Cuối thế kỷ 14, nền nghệ thuật Ý và Bắc Âu kết hợp, đã phát triển thành một phong cách Gothic Quốc tế. Trong vòng một phần tư thế kỷ (25 năm) các nghệ sĩ hàng đầu của Ý – Pháp qua lại nhau và khắp Âu châu, đã quảng bá, thâm nhập và trở thành một nền nghệ thuật đa dạng gọi là Gothic Quốc tế, hiện diện khắp Pháp, Ý, Anh, Đức, Áo và Bohemia
Ảnh hưởng của Simone Martini đã lan rộng. Ông ta rời nước Ý năm 1340 hoặc 1341, làm việc tại triều đình giáo hoàng, lúc đó đặt tại Avignon trên đất Pháp. Hội họa trau chuốt cùng độ của ông, rất hợp nhãn quan thưởng thức của triều đình. Từ đó, phong cách Gothic Quốc tế đã mang đậm nét cung đình và quí tộc, đặc biệt ảnh hưởng của Phần Lan có những chi tiết tự nhiên, và không giống nghệ thuật Gothic ban đầu, vì nó có tính cách riêng và hợp nhất. Bức Họa phẩm đôi Wilton, mang phong cách Gothic Quốc tế, nay bày tại phòng tranh Quốc gia, London. Bức họa tế nhị, phong cách đế vương của ông, mãi đến nay khó có nghệ sĩ hậu sinh nào dám tơ tưởng so sánh! Người ta cho rằng họa phẩm này đã được vẽ vào thời trị vì của Hoàng đế Richard II (1377-1399). Đặc biệt các học giả đồng ý với nhau trước phong cách quốc tế, nhưng không sao chỉ đích danh tác giả họa phẩm là người nước nào – Anh, Pháp, Phần Lan hay Bohemia? Càng khó hiểu bởi tên tranh không chỉ ra gốc gác, vì có nó đã có thời “ở Wilton House” thuộc Wiltshire, Anh quốc.
Họa phẩm đôi Wilton mô tả Richard II (vua Anh) quì trước Đức Mẹ và Chúa Con. Vua được hai vị thánh đi kèm, Thánh Edmund (cầm mũi tên), Thánh Edward Giải tội (cầm một cái khuyên); người thứ ba là Thánh John Tẩy Giả. Ở bức sau, các thiên thần đều đeo nữ trang trong dạng vòng hoa gài mái tóc, một biểu tượng của Hoàng gia Richard. Họa phẩm có thể nhằm tôn vinh “ngôi trời” của Richard đã được Chúa Con chúc phúc. Ngài Hiển Linh, được ba vua thờ lạy.
BẬC THẦY MINH HỌA
Nghệ thuật minh họa cổ điển vẫn là khuynh hướng chiếm ưu thế tại Pháp vào đầu thế kỷ 15. Tuy nhiên, nó đạt tới đỉnh cao mới trong họa phẩm của anh em nhà Limbourg, Pol, Herman và Jehanequin, là các thành viên diễn giải phong cách Gothic Quốc tế. Họ từ tỉnh Gelderland (một tỉnh của Hà Lan) sang pháp làm việc. Họ là các họa sĩ Gothic vui với hội họa chẳng khác gì Ambrogio Lorenzetti, khi họ vẽ cảnh tượng trong thành phố, người vật… Anh em họa sĩ Limbourg đều qua đời đột ngột vào năm 1416, có lẽ vì bệnh dịch hạch.
Thuở giàu sang anh em nhà Limbourg cùng vẽ trong danh tác “Kinh Nhật Tụng” do Quận công de Berry đặt, ông là nhà sưu tầm các họa cảo rất hào phóng (xem cột phải). Bức tranh kể trên được minh họa trong cuốn “Kinh Nhật Tụng” được đem đọc ba buổi sáng, trưa, chiều. Thường có khoảng trống, dành cho họa sĩ trổ tài minh họa. Tiếc rằng công việc này chưa xong, thì cả hai anh em Limbourg và Quận công de Berry đã theo nhau về chầu Chúa!
Mỗi đầu tháng, kinh cầu minh họa một cảnh tượng hấp dẫn, ứng hợp với thời kinh mỗi mùa. Trong minh họa cho Tháng tám (August), chúng ta thấy các cặp tình nhân cưỡi ngựa đi săn, mang theo chim ưng, xa xa sau họ là lâu đài dòng dõi quí tộc, có vòm tỏa sáng, dưới sông, các nông dân vui vẽ bơi lội vẫy vùng. Trên vòm trời xanh, vẽ chòm thiên tượng, pha trộn với việc triều chính và sinh hoạt hàng ngày, các hình tiểu họa này thường được trình bày nhiều trong một cuốn sách.
