, kết cấu và hình dạng của món ăn sẽ là điểm nhấn cho bức ảnh. Chúng ta sẽ phải bỏ qua những yếu điểm, và tập trung vào những điểm mạnh – ví dụ như texture của món ăn.
Trong bức ảnh chụp bánh crinkle này, màu nâu hầu như không thể nhận thấy nguyên liệu cacao làm bánh sẽ cho ra màu sắc khá tối. Thay vào đó, tập trung vào sự tương phản mạnh giữa hai màu đen và trắng, để thấy được những đường nứt trên bánh và kết cấu của lớp đường bột.
Như vậy, trong chụp bánh ngọt hoặc các món có màu vàng, nâu nhạt nhẽo thì việc sử dụng khéo léo về layering, góc chụp, khai thác ánh sáng để nổi bật texture hay tận dụng phối màu monochrome sẽ giúp tạo cho bức hình những điểm nhấn thú vị.
Chúc các bạn chụp ảnh vui !
—
Bài viết gốc từ WeEatTogether
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo
Không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý