Tính đồng nhất là chuẩn mực chung của mọi thiết kế bố cục tốt. Điều này sẽ đạt được khi mọi yếu tố trong bố cục kết hợp hài hòa với nhau để tạo cho người xem một cảm giác hài lòng và cảm nhận được mối liên hệ và gắn kết trong tác phẩm. Bạn sẽ thấy được sự đồng nhất trong bố cục khi mọi thành tố trong bố cục hỗ trợ nhau thay vì lấn chiếm lấy nhau. Các mối quan hệ giữa các yếu tố trong thiết kế từ đó sẽ được củng cố rõ hơn, cùng nhau làm việc để thể hiện chủ đề chính mà tác giả muốn bộc lộ qua tác phẩm.
Sự đồng nhất là thành quả cuối cùng thu được khi mọi các nguyên tắc của thiết kế (cân bằng, chuyển động, điểm nhấn, tinh giản, tương phản, tỷ lệ và không gian) đã được áp dụng đúng cách. Mọi yếu tố được đưa vào bố cục cần phải đóng góp trong việc làm nổi bật chủ đề chính và thực hiện một chức năng nào đó. Để đạt được tính đồng nhất, người nghệ sĩ cần tập luyện nhiều, có kiến thức và biết cách chọn lọc các yếu tố trong bố cục, cũng như có khả năng kết hợp hài hòa các nguyên tắc thiết kế để tạo mối liên hệ giữa các yếu tố trên.
Mục tiêu của sự đồng nhất:
- Tạo ra tính trật tự: Khi một bố cục có được sự đồng nhất, người xem sẽ cảm nhận được sự nhất quán về hình dáng, cũng như sự hài hòa về màu sắc và họa tiết. Một phương pháp để đạt được điều này là lặp đi lặp lại các yếu tố quan trọng, cân bằng chúng xuyên suốt bố cục, và thêm vào một chút thay đổi để thiết kế có cá tính hơn. Việc học cách cân bằng các yếu tố và quy tắc thiết kế khác nhau một cách hợp lý là chìa khóa để có được một bố cục thiết kế tốt.
- Khiến cho các yếu tố trong bố cục có cảm giác hoàn thiện và kết nối với nhau hơn: Khi đã đạt được tính đồng nhất, bố cục sẽ được nhìn nhận như một cá thể hoàn thiện chứ không chỉ còn là những yếu tố riêng biệt được nhét chung vào với nhau. Sử dụng quá nhiều hình khối khác nhau có thể khiến thiết kế trở nên vô định, khó hiểu và lộn xộn. Một thiết kế được sắp xếp tốt sẽ chỉ sử dụng những hình dáng cơ bản được lặp lại nhiều lần khắp bố cục.
Đặc điểm nhận dạng tính đồng nhất:
- Các yếu tố riêng biệt trong bố cục không cạnh tranh sự tập trung với nhau.
- Chủ đề chính của tác phẩm được truyền tải rõ ràng.
- Bố cục đem lại cảm giác hoàn thiện và tính trật tự.
Để tạo tính đồng nhất:
- Bạn phải có một mục tiêu rõ ràng muốn truyền đạt tới người xem
- Bạn phải tập trung vào việc đạt được mục tiêu trên và