Mọi nhiếp ảnh gia đều tìm nguồn cảm hứng từ nhiều nơi. Từ những bức ảnh bắt gặp được trên mạng, những cuộc tán gẫu cùng bạn bè ở những buổi cà phê, những cuốn tạp chí, những triển lãm, bảo tàng và đến cả những biển quảng cáo trên xe bus. Những hình ảnh này được lưu trữ trong tiềm thức của chúng ta, kể cả khi chúng ta không nhận ra điều đó. Mọi thông tin trực quan được chúng ta tiếp nhận xuyên suốt cuộc đời đều ít nhiều ảnh hưởng đến cách chúng ta chụp những bức ảnh của riêng mình, từ cách styling ảnh, cách chụp ảnh đến cách xử lý ảnh. Câu hỏi được đặt ra là đâu là giới hạn giữa việc lấy nguồn cảm hứng và sao chép hoàn toàn?
Tại sao giới nhiếp ảnh lại không có thiện cảm với việc copy? Quan trọng hơn, liệu có thực sự tồn tại một ranh giới rõ ràng giữa cảm hứng và sao chép? Hay đây là một câu hỏi mở mà câu trả lời tùy thuộc vào mỗi cá nhân?
Đạo nhái hay cảm hứng?
Một nhà sưu tầm nghệ thuật người Anh ở thế kỷ 19 có câu: “Bắt chước người khác là cách tán mộ chân thành nhất”. Tôi cũng nhiều phần đồng ý với quan điểm này.
Nếu bạn đang bắt chước kỹ thuật hoặc một bức ảnh của một nhiếp ảnh gia khác, chứng tỏ bạn phải cảm thấy việc học hỏi từ họ là một thứ đáng để làm. Và bằng cách đó, bạn đang gián tiếp bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhiếp ảnh gia này.
Nhưng cũng có nhiều lúc người bị bắt chước không cảm thấy sự ngưỡng mộ này. Trái lại, họ chỉ cảm thấy mồ hôi công sức của mình đang bị người khác lạm dụng một cách lười biếng cho mục đích cá nhân.
Với những nhiếp ảnh gia thương mại, việc bị sao chép có thể ảnh hưởng đến nguồn thu của họ. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta ngừng quan ngại về vấn đề copy, mà thay vào đó quan tâm hơn đến việc phát triển kỹ năng và một giọng nói riêng.
BIẾN LẤY CẢM HỨNG THÀNH SÁNG TẠO
Chúng ta đều đã có lúc bắt chước người khác. Có thể là bắt chước một dáng pose từ một bức ảnh, cách bài trí ánh sáng từ một bức ảnh khác, hoặc thậm chí là bắt chước bối cảnh từ một bức khác. Việc chụp được một bức ảnh độc nhất vô nhị là rất khó vì hiếm ai có khả năng đóng mình khỏi thế giới và không bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh bao quanh.
Vậy làm thế nào để bạn đi từ việc bắt chước người khác sang việc lấy cảm hứng từ họ?
Tôi nghĩ điều khác biệt nằm ở cách bạn mang những trải nghiệm cá nhân của mình vào trong bức ảnh. Nếu những tác phẩm của bạn phản chiếu cách nhìn đời của bạn và những câu chuyện xảy ra với bạn thì chúng sẽ bắt đầu có tính riêng.
CHỤP NHỮNG ĐỐI TƯỢNG THẬT ĐỘC NHẤT HAY CHỤP MỘT CÁCH THẬT ĐỘC NHẤT?
Hãy đối diện với sự thật là bạn sẽ không chụp được cái gì hoàn toàn độc nhất hoặc thậm chí là lên một concept hoàn toàn độc nhất. Hầu hết mọi thứ ngoài kia đều đã được chụp cả nghìn lần trước đây bởi những người khác nhau.
Cá nhân tôi nghĩ rằng đối tượng chụp không phải quá độc đáo, mà quan trọng hơn là bạn phải đem được tiếng nói riêng của mình vào trong bức ảnh. Cũng giống như việc nếu bạn kể một câu chuyện từ góc nhìn của riêng bạn thì câu chuyện thì câu chuyện đó sẽ có nét riêng của bạn.
