Nếu hay lướt newfeed trên Instagram, có thể bạn đã nhìn thấy các tác phẩm đặc biệt của filmmaker – visual artist người Thuỵ Điển, Sebastian Jern. Anh ấy đã dựng nên những cảnh quay ấn tượng bằng mô hình thu nhỏ. Chúng tôi vô cùng hứng thú với các tác phẩm ấy và quyết định mời Sebastian hợp tác trong dự án lần này.
Mang tựa đề “Hollywood on a Table – Mang cả Hollywood lên một chiếc bàn”, Sebastian xây dựng 5 bộ mô hình khác nhau, lấy cảm hứng từ các bộ phim Blade Runner, Avatar, Game of Thrones, 2001: A Space Odyssey, và cảm hứng từ miền Viễn Tây. Sebastian đã cho chúng tôi thấy hậu trường, cách tạo ra các cảnh quay Hollywood chỉ bằng mô hình thu nhỏ và một chút chỉnh sửa hậu kỳ.
Artlist: Anh hãy giới thiệu một chút về bản thân trước nhỉ?
Sebastian Jern: Xin chào, tôi là Sebastian Jern, một nhà làm phim người Thuỵ Điển. Công việc làm phim của tôi đã kéo dài 5 năm, và tôi đã bắt đầu sáng tạo các set mô hình trong khoảng 8 tháng nay.
AL: Anh bắt đầu với các mô hình này như thế nào? Và anh nhận mình là một visual artist hay filmmaker?
SJ: Tôi cho rằng mình là filmmaker, không hẳn là artist. Tôi mới chỉ sáng tạo tiểu cảnh/mô hình được khoảng 8 tháng. Vì thế tôi còn phải học hỏi rất nhiều điều. Hai thứ dẫn tôi đến với thế giới nhỏ xíu này là chiếc drone là ống kính Laowa Probe. Tôi nghĩ rằng chúng có phần giống nhau. Tôi thường dùng drone để đem lại các góc nhìn độc đáo, tạo ra hiệu ứng parallax thú vị bằng cách đi qua các địa hình khác nhau, bay giữa các toà nhà. Ống kính Probe cũng vậy, nhưng tôi dùng chúng với các đối tượng nhỏ hơn, chính là các tiểu cảnh ở đây.
AL: Quá trình nào trong công việc khiến anh yêu thích nhất?
SJ: Có lẽ là khi mọi thứ đã xong xuôi. Bởi dù cảm nhận được mọi thứ có diễn ra đúng như kế hoạch hay không, thì sau cùng tôi vẫn vui vì kết quả đạt được. Đôi khi có vài khía cạnh kỹ thuật cần cải thiện, nhưng tất cả đều là sự trải nghiệm, học hỏi.
AL: Có vẻ anh muốn nhấn mạnh vào quá trình hoàn thành tác phẩm. Thế còn việc trở thành artist trên mạng xã hội, anh nghĩ sao?
SJ: Tôi mới chỉ nghiêm túc xây dựng Instagram trong khoảng 8 tháng nay. Và điều tôi yếu thích là có thể truyền cảm hứng cho các nhà làm phim khác. Tôi thực sự thích việc dạy học, tôi sẵn sàng chia sẻ tất cả các sản phẩm cùng cảnh hậu trường, để những người khác có thể lấy đó làm cảm hứng và tạo ra thứ gì đó tương tự. Tôi muốn làm việc với các khách quốc tế, và trên góc nhìn kinh doanh, mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời để tiếp xúc và kết nối với các thương hiệu.
AL: Công việc này có yêu cầu những kỹ năng hay thiết bị đặc biệt để có thể khiến chúng trở nên sống động như vậy không?
SJ: Có thể coi chúng là 3 đỉnh của một tam giác: làm phim – visual arts và kiến trúc – tỷ lệ và sa bàn (diorama). Tôi đang tìm cách cải thiện bản thân về cả 3 lĩnh vực này và tạo ra một nghề ngày nay chưa tồn tại. Tôi nghĩ rằng nếu bạn có niềm đam mê với những lĩnh vực trên, bạn có thể biến nó thành hiện thực. Bên cạnh học làm phim, tôi khuyên bạn nên bắt đầu với kiến trúc, visual art và làm diorama.