Bức Vườn địa đàng vẽ riêng trong loạt tranh Thuở giàu sang sau này mới đưa vào sách. Loạt tranh tuyệt vời, mô tả cuộc sống sung sướng trong vườn Địa Đàng trước khi tổ phụ loài người là Adam và Evà bị đọa xuống trần. Toàn bộ cảnh tượng sung sướng của thủy tổ loài người trong Địa Đàng được anh em họa sĩ Limbourg ý thức được tấn bi kịch khốc liệt, dù được mô tả theo tính cách hào hiệp… luôn “nói lên” nỗi thống khổ của số phận loài người, dựa vào tài ba và tinh hoa của họ!
HỌA SĨ GENTILE DA FABRIANO
Nghệ thuật Gothic Quốc tế được một họa sĩ Ý đem gieo rắc trên bước đường du lịch đó đây, mở rộng ảnh hưởng. Ông tên là Gentile da Fabriano (1370-1427). Trong những bức tranh hùng vĩ của ông, ta thấy các sinh hoạt lãng mạn, thú vị kèm theo các chi tiết, tuy không quá mô phỏng sát nét thực, nhưng đủ chấp nhận là hiện thực. Thế giới lãng mạn trong tranh đều giàu nhân tính, hình sắc hài hòa.
Hầu hết họa phẩm của Gentile đều phản ảnh đời thực của ông, nhưng nay đã không còn tồn tại. Duy nhất một bức vẫn còn đến ngày nay là danh tác “Ba vua tôn thờ”. Cảnh tượng trong tranh đầy những chi tiết, vui vẻ, thú vị, toát ra từ bao nhiêu nhân vật, nhưng tất cả đều có thứ lớp phân minh, rõ ràng. Ba Vua tới từ phương Đông, thờ lạy Chúa Hài Đồng, đi sau là đoàn tùy tùng rầm rộ gồm các đoàn lạc đà, ngựa, chó, người lùn, cận thần… Nhưng trên hết, mọi sự chú ý đều hướng về Chúa Hài Đồng bé nhỏ. Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng ngồi trên đùi, Chúa chìa bàn tay tí hon, đặt lên cái đầu hói của ông vua già, đang quì trước Ngài. Trong bức Thiên sứ truyền tin do Simone Martini vẽ, ông ta vẽ mái vòm Gothic một cách rất tỉ mỉ và trang trí lộng lẫy, thành một yếu tố hợp nhất toàn thể bố cục của họa phẩm. Bức Tôn Thờ được một nhà đại phú thành Florence là Palla Strozzi đặt vẽ cho nhà thờ Ba Ngôi (Santa Trinità).
Gentile là người có trí nhớ bền bỉ, nên họa phẩm của ông đã tỏ rõ trong bức Dâng Chúa trong đền thánh. Sự kiện thiêng liêng này là hình ảnh chính trong chủ đề, nhưng bên cạnh hoạt cảnh này có hai phụ nữ bàn tán và hai hành khất chờ bố thí… diễn tả khía cạnh đời thường.
TRANH VẼ HUY CHƯƠNG
Ở họa sĩ Gentile, người ta cũng thấy ông nổi bật tính cách minh bạch như họa sĩ đồng hương là Antonio Pisanello (1395 – 1455). Trong vài chục năm sau, người ta đã tưởng các tranh bích họa của ông đã bị hủy hoại. May thay, mới đây một số tranh đã được khám phá ở Mantua.
Bức tranh vẽ trên ván của ông, tựa “Mẹ Đồng Trinh, Chúa Con, Thánh George và Anthony Abbot”, cho ta thấy một cuộc chạm trán lạ lùng. Trong khi Thánh Anthony Ẩn Tu với hình dạng quê mùa, mặc áo choàng màu nâu xỉn, khác hẳn ông Thánh George, ăn mặc bảnh bao, đúng kiểu, đầu đội mũ trắng rộng vành, chân đi giày sang trọng, có đinh thúc ngựa. (Thánh George không có vầng hào quang, nhưng bù lại là cái mũ rộng vành).
Mặc dù hai vị thánh gặp nhau trong hoàn cảnh lạ lùng, nhưng họa sĩ Pisanello không hề quên sự hiển hiện quan trọng của Đức Nữ Đồng Trinh và Chúa Con, cả hai ngự trên không trung, bao quanh ánh sáng rực rỡ như mặt trời. Nhờ vậy, bức tranh mới có ý nghĩa, trên dưới thống nhất.
