Adobe Lightroom là một công cụ vừa dễ sử dụng với những người mới bắt đầu, vừa đảm bảo được những tính năng chuyên môn cần thiết với dân chuyên nghiệp. Mặc dù phần lớn nhiếp ảnh gia đều dùng Photoshop để retouch ảnh, họ sẽ vẫn cần đến Lightroom khi cần xử lý nhiều ảnh cùng một lúc nhờ khả năng sắp xếp ảnh tiện lợi của phần mềm này.
Có thể bạn cũng đã dùng Lightroom một thời gian dài rồi, nhưng cũng có thể có một vài điều mà bạn chưa biết để tận dụng hết sức mạnh của phần mềm. Đối với phần mềm chuyên nghiệp nào người ta cũng sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về cách sử dụng, vậy nên hôm nay chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn đọc những câu được hỏi thường xuyên nhất.
NÊN DÙNG LIGHTROOM CC HAY LIGHTROOM CLASSIC?
Kể từ khi Adobe ra mắt bản CC, đây đã là một thắc mắc phổ biến của người dùng, nhất là với những bản cập nhật và thay đổi gần đây.
Ứng dụng “Lightroom” từng có tên là Lightroom CC. Mặc dù đây là bản được Adobe truyền thông quảng cáo mạnh mẽ nhất nhưng nó chưa chắc lại là phần mềm tốt nhất đối với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Trong khi đó, Lightroom Classic cũng từng có tên là Lightroom CC. Đọc đến đây chắc bạn đọc thấy khó hiểu lắm, nhưng cũng đừng lo vì điều này cũng là khúc mắc lớn nhất của người dùng Lightroom.
Phiên bản Lightroom CC hiện tại có khả năng lưu trữ ảnh của bạn trên server của Adobe với mức giá 10$/terabyte. Mức phí này có thể lên rất cao nếu như bạn chụp nhiều ảnh. Phiên bản này cũng không có đầy đủ tính năng, ví dụ như khả năng in ảnh trực tiếp trong Lightroom hay xuất ảnh với bất kỳ một định dạng nào ngoài JPG và DNG. Lightroom CC còn không có những mô đun Map, Book, Print, Slideshow hay Web. Nói tóm lại, những nhiếp ảnh gia mới bắt đầu có thể hoàn toàn hài lòng với phiên bản này, nhưng những nhiếp ảnh chuyên nghiệp hơn có thể thấy nó thiếu tính năng để làm việc.
Lightroom Classic là phần mềm tính phí định kỳ kèm trong gói Photography Plan của Adobe. Phiên bản này không chỉ tiết kiệm chi phí hơn, mà nó còn có đầy đủ những tính năng được mong đợi từ một phần mềm chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp.
Để kiểm tra xem bạn đang dùng phiên bản nào, hãy chọn Help trên toolbar trên cùng và chọn System Info:
NÊN DÙNG COLOR SPACE NÀO?
Để nói hết về không gian màu thì sẽ cần một bài viết chi tiết hơn, nhưng bạn nên cẩn thận về sự khác nhau giữa những không gian màu để tìm ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu nhiếp ảnh của mình.
Hai không gian màu phổ biến nhất là sRGB và Adobe RGB.
sRGB được coi là không gian màu chiếm lĩnh thế giới điện tử. Hầu hết mọi thứ trong lĩnh vực đồ họa điện tử từ đồ họa game đến ảnh đều được xây dựng trên nền tảng sRGB. Nếu ảnh của bạn được sử dụng trên mạng Internet, bạn sẽ phải chọn dùng sRGB. Nếu bạn đăng ảnh theo không gian AdobeRGB, ảnh của bạn sẽ bị đục và nhạt màu vì trình duyệt sẽ tự động chuyển ảnh sang sRGB theo một cách rất xấu.
Tuy nhiên, nếu bạn có ý định in ảnh một cách chuyên nghiệp thì bạn sẽ cần đến những bức ảnh AdobeRGB. Không gian màu này được phát triển bởi Adobe và HP để thích hợp nhất cho những máy in CMYK. Nhiều stock agency sẽ yêu cầu ảnh Adobe RGB vì những ảnh này có thể được chuyển sang sRGB. Nhưng hãy nhớ rằng chiều ngược lại không đúng.
Cả sRGB và AdobeRGB đều có cùng một số lượng màu nhưng phạm vi màu trên sRGB hẹp hơn. AdobeRGB có gamut màu rộng hơn 35% giúp cho những bức ảnh in ra có màu tươi và đậm hơn.
ProPhotoRGB là không gian mà rộng nhất hiện nay và là điều kiện lý tưởng để xử lý những bức ảnh 16-bit trên Lightroom cùng với Photoshop. Ảnh 8-bit không thể tận dụng hết màu trong không gian này. ProPhoto cũng là không gian lý tưởng nếu muốn in ảnh với những xưởng in chuyên nghiệp có máy in với khả năng in từ 7 đến 10 màu khác nhau.