Về thiết bị, nếu bạn muốn quay cảnh đi giữa các toà nhà hay các loại địa hình, bạn cần một ống kính dài nhỏ như ống Laowa. Và hãy nhớ quan trọng nhất là hiểu về lighting. Đôi khi tôi dùng 7 – 8 nguồn sáng khác nhau để tạo ra các vùng shadow, highlight theo ý muốn. Với ánh sáng tốt, bố cục đẹp cùng các mô hình toà nhà thu nhỏ, bạn có thể quay được những cảnh quay tuyệt vời, ngay cả khi dùng điện thoại.
AL: Anh có thể chia sẻ cách mà mình lấy cảm hứng không?
SJ: Tôi lấy cảm hứng từ rất nhiều nơi, nhưng những ý tưởng hay ho nhất thường đến ngay trước khi tôi đi ngủ hoặc lúc đang tắm. Sau đó, tôi phải chạy ra ngoài ngay và note lại trên điện thoại.
Nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi đến từ YouTube. Tôi dành nhiều thời gian xem các video hậu trường các phim trường lớn của Hollywood, như Avatar hay Interstellar, đặc biệt là các video về quá trình brainstorm, hoàn thiện của các đạo diễn, visual engineers và đạo diễn hình ảnh.
AL: Filmmaker và artist nào mà anh yêu thích nhất?
SJ: Tôi thực sự yêu thích Christopher Nolan và phong cách đạo diễn của ông ấy, đặc biệt là Interstellar, một trong những bộ phim mà tôi thích nhất.
Người thứ 2 là James Cameron, một thiên tài thực sự trong việc sử dụng công nghệ. Tôi đang muốn nhấn mạnh về kỹ thuật hình ảnh của Avatar. Tôi thực sự mong chờ phần phim tiếp theo.
Và tượng đài lớn nhất trong lòng tôi, Hans Zimmer. Các tác phẩm điện ảnh của ông ấy vô cùng xuất sắc. Ông quả là người có một không hai.
AL: Ban đầu, anh nghĩ sao khi chúng tôi nhắc đến dự án “Hollywood on a table” với 5 bộ mô hình khác nhau?
SJ: Vài tháng trước, tôi đã nghĩ đến việc tái tạo các bộ phim, bởi một chàng trai ở Thuỵ Điển đã làm điều tương tự tại nhà của anh ấy. Và điều này thực sự khiến tôi vô cùng hứng thú.
Tôi đã dùng Artlist và Artgrid được một thời gian vì âm nhạc và footage rất chất lượng. Vì vậy tôi rất hào hứng với dự án này. Nhưng tôi tự hỏi “Mình có 1 tháng để tạo ra 5 set, lấy cảm hứng từ các bộ phim bom tấn, liệu có khả thi không nhỉ?”
Tôi thích những thử thách. Tôi cho rằng khi thử thách bản thân vượt ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ học được rất nhiều điều trong thời gian ngắn. Nên cuối cùng tôi lại nghĩ “Thôi được rồi, cứ làm xem sao!”
AL: Quá trình sáng tạo của anh diễn ra thế nào? Anh có tham khảo từ đâu không?
SJ: Tôi sẽ lấy ví dụ như quá trình sáng tác một bài hát: sử dụng trống, guitar, lặp lại các giai điệu, và kết hợp tất cả vào nhau để tạo ra một bản nhạc.
Quá trình sáng tạo của tôi thường bắt đầu với việc nảy ra một ý tưởng. Sau đó, tôi sẽ lên Artgrid để tìm những hình minh hoạ visual cho ý tưởng đó, xây dựng một bản thảo xem chúng sẽ trông như thế nào. Tôi cân nhắc về quy mô, vật liệu, kích thước của diorama và những thứ liên quan khác. Sau khi dựng xong mô hình, chúng tôi chuyển sang setup lighting, góc máy và bố cục. Tiếp theo là quay phim, đây thực sự là phần nhanh nhất trong quá trình sáng tạo.
Nếu sử dụng phông xanh, tôi sẽ chọn backdrop và xếp từ 5 – 10 layer khác nhau tùy theo từng set, bổ sung thêm các yếu tố để chúng trông giống thật hơn. Khi CGI và các hiệu ứng trên set hòa hợp với nhau, bạn sẽ có được VFX tốt nhất.
AL: Anh có thể ví dụ một chút về quá trình sáng tạo trong dự án này không?
