Trong ngành nhiếp ảnh thương mại, chụp ảnh sản phẩm nói chung và food nói riêng, một dự án thường là công sức của cả một tập thể. Nó có thể là 3-4 người với các dự án 2 con số, nhưng cũng có thể lên tới cả hơn 10 người trong các dự án lớn, đặc việt là quay TVC hay packaging/advertising. Vậy, trong một team chụp food sẽ cần có các vị trí nào ?
1. CLIENT – KHÁCH HÀNG
Hiển nhiên, đây là người đưa ra yêu cầu, đưa ra đề bài, là nhân vật đòi hỏi nhất, quyền lực nhất và là người trả tiền cho dự án. Cả team sản xuất phải phục vụ đối tượng này hết lòng, hết sức. Client là người sẽ làm brief đối với các job nhỏ ko qua agency. Nếu qua agency, client sẽ mô tả yêu cầu và agency sẽ dựng brief.
Em ơi, chị có 10 món cần chụp, yêu cầu là ĐẸP LÀ ĐƯỢC nhé.
2. ACCOUNT
Đại diện cho khách hàng, nhận đề bài từ khách hàng, giữ liên lạc với khách hàng từ agency, account thường sẽ là người làm việc chặt chẽ với AD/CD(thường cũng từ agency) để đảm bảo kết quả đầu ra được như khách hàng mong muốn.
Nè, đây là yêu cầu của khách, đơn giản lắm, ĐẸP LÀ ĐƯỢC nhé. Ảnh sẽ dùng ở abc này, mục tiêu cuối cùng là xyz nè, làm sao thì làm. Ngày mai có treatment nhé.
3. ART/CREATIVE DIRECTOR(AD/CD)
Là người chịu trách nhiệm đưa ra và kiểm soát phần nhìn, cảm xúc, màu sắc chung mà khách hàng muốn hướng tới. Thông thường Input của Art/Creative director sẽ là yêu cầu của khách hàng, đầu ra Output sẽ là một bản Creative Treatment – bản mô tả chúng tôi sẽ xử lý yêu cầu này của khách hàng theo style thế này, màu thế kia, layout sắp xếp như thế nào….để đạt được mục đích của khách hàng.
Về nguyên tắc, Creative Director thường là người đưa ra ý tưởng ở mức tổng quan nhất và có nhiệm vụ quản lý tổng thể cả team sáng tạo, trong khi Art Director sẽ phát triển ý tưởng đó thành các giải pháp cụ thể, quyết định tất cả các yếu tố của hình ảnh như màu sắc, tinh thần chung, cảm quan đối với người xem. AD chịu trách nhiệm điều phối team sáng tạo để hoàn thành đúng deadline và yêu cầu từ CD.
Làm sao để vừa hiện đại mà vẫn mang nét truyền thống nhỉ, món ăn Á Đông nhưng mang âm hưởng Âu Mỹ phải làm sao ta ???
4. PRODUCER
Nhân vật quyền lực chỉ đứng sau khách hàng trong một team chụp food. Producer nói đơn giản là người làm việc với khách hàng(trong các dự án nhỏ) hoặc nhận yêu cầu từ Agency(trong các dự án lớn), báo giá và sau đó tổ chức ra 1 team sản xuất để sản xuất hình ảnh/video cho dự án. Producer thường cũng là người được trả thù lao cao nhất trong team sản xuất.
Producer sẽ tham gia đầy đủ từ ban đầu tới lúc sản xuất rồi cả quá trình hậu kì và cuối cùng mang sản phẩm đó đi “bán” cho khách hàng. Một Producer giỏi sẽ giúp team sản xuẩt tránh được lãng phí nguồn lực, thời gian bằng cách tổ chức sản xuất hợp lý, đúng yêu cầu của khách hàng. Trong nhiều trường hợp, producer có thể “tám” một tấm ảnh để từ chỗ khách chưa hài lòng thành thỏa mãn.
Dự án này khách hơi đòi hỏi, nhỏ này hay làm style Hàn, dự án này nó có làm được không ta. Nhóc kia gout hơi bừa bộn, gout ánh sáng hơi căng, đủ khả năng chụp cái này không ta, ba đứa này làm với nhau có đánh khách hàng không ta ????
5. DESIGNER
Với các dự án chụp menu, life-style hay cần thiết kế ấn phẩm thì vị trí này sẽ chịu trách nhiệm lên layout cho ấn phẩm, từ đó quyết định ra việc hình ảnh sẽ được chụp như thế nào để đặt vào thiết kế được đẹp nhẩt.
