Các toà nhà không chỉ là nơi trú ở mà đó còn là cả ước mơ của con người. Cho dù chúng được xây lên chỉ để phục vụ nhu cầu hay là một cách để con người thể hiện lòng yêu bản thân, thì các toà nhà cũng là hiện thân cho tinh thần bất diệt của con người. Nhiếp ảnh gia Mandy Sham sẽ có một vài chia sẻ về tính thẩm mỹ kiến trúc trong những bức ảnh dưới đây.
Vào năm 1984, một thợ làm tóc tên Ho Chi Kam đã mở tiệm làm tóc trong một căn lều nhỏ chật chội. Nó nằm bên trong Kowloon Walled City – một khu ổ chuột cao tầng với 300 toà nhà thông nhau ở Hồng Kông, nơi đây từng là một pháo đài quân sự của Trung Quốc. Khu định cư, nơi có các phòng khám nha khoa xiêu vẹo cùng các khu sản xuất mì, đã tạo nên một bức tranh về tầng lớp lao động. Đi theo hình xoắn ốc từ tầng dưới lên mái nhà, sẽ là nơi cư dân thư giãn trên băng ghế nhựa, bên cạnh đó còn có các dụng cụ tập thể thao.
“Kiến trúc đặt nền móng cho câu chuyện”
30 năm sau, tôi ghé thăm công viên Kowloon Walled City, lúc này nó đã bị phá huỷ, nhưng câu chuyện thì vẫn còn tiếp tục. Trong những toà nhà cao tầng ấy, cuộc sống riêng tư và đời sống công cộng luôn đan xen nhau một cách rất phức tạp. Tại Hồng Kông, khi bắt đầu với nhiếp ảnh, tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi mối quan hệ giữa con người và kiến trúc. Tôi thích thú với việc đi từ trung tâm mua sắm này sang trung tâm khác bằng một cây cầu trên không; những quán ăn lộ thiên tự phát trên các con phố sầm uất; cửa sổ các căn hộ rung lên vì những khu giặt là.
Trong khi nhiếp ảnh là một hình thức nghệ thuật để đóng khung câu chuyện, thì kiến trúc lại là khung trong khung. Đó là cách chúng ta kiểm nghiệm mối quan hệ giữa con người và nơi ở. Vai trò của kiến trúc là vô cùng to lớn. Chúng ta có thể sử dụng nó để tạo ra bối cảnh hoặc bầu không khí chẳng hạn. Nhìn chung thì kiến trúc thực sự đặt nền móng cho câu chuyện mà ta muốn kể.
Chụp có chủ đích
Khi lần đầu tôi tiếp xúc với nhiếp ảnh, sức hấp dẫn của kiến trúc vượt ra ngoài vẻ thẩm mỹ của nó. Các toà nhà không hề di chuyển, chúng kiên nhẫn và không ngại bị chụp ảnh. Nhưng điều này không có nghĩa là nhiếp ảnh gia cứ bấm chụp bừa bãi. Tôi khuyên bạn nên coi kiến trúc là một cách học hỏi về góc độ, đường nét và bố cục.
Trong suốt quá trình đó, hãy bắt đầu tìm hiểu sâu hơn một chút, tự hỏi xem chuyện gì đang diễn ra: bối cảnh là gì? Hãy nhớ rằng chủ thể trong ảnh phải có mối quan hệ với các đối tượng xung quanh. Các toà nhà thường được xây dựng, thiết kế với một số chức năng, vì vậy hãy cân nhắc xem chúng phục vụ chức năng gì và phục vụ cho ai. Lấy ví dụ với các toàn nhà dân cư: thiết kế của nó có nhỏ gọn? nó ưu tiên tính thẩm mỹ hay tiện ích?
Trong bức ảnh căn hộ Azerbaijan bên dưới, tôi muốn thể hiện nét đặc biệt về thiết kế nhỏ gọn và màu sắc đồng nhất, mỗi ô cửa sổ có cá tính của riêng nó, có ô đóng, có ô mở.
Coi các toà nhà như đối tượng đang sống
Nếu các toà nhà có thể nói chuyện, chúng sẽ nói gì? Ảnh kiến trúc đẹp sẽ giải quyết được cốt lõi của câu hỏi này. Nó giúp chúng ta tiếp cận với kiến trúc giống như một vật gì đó đang sống và rất năng động. Các toà nhà và công trình phản ánh chính thực tế hàng ngày của con người, từ lúc được xây dựng, không ngừng phát triển, đến lúc già đi, xấu đi, cuối cùng có thể được cải tạo hoặc thay đổi. Thời gian trôi qua khiến chính các toà nhà cũng có câu chuyện của nó. Khi nghĩ theo cách này, cách chúng ta bấm máy có thể thay đổi một cách đáng kể.