SL: Bước đầu tiên, cần phải nghiên cứu rất nhiều về bộ phim gốc. Tôi đã tìm kiếm các video, hình ảnh hậu trường để có cái nhìn tổng quát về cách tạo ra các mô hình thu nhỏ của phim trường đó. Nhiều bộ trong đó được thực hiện bằng CGI, nên tôi phải cân nhắc về timeframe và tính khả thi của mô hình cho mỗi cảnh.
Đối với set lấy cảm hứng từ bộ phim Blade Runner. Tôi tìm cách chế tác các bộ phận như bàn tay, bàn chân, khuôn mặt… để cố gắng có được màu sắc và cái vibe cyberpunk như trong phim.
Set Avatar có lẽ là set phức tạp nhất mà tôi từng làm, đặc biệt là phần ánh sáng. Tôi đã dùng 4 đèn LED khác nhau để nhấn mạnh hiệu ứng silhouettes, 4 đèn UV khác để làm nổi bật màu neon và cây neon, làm cho chúng phát sáng. Ngoài ra, với các cảnh có vũng nước, tôi đã dùng một số overlay asset trên Artlist & Artgrid Creator’s Pack để tái tạo cảnh đom đóm bay trên bề mặt.
Tôi cũng đã đến khu rừng hoang dã Thụy Điển để tìm nấm. Không chắc liệu chúng có độc hay không, nhưng tôi đã không ăn và giờ vẫn còn ngồi đây nói chuyện với anh, haha. Một vài người chạy bộ trong rừng có lẽ nghĩ tôi bị điên khi nhìn chằm chằm vào mấy cây nấm đó. Nhưng tôi thực sự cần chúng để hoàn thiện cho set mô hình của mình.
Đối với bối cảnh miền Tây hoang dã, ý tưởng của tôi là tạo ra các vách đá, hẻm núi đặc trưng, dùng thêm phông xanh và backdrop phù hợp với cảnh. Hẻm núi được mô phỏng theo một số bức ảnh tôi rất thích trên Artgrid. Để làm cho set trông chân thực hơn, tôi đã sử dụng các layer mây trong backdrop, ở cả tiền cảnh và các khu vực khác.
Còn với bức tường trong Game of Thrones, tôi đã dùng dao mài để cắt khoảng 4000 – 5000 vết trên miếng styrofoam, tạo ra cảm giác khắc nghiệt cho bức tường bằng băng. Tôi dùng thêm tiền cảnh để khiến toàn bộ bức tường nổi bật lên, tạo chiều sâu cho ảnh.
AL: Anh nghĩ 10 năm nữa mình sẽ thế nào? Anh có đặt mục tiêu trở thành một artist?
SJ: Mục tiêu chính của tôi trong 10 năm là có một studio lớn, vì tất cả các set của tôi đang nằm ở trong tủ, nhưng tôi cũng có nhiều khát vọng khác. Đầu tiên, tôi muốn tìm hiểu thêm về visual art, làm phim, kiến trúc, diorama và tiểu cảnh, đặt cho tất cả chúng một cái tên chuyên ngành đặc biệt. Tôi cũng muốn học hỏi thêm việc kết hợp CGI với các kỹ năng đang có để tạo ra VFX thật tuyệt, kể những câu chuyện hoành tráng trong tương lai. Là một người yêu thích AR, tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.
Cuối cùng, tôi muốn thực hiện những quảng cáo hấp dẫn cho các thương hiệu lớn, và hy vọng sẽ phát triển trang mạng xã hội của mình, được nhiều người biết đến hơn.
AL: Với sự phổ biến của các công nghệ mới như VR, AR, cùng việc tạo ra những thước phim tuyệt vời như vậy trở nên khả thi hơn với nhiều người, anh thấy việc làm phim nói chung sẽ như thế nào trong 10 năm nữa?
SJ: Kể cả đến năm 2030, iPhone 22 có thể có 16K 120 FPS, khả năng quay footage thô 16-bit, thì nó vẫn chỉ là một công cụ. Điều đó không có nghĩa rằng ai cũng có thể làm nghệ thuật. Giống như một công nhân xây dựng và một cái búa vậy, bạn phải tự mình trải qua một quá trình luyện tập, rèn giũa.
Tôi là một người cực kỳ yêu công nghệ, vì vậy tôi rất hào hứng khi nói đến chuyện điện thoại sẽ như thế nào, VR và máy ảnh sẽ ở đâu, và còn drone nữa. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thích nghi và nuôi dưỡng đam mê trong mình.
Credit
—
Translated from website: artlist.io
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.