Trong chụp ảnh sản phẩm nói riêng và ngành ảnh nói chung, sáng tạo luôn là thứ mà các nhiếp ảnh gia luôn kiếm tìm. Tuy nhiên để có được một nhiếp ảnh gia thực sự sáng tạo lại là của quý hiếm có khó tìm. Hầu hết chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở phần ok chứ rất ít người có thể thực sự trở thành một nghệ sĩ lớn. Tuy nhiên, việc rèn luyện sáng tạo là điều hoàn toàn có thể, nếu bạn có quyết tâm, hãy cùng xem các nghệ sĩ lớn có các tố chất nào giúp họ xác lập được địa vị rất rõ ràng trong ngành nhé.
1. Thách thức các chuẩn mực và định kiến
Tôi luôn có một niềm tin rằng tất cả các tiêu chuẩn và định kiến cần được nhìn theo một cách khác biệt hoặc được đặt câu hỏi: Tại sao nó mặc định phải như vậy ? Có làm khác đi được không ? Luôn đặt ra câu hỏi và tìm tòi câu trả lời cho những thứ “hiển nhiên” trong cuộc sống là bản năng cần có của một người làm sáng tạo. Văn minh của loài người đạt được cũng là do con người luôn đi tìm câu trả lời cho những thứ vốn đang là “hiển nhiên” trong xã hội.
Giáo sư Keith Simonton, trưởng khoa tâm lý học, ĐH California đã nghiên cứu và chỉ ra rằng chất lượng của ý tưởng sáng tạo tỉ lệ thuận với số lượng ý tưởng. Điều này có nghĩa rằng nếu chúng ta có càng nhiều ý tưởng thì tỉ lệ các ý tưởng đó mang tới những thành công là cao hơn.
Nghĩ khác biệt là không sợ thất bại, chúng ta thất bại rồi làm lại tới khi nào đạt được mục đích thì thôi. Trong quá trình đó, những thứ đẹp đẽ sẽ được tạo ra. Thất bại là lẽ tất nhiên song hành cùng thành công, nó như hai mặt của một vấn đề. Không có thành công nào mà không có thất bại, nghe có vẻ hơi sáo rỗng nhưng thực tế là vậy.
Chắc hẳn các bạn đều biết tới slogan “Think different” của Apple chứ ?
Thực hành bằng cách nào ?
Dân làm sáng tạo có một quy trình bất thành văn, trong quá trình brainstorming, 10 ý tưởng đầu tiên thường bị loại bỏ, phần lớn do chúng quá hiển nhiên. Hãy thử nghĩ theo 1 cách khác trong bất kì dự án nào. Ví dụ: Chụp bánh Trung Thu có nhất thiết cứ phải hoa sen, mặt trăng, bàn tiệc gia đình…..có cách nào diễn tả khác đi không ?
2. Tôn trọng sự khác biệt và cầu thị
Trên thế giới có vô vàn các lĩnh vực, công việc nhưng không có một thế giới nào đa dạng như ngành quảng cáo, sáng tạo. Cùng một tác phẩm, 10 người thì 4 người thích, 4 người không và hai người “phiêu trắng” là rất bình thường.
Chúng ta có quan điểm của riêng mình và thường hay chỉ trích những người có quan điểm không giống với mình. Đặc biệt ở Việt Nam, chỉ qua vài câu comment qua lại đã có thể dẫn tới chửi bới, thóa mạ nhau, việc này là hết sức tiêu cực. Sống trong thế giới sáng tạo, bất cứ cái gì cũng có thể, ngay cả bộ ảnh trước và bộ ảnh sau của cùng một khách hàng đã khác nhau, tại sao lại bắt ai cũng phải như mình ?
Tất cả những người làm sáng tạo kì cựu đều có chung quan điểm về tôn trọng sự khác biệt, vì họ hiểu mỗi bản thể là một tính cách khác nhau. Họ trân trọng những khác biệt đó, đồng thời tìm hiểu xem có thể học tập được gì từ những thứ đó.
Thực hành bằng cách nào ?
Tìm những bộ ảnh, hình ảnh mà bạn không thích và cố gắng tìm hiểu câu chuyện đằng sau chúng. Bạn hãy thử liên hệ với foto đã chụp ra chúng để hỏi, các foto đều rất sẵn lòng chia sẻ câu chuyện và góc nhìn của họ về những thứ họ làm ra. Qua những câu chuyện đó, bạn sẽ có được những góc nhìn khác nhau về một vấn đề, một đối tượng.
3. Hãy để tâm trí mơ mộng
Áp lực là kẻ thù của sáng tạo. Thực chất, những thứ hay ho nhất lại tới từ những lúc chúng ta thảnh thơi nhất.