HẮC TỬ THẦN VÀ NGHỆ THUẬT
Vài công trình nghệ thuật Gothic cho thấy bị ảnh hưởng vì trận Đại Dịch Hạch, kéo dài từ năm 1347 đến 1351. Trong bốn năm càn quét, cơn đại dịch đã ngốn một phần ba dân số Âu châu! Người dân thời đó coi Hắc Tử Thần như một “cuộc phán xét” của Chúa. Nó đã khiến dân chúng mở lòng mộ đạo, như thể là cách “xoa dịu Chúa Trời” nguội cơn thịnh nộ! Các nghệ sĩ bậc thầy như người sáng tạo thời khóa biểu Rohan, đã tỏ ra say sưa đề tài Tử thần, Ngày phán xét, đem thể hiện nó vào họa phẩm. Tiểu họa mô tả Xác Người trước Ngày phán xét , xem ra có sự đối chọi dữ dội với tiểu họa của họa sĩ Limbourg. Trong minh họa này, họa sĩ vô danh kia đã tỏ ra nao núng trước cái chết đeo đẳng khôn tránh! Tiểu họa này theo luật phối cảnh thời cổ, nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ! Nỗi kinh hoàng trước cái chết, hình người nổi đầy hạch đen và những chấm đen ấy được lặp lại đây đó khắp bức hình, tưởng như nó còn sức truyền nhiễm, có thể… tràn ra ngoài khung tranh.
Lời cầu nguyện cuối cùng của người chết được viết bằng chữ Latinh vào băng vải trắng uốn lượn. “Lạy Chúa, Ngài là Chân Lý, Con xin phó thác hồn xác con vào tay Ngài, xin Ngài xót thương cứu vớt…”.
Chúa Cha tay ôm quả địa cầu, tay cầm gươm, tượng trưng uy quyền sáng tạo vạn năng và sự phán xét tối thượng. Để trả lời nguyện cầu kia, Ngài đáp lại bằng tiếng Pháp: “Ngươi hãy ăn năn, sám hối tội lỗi, đến ngày phán xét ngươi sẽ gặp ta!”. Một hình trên góc trái vẽ Thánh Michael, được một thiên thần vô danh giúp Ngài tấn công con quỷ đang định hốt hồn người chết.
SIENA BÌNH AN
Như ta đã thấy trước Cơn Đại Dịch Hạch tàn phá Âu châu một cách thảm khốc, một số nghệ sĩ đã dao động tinh thần, đưa nó vào tác phẩm của họ. Trái lại các họa sĩ Gothic, tâm trạng vẫn vững vàng, chỉ coi biến cố kia như một cơn mộng ảo, và sự vui sống lộ ra trong họa phẩm như bậc thầy ở Siena, là họa sĩ Sassetta (tên họ: Stefano di Giovanni, 1392-1450), ông vẽ bức Buổi gặp gỡ của Thánh Anthony và Thánh Paul, trong tranh ta thấy lộ ra ảnh hưởng sâu sắc của đồ họa trang trí Pháp. Hai vị thánh ẩn tu, gặp nhau trong một khu rừng phong đỏ rực. Họ ôm nhau vô tư như trẻ thơ, nói lên tình thương tự nhiên xuất phát từ tâm hồn. Bức này là một loạt tranh kể lại cuộc đời của Thánh anthony Abbot. Ngài là người sáng lập dòng tu. Trên góc trái, ta thấy Thánh Anthony, lúc này đã 90 tuổi. Ngài bỏ cuộc sống ẩn dật sau khi nhìn thấy “một cảnh mộng”, đi gặp Thánh Paul ẩn tu đã 113 tuổi. Trên đường đi, Ngài gặp quái vật đầu người mình ngựa (một hình tượng tà giáo) được Ngài cảm hóa và dẫn dắt vào đạo Thiên Chúa..
Hình dưới, tả hai Thánh ôm hôn nhau, hai gậy chống của họ nằm dưới đất. (Gậy thánh của Thánh Anthony có ngạnh mấu như đầu chữ T).
Trong đời họa sĩ Sassetta, dân chúng ở Siena sống rất yên bình, chỉ có một khoảng xáo trộn vào năm 1430, dưới chính phủ cộng hòa, nhờ sự giao hảo tốt lành với thành phố lớn mạnh bên cạnh họ là Florence. Sassetta là họa sĩ quan trọng nhất ở thành phố Siena trong thế kỷ 15. Nghệ thuật của ông được thăng tiến trong truyền thống Gothic Siena, nhưng ông vui vẻ chấp nhận ảnh hưởng vĩ đại, đổi mới theo chân các nghệ sĩ Florence, đặc biệt là họa sư bậc thầy như Masaccio và điêu khắc gia kiệt xuất Donatello.