Tính chuyển động là một trong những đặc điểm quan trọng khác của một thiết kế bố cục tốt, nó cho phép người nghệ sĩ kiểm soát góc nhìn của người xem. Với sự chuyển động, tác giả có thể tạo một đường đi định trước cho mắt người xem khi họ chiêm ngưỡng tác phẩm. Ví dụ như với một tác phẩm có trọng tâm, mắt người xem sẽ dồn về phía trọng tâm trước, rồi mới di chuyển xung quanh bố cục khi các yếu tố khác bắt đầu thu hút sự chú ý của họ.
ĐỊNH NGHĨA CỦA TÍNH CHUYỂN ĐỘNG TRONG NGHỆ THUẬT
Tính chuyển động có khả năng đóng góp vào sự đồng nhất của toàn bố cục bởi vì nó tạo ra mối liên hệ giữa các yếu tố trong khung hình. Có nhiều cách khác nhau để tạo ra mối liên hệ này, một trong những cách đó là tạo ra sự lặp lại và nhịp điệu.
Cách lặp lại yếu tố để tạo chuyển động được thực hiện bằng cách cho một yếu tố xuất hiện nhiều lần một cách đồng đều hoặc không đồng đều, từ đó tạo ra một nhịp điệu thị giác. Yếu tố được lặp không nhất thiết phải giống hệt nhau, nhưng chúng cần có một sự tương đồng nhất định. Một vài biến số trong sự lặp lại có thể là một điều tích cực, vì nó tăng độ thú vị cho bố cục. Việc lặp lại như vậy có xu hướng giúp các yếu tố có tính tương tác với nhau hơn, ngay cả khi các yếu tố đó không trực tiếp chạm vào nhau.
lặp lại về màu sắc và hình khối giúp cho bố cục có cảm giác đồng nhất
Nhịp điệu được tạo ra từ sự lặp đi lặp lại và giúp dẫn mắt từ vùng này sang vùng khác theo một hướng trực tiếp, uyển chuyển hoặc chuyển động staccato. Việc lặp lại có thể thực hiện một cách liên tục, ngắt quãng, hoặc bằng cách luân phiên sử dụng một dạng hình khối hoặc đường nét. Một hình khối có thể được thay đổi nhẹ mỗi lần lặp lại hoặc thay đổi có quy tắc về mặt kích cỡ, màu sắc, chất liệu hoặc giá trị sáng. Một đường nét thì có thể thay đổi liên tục về chiều dài, độ đậm hoặc phương hướng. Màu sắc cũng có thể được lặp lại ở các vùng khác nhau trong bố cục để đồng nhất những vùng này.
lặp lại hình tròn với kích cỡ và màu sắc thay đổi để tạo tính chuyển động
đường nét lặp lại trên chiếc khăn và ở các yếu tố trứng, dâu, tạo nhịp điệu đưa mắt từ trên xuống dưới
Chuyển động qua hành động
Tính chuyển động cũng có thể được tạo ra bằng những hành động xảy ra trong khung hình. Trong những tác phẩm nghệ thuật 2D tĩnh, người nghệ sĩ chỉ có thể ám chỉ hành động đang diễn ra. Những hành động ám chỉ này sẽ giúp cho tác phẩm sinh động và có hồn hơn. Một ví dụ điển hình là hướng nhìn của đôi mắt có thể được minh họa bởi một đường mũi tên vô hình, hoặc hướng ngón tay chỉ. Cảm giác về hành động cũng có thể được tạo ra khi chuyển động được “bắt hình”, ví dụ như một quả bóng đang nảy được bắt hình khi ở giữa không trung, một người chạy bộ sắp bước thêm một bước, một người sắp lội xuống bơi, vân vân,…
bắt hành động
MỘT SỐ VÍ DỤ VỀ CHUYỂN ĐỘNG TRONG HỘI HỌA
Tính chuyển động ở bức tranh phía trên được tạo ra theo nhiều cách khác nhau. Bạn sẽ cảm nhận được chuyển động này khi mắt bạn di chuyển từ cô gái nhỏ ngồi trên thảm lên phía cầu thang. Ngoài ra, bạn sẽ còn thấy sự lặp lại về màu sắc. Màu của tòa nhà rất gần với màu của tấm thảm đứa trẻ đang ngồi lên. Không chỉ vậy, các bậc thang trong tranh cũng tạo ra một hiệu ứng lặp lại nữa.
Sự lặp lại cũng tạo ra tính chuyển động ở bức tranh thứ hai. Màu sắc của những bộ đầm được lặp lại giúp dẫn mắt người xem cuốn sâu vào bức tranh. Thiết kế họa tiết trên sàn nhà cũng có sự lặp lại. Người xem còn có thể cảm nhận được tính động qua các hành động được ám chỉ trong khung hình.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.