Ví dụ như những nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung người nổi tiếng hay những nhiếp ảnh gia phong cảnh có danh, họ thường chụp những đối tượng mà rất nhiều người khác cũng đã chụp. Nhưng họ hơn những người khác ở cái tôi nghệ thuật độc nhất của họ: họ có khả năng tìm ra những điều mới lạ của đối tượng và kỹ năng cần có để ghi lại được nét riêng biệt đó trong những tấm ảnh.
TÌM KIẾM GIỌNG NÓI CỦA BẠN
Chắc khi đọc đến đây, bạn đang tự hỏi là làm thế nào để tìm được giọng nói của riêng bạn và làm cho những bức ảnh của bạn độc đáo hơn? Sau đây là một vài lời khuyên nhỏ để giúp bạn trong công cuộc tìm kiếm này:
- Đem đến những trải nghiệm cá nhân
Không ai sống được cuộc sống của bạn cả. Nếu bạn đem được câu chuyện của cuộc đời mình vào quá trình làm ảnh thì sản phẩm của bạn tức khắc sẽ khác với người khác. Người ta có thể bắt chước ảnh của bạn, nhưng họ sẽ không bao giờ trở thành bạn được.
Đừng quá lo lắng, những trải nghiệm của riêng bạn không đi đâu cả, chúng sẽ đến với bạn vào đúng thời điểm để tạo nên những bức ảnh độc đáo.
2. Tự đánh giá ảnh của mình
Mỗi khi chụp được một bức ảnh ưng ý, hãy ngồi ngẫm nghĩ và viết ra 5 điều cần cải thiện nếu bạn chụp lại tấm ảnh đó. Đừng bỏ qua những ý tưởng điên rồ nhất mà bạn có thể nghĩ tới. Hãy lưu lại bản in của tấm ảnh trong một quyển sổ để ghi chép lại những ý nghĩ của bạn mọi lúc mọi nơi. Để rồi sau này bạn có thể xem lại nếu bạn muốn thử những ý tưởng mới.
3. Chụp, chụp nữa, chụp mãi
Đừng bỏ cuộc. Hầu hết mọi nhiếp ảnh gia có tiếng đều phải mất rất lâu để tìm được giọng nói thực sự đặc biệt của họ. Bạn sẽ cần phải chụp khá nhiều ảnh trước khi phát hiện ra những nét riêng biệt trong ảnh của bạn. Bạn càng chụp nhiều thì bạn sẽ càng dễ dàng tìm thấy điều làm cho những tác phẩm của bạn thực sự là của riêng bạn.
VẬY VIỆC SAO CHÉP CÓ THỰC SỰ XẤU?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, dưới một góc nhìn vĩ mô, việc sao chép thực ra cũng không phải là một vấn đề nghiêm trọng.
Những người nghệ sĩ vốn vẫn luôn bắt chước nhau, từ cách đây hàng trăm năm, họ đã phác họa lại những công trình nghệ thuật của người khác. Đây là một cách để học hỏi và cải thiện kỹ năng mà có lẽ những nhiếp ảnh gia cũng nên làm theo bằng những bức ảnh.
Nếu chỉ copy như một bài tập thực hành cho bản thân, thì việc này nên được khuyến khích. Miễn là không ai tự nhận thứ mình đã copy là của bản thân họ, thì có lẽ bắt chước cũng không phải là một vấn đề quá quan trọng?
Cái khó nằm ở chỗ có những người sử dụng ý tưởng của người khác và thể hiện như thể nó là của riêng họ, mà không dành thời gian và công sức để tự đem lại điều gì mới mẻ cho ý tưởng đó.
Vậy nên, nếu bạn có thể gửi gắm được những nét riêng biệt của bạn vào những tấm ảnh được lấy cảm hứng từ người khác, thì tôi nghĩ đó cũng là một điều tốt. Hoặc thậm chí bạn copy để nâng cao kỹ thuật và khả năng sáng tạo của chính mình thì cũng không sao.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc của Charlie Moss tại: digital-photography-school.com
Phiên dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn nếu chưa được sự đồng ý.