Điều quan trọng là trong thời buổi hiện nay, ai ai cũng gắn mình với chiếc điện thoại mà quên đi việc để ra những khoảng trống, không làm gì cả, chỉ đơn thuần là cho tâm trí nghỉ ngơi. Bạn có thể đọc sách, đi chơi, tham dự một lớp học vẽ hay thậm chí xem phim hoạt hình, truyện cổ tích…Tất cả đều hướng tới việc cho tâm trí những khoảng lặng để nó được thư thái.
Khoảng thời gian thư thái nhất trong ngày của tôi thường là lúc tắm giặt, ăn uống hay thậm chí là những lúc lười biếng trên sofa, nhìn ngắm mọi thứ qua khung cửa kính. Những lúc đó, tôi không còn phải bận tậm tới những mối lo trong cuộc sống, qua đó tâm trí được thảnh thơi và chữa lành, cũng là nguồn gốc của những điều hay ho trong quá trình làm sáng tạo.
Thực hành thế nào ?
Bạn đã bao giờ lấy giấy bút ra ghi lại những thứ trong giấc mơ hoặc các điều thú vị thoáng qua trong đầu chưa ? Hãy làm thử, khi viết ra, mọi thứ trở nên rõ ràng, xâu kết chúng lại, bạn sẽ tìm thấy thế giới của riêng mình.
4. Biến những cả những bất lợi và thuận lợi thành cơ hội của mình
Nếu bạn nhìn ở bề diện tổng quan, những nghệ sĩ tài năng bao giờ cũng là những người có giàu trải nghiệm trong cuộc sống. Những trải nghiệm này, thất bại có, đau khổ có, vui sướng có, hạnh phúc cũng có. Nó như một liều doping cho sáng tạo. Ngay ở trong những giờ phút dù là đau khổ hay hạnh phúc, quan niệm và cách nhìn của chúng ta về cuộc sống thay đổi, thế giới quan cũng thay đổi và cho chúng ta nhiều ý tưởng và cảm hứng hơn.
Nói như vậy, không có nghĩa là cứ phải đau khổ hoặc hạnh phúc thì mới có thể sáng tạo được. Hạnh phúc cũng có thể đơn giản là đọc được một cuốn sách hay, tìm được một món đồ chơi ngày trước hay những nhỏ bé trong đời sống hàng ngày, miễn là chúng ta chịu khó quan sát và tận hưởng chúng.
Thực hành thế nào ?
Hãy nhớ lại những trải nghiệm, có trải nghiệm nào đã giúp bạn thay đổi tư duy, góc nhìn về cuộc sống hay những thứ bình thường trong cuộc sống không ? Nếu bạn vừa thất tình, hãy nhớ lại cảm giác đó và thử diễn tả nó bằng hình ảnh xem sao ?
5. Cứ để mình được là con trẻ
Picaso đã nói rằng “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ”, trong thế giới của con trẻ, lúc nào cũng luôn có chỗ cho những mơ mộng, bay bổng và tưởng tượng. Tôi còn nhớ rất rõ rằng thời còn bé, mỗi đống rơm, bãi cát đều là một thế giới đầy mê hoặc, để rồi có thể lê cả hết cả ngày trời mà không biết chán.
Càng lớn lên, chúng ta càng quên mất rằng chúng ta rất cần những khoảng thời gian như vậy. Những giờ phút chơi đùa thảnh thơi như con trẻ, chúng ta ngại thể hiện cảm xúc của mình, luôn giữ hình ảnh hoặc tạo dựng một hình mẫu nào đó mà xã hội quy cho chúng ta phải như vậy.
Chúng ta vẫn đi xem phim, vui chơi, yêu đương giận hờn….nhưng chúng ta luôn đặt bản thân mình vào trong các câu chuyện, nghĩ trước, rồi nghĩ sau và đặt ra quá nhiều chữ “nếu”. Vì vậy, là một người làm sáng tạo, hãy cứ cho mình thật nhiều giây phút thả lỏng và chơi đùa con trẻ, từ đó sẽ khơi nguồn cảm hứng và tưởng tượng phong phú.
Thực hành thế nào cho đúng ?
Tắt toàn bộ điện thoại và các thiết bị điện tử, chọn một cuốn sách thiếu nhi và đọc rồi tưởng tượng nhập vai vào một trong các nhân vật trong chuyện, Cùng khám phá theo hành trình của cuốn sách, đừng đặt bất kì thiên kiến nào vào nó, cũng không cố gắng hiểu những con chữ theo hướng trừu tượng. Thế giới trẻ thơ rất đơn giản, hãy giản đơn !
(hết phần 1)
—
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh quảng cáo Chimkudo
Không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.