(màu sRGB và AdobeRGB hiển thị trên màn hình máy tính)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ LIGHTROOM CHẠY MƯỢT HƠN?
Việc thiết lập cài đặt để Lightroom chạy nhanh nhất là một yếu tố quan trọng trong việc giữ một workflow hiệu quả.
Điều đầu tiên bạn cần làm là nâng cấp phần mềm lên phiên bản mới nhất cũng như đảm bảo rằng bộ nhớ của bạn có đủ dung lượng. Để Lightroom chạy mượt mà yêu cầu bộ nhớ trống ít nhất 20%.
Tiếp theo, hãy tối ưu hóa catalog của bạn. Lightroom sẽ tự động cập nhật file catalog, nhưng sau một thời gian thì file này sẽ ngày càng chậm hơn. Lightroom có tính năng “optimize catalog” để giải quyết vấn đề này. Bạn chỉ cần vào mục Preferences và chọn Performance, sau đó chọn Optimize Performance.
Hãy đặt cho Lightroom sao lưu dữ liệu thường xuyên và tối ưu hóa catalog sau mỗi lần sao lưu.
Một cách khác để tăng tốc độ là import ảnh vào Lightroom theo định dạng DNG. DNG viết tắt cho Digital Negative, một định dạng file RAW của Adobe. Khi ảnh được chuyển sang DNG, Lightroom sẽ thêm vào đó dữ liệu tải nhanh (Fast Load Data). Những dữ liệu này tạo ra một bản preview được xử lý trước để Lightroom có thể render preview ảnh nhanh hơn trong mô đun Develop. Adobe khẳng định rằng file DNG cùng Fast Load Data có thể xử lý nhanh hơn gấp 8 lần. Một lợi ích khách của việc chuyển sang DNG đó là dung lượng của ảnh chỉ bằng 80% dung lượng của file RAW bình thường.
Để bật Fast Load Data, chọn Preferences > File Handling và bật “Embed Fast Load Data”. Lưu ý chọn DNG là File Extension mặc định.
NÊN DÙNG MỘT HAY NHIỀU CATALOG?
Một câu hỏi phổ biến nữa của người dùng Lightroom là nên dùng bao nhiêu catalog, đây cũng là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi.
Một số nhiếp ảnh gia khăng khăng khẳng định rằng chỉ nên dùng một catalog, số khác lại cho rằng làm như vậy thì không khác gì tự chuốc họa vào thân.
Việc dùng chỉ một catalog có thể gây ra nguy cơ cả file catalog bị corrupt, có thể là do phải mở ra đóng lại file đó liên tục. Hiện tượng này hiếm khi xảy ra, nhưng cá nhân tôi cũng đã gặp điều này một vài lần. Giải pháp là back up hàng ngày và chỉ giữ lại những file backup mới nhất để không chiếm diện tích bộ nhớ.
Catalog là một công cụ hữu hiệu để quản lý ảnh. Ít ra bạn có thể dùng một file catalog cho những ảnh cá nhân và một file cho những ảnh công việc.
Tuy nhiên, một cách khác để quản lý ảnh là dùng Collections. Tôi coi Lightroom là một công cụ hỗ trợ đảm bảo tính hệ thống cho người dùng nên đây là một tính năng quan trọng của phần mềm này. Nếu có nhiều catalog, bạn sẽ cần để tâm đến việc backup lại toàn bộ những file đó và việc này rất tốn thời gian và chiếm vào workflow làm việc của bạn. Hơn nữa, Lightroom không cho phép người dùng mở nhiều catalog cùng một lúc. Chính vì vậy, tôi thấy rằng việc chỉ sử dụng một catalog chính được quản lý bằng Collections sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
NÊN LƯU FILE VÀO ĐÂU?
Để dùng Lightroom tốt nhất, bạn cần phải giữ một hệ thống rõ ràng nhất có thể. Lightroom có thể là một kho ảnh mạnh mẽ và hữu hiệu, nhưng chỉ cần sai một ly thôi cũng có thể đi một dặm.
Nhiều người thắc mắc không biết nên lưu file ở đâu. Lời khuyên của tôi là bạn nên sắp xếp ảnh theo cấp thứ bậc. Bạn nên có một folder tổng, và trong folder đó lại chia thành các folder theo năm, và trong năm lại có tháng > tên buổi chụp >,…. Một trình tự như trên sẽ giúp việc tìm ảnh của bạn dễ dàng hơn. Nó sẽ còn giúp bạn dễ dàng sao lưu ảnh hoặc copy sang một ổ cứng khác bằng cách copy folder tổng.
KẾT LUẬN
Đừng tưởng lầm vì Lightroom có giao diện dễ dùng mà nghĩ rằng nó đơn giản. Việc nắm chắc mọi công năng của phần mềm sẽ giúp bạn sử dụng nó một cách hiệu quả hơn. Tôi mong rằng bài viết này đã giúp bạn có một câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi thường gặp khi dùng Lightroom.
Credits:
Bài viết gốc bởi Darina Kopcok tại: digital-photography-school.com
Phiên dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn nếu chưa được sự đồng ý.