Vị trí này là không thể thiếu trong các dự án chụp bao bì do vị trí hình ảnh trên bao bì thường khá giới hạn, không phải muốn đặt đâu thì đặt mà phải nằm trong một thiết kế tổng thể. VÌ vậy cứ chụp xong về thiết kế sau là đang làm ngược quy trình, khiến việc thiết kế bị giới hạn và hình ảnh, một số lúc cũng không được như mong muốn 100% khi đặt vào thiết kế.
Hòm hòm rồi, mình sẽ đặt tên file thiết kế là Final là xong…..
6. PHOTOGRAPHER
Tất nhiên, đây là nhân tố setup ánh sáng, bố cục, góc máy theo yêu cầu từ AD/CD và producer. Photo là người quyết định lớn nhất tới góc máy – cách mà một người nhìn món ăn, style về ánh sáng và thường kiêm luôn phần hậu kì của dự án. Trong các dự án lớn, ngoài photographer còn có một vị trí nữa là Lighting – là người setup ánh sáng trong set chụp. Hoặc cũng có thể vị trí photo sẽ ko có mà là stylist và Lighting sẽ đi với nhau.
Cái này lighting thế nào thì hợp nhỉ ? Mood này dùng light modifier nào ta ? Khối lên đẹp chưa ta, highlight chói ko ta? Lão AD này khó thấy mồ, nguy hiểm không ta ??
7. STYLIST
Đây là vị trí sẽ hiện thực hóa những gì yêu cầu về mặt styling từ AD/CD. Trong dự án food, thường đây sẽ là vị trí vất vả nhất do phải xử lý một lương lớn thực phẩm. Đồng thời phải giữ cho thực phẩm luôn tươi ngon để phục vụ các shot hình kéo dài trong nhiều tiếng, nhiều ngày. Stylist sẽ thực hiện sắp xếp, điều chỉnh và tạo hình cho thực phẩm để có được visual hoàn hảo nhất.
Cái này fake cho đẹp hay sao ta? Má, nó cứ rụng ra là sao ta ? Cái này luộc bao lâu thì nhìn vẫn đẹp mà ko bị nhũn ra ta. Mình xếp xong foto có chụp ra được không ta :))
8. PROP-STYLIST
Trong các dự án chụp food theo kiểu life-style hay conceptual, đồ ăn lúc này chỉ là một thành phần ko quá lớn trong khung hình. Bên cạnh đó sẽ có sự xuất hiện của nhiều set đồ trang trí để diễn tả concept. Các set đồ này nhiều khi rất khó tìm hoặc phải tự chế(vị trí này thường có nhiều bên gọi là set-designer). Team chụp food lúc này sẽ có thêm vị trí Props stylist. Đây phải là người am hiểu nhất đồ gì hợp với phong cách của khách hàng, mua nó ở đâu, chế nó ra sao. Đối với các dự án lớn, props stylist là phần không thể thiếu do lượng đồ cần chuẩn bị sẽ cực lớn và đa dạng. Với các dự án nhỏ, Food stylist và Props- Stylist sẽ là một.
Job khó thấy mồ, đồ này kiếm đâu ta. Cái này hợp style không ta, thìa này dùng trong bữa sáng hay tối ta, đĩa này đựng có hợp không ta…
9. ASSISTANT
Đây là các vị trí hỗ trợ, nó có thể là Lighting Assistant hỗ trợ setup ánh sáng, logistic assistant- Quản lý vật tư trang triết bị, Stylist assistant, Prop-stylist assistant…bất cứ cái gì cần hỗ trợ sẽ có người làm, thậm chí còn có cả vị trí riêng cho mua bán đồ ăn thực uống chăm sóc cho cả set.
Lắm thứ quá ta, mấy ổng bà giỏi bày vẽ, mang gì mà lắm vậy ta, trưa rồi, các thiên thần ăn gì ta…
Như vậy, sương sương một team chụp food sẽ bao gồm các nhân tố như vừa đề cập. Với các job nhỏ, một vài vị trí sẽ được gom vào làm một. Với các dự án lớn, một vị trí nhiều khi còn có sự tham gia của nhiều người(các dự án TVC thì có 2-3-4 food stylist là chuyện bình thuờng). Việc hiểu về thành phần của một dự án chụp food sẽ giúp client hiểu để đưa ra dự trù ngân sách tương ứng với mức chất lượng mong muốn. Đồng thời giúp nội bộ team sản xuất biết cách phân chia công việc phù hợp.
Credit
——
Bản quyền bài viết thuộc về ©Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không trích dẫn về các website khi chưa được sự đồng ý.