Khi ở Ấn Độ, tôi đã đến thăm City Palace ở Udaipur, một khu phức hợp nguy nga sử dụng đá cẩm thạch và gương, những mái vòm thì cao vút và khoảng sân thì vô cùng rộng mở. Dưới góc nhìn nhiếp ảnh, đó chính là thiên đường, và có rất nhiều câu chuyện được kể, mỗi câu chuyện lại có cách kể khác nhau. Bạn có thể đặt đám đông trong mối quan hệ với không gian, để nhấn mạnh chức năng ngày nay của cung điện giống như một bảo tàng. Bạn có thể làm nổi bật cách thức sử dụng vật liệu để gợi mở về lối sống hay khí hậu. Hoặc bạn có thể chụp từ ban công và cửa ra vào, minh hoạ cho cuộc sống của một vị vua.
Hãy tìm một vị trí tốt
Kiến trúc mang tính biểu tượng rất cao, nó có thể cho thấy cái nhìn sâu sắc về cơ cấu xã hội và thói quen của bất kỳ quốc gia nào. Một cách để làm nổi bật điều này là xem xét vị trí bạn chụp ảnh. Bạn đang ở trong hay bên ngoài toà nhà, điều đó có gợi lên nội dung gì không? Cửa sổ hướng vào bên trong và tiền sảnh rộng có ngụ ý cho sự cởi mở? Nếu bạn mang theo drone, nó có thể minh hoạ được mật độ hoặc sự trải rộng của một địa điểm không?
Với toà chung cư, tôi thấy rằng các bức ảnh chụp từ bên trong cho cảm giác thân mật, phản ánh cụ thể về nơi ở và người dân ở đó. Nhưng nhìn từ bên ngoài, phạm vi rộng lớn của chung cư cung cấp một cái nhìn trực quan về cuộc sống cộng đồng. Bằng cách này, bạn có thể phân tích được các bức ảnh và gắn kết bản chất của kiến trúc đó vào trí nhớ.
Cũng chính vì lý do này mà cá nhân tôi thấy những bức ảnh skyline hơi tẻ nhạt và nhàm chán. Về cơ bản thì ở địa điểm nào chúng cũng giống nhau và cung cấp rất ít thông tin về thành phố hay thị trấn đó. Với tôi thì nó tương đương với việc xem ảnh vệ tinh trên Google. Thay vào đó, tôi muốn ở trên một cồn cái, có con người, ngước nhìn lên những vì sao (hoặc thậm chí tình cờ có máy bay).
Sáng tạo với bố cục
Khi lần đầu sử dụng Instagram để chia sẻ những bức ảnh, nền tảng này đã phần nào thay đổi phong cách của tôi. Tôi bắt đầu giữ cho các “đường” được thẳng, chụp phong cảnh theo chiều dọc; tôi dần chụp ảnh rộng hơn và ít hướng vào đối tượng cụ thể. (Tất nhiên, vẫn áp dụng những bố cục kinh điển, ví dụ như quy tắc ⅓). Một số điều như vậy khá là hữu ích.
Nhiếp ảnh cũng có cấu trúc của nó. Sáng tác ảnh không khác gì sáng tác nhạc, nó cũng bao hàm một khuôn khổ nhất định. Nhưng với những thứ có tính chất tĩnh tại như kiến trúc, bạn có nhiều cơ hội hơn để tuỳ biến tác phẩm. Dần dần, bạn sẽ nhận ra lý do thật sự mà mình muốn chụp, và sau đó biết làm thế nào để tăng cảm nhận về thị giác.
Bạn vẫn là yếu tố chính quyết định đến câu chuyện
Cuối cùng, hãy nhớ rằng nhiếp ảnh là một cách xây dựng câu chuyện. Và giống như các toà nhà được tạo ra bởi kiến trúc sư, câu chuyện của nhiếp ảnh được dựng lên bởi người chụp. Chụp ảnh kiến trúc có thể là cách rèn luyện sự nhạy bén của bạn trong nhiếp ảnh, cân nhắc tạo ra nét đặc trưng và chiều sâu cho bức ảnh. Tóm lại thì làm sao để chụp có mục đích? Làm thế nào để những bức ảnh trở nên khác biệt, mới mẻ hoặc mang tính cá nhân?
Các toà nhà mang rất nhiều texture và bối cảnh vào câu chuyện. Nhưng thực chất chúng vẫn là những thứ tĩnh tại. Nhiếp ảnh gia thì không. Nhiếp ảnh gia phải biết cách khai thác điều đó, tạo ra tiếng nói của chính mình trong những câu chuyện bằng hình ảnh.
Credit
—
Translated from website: urth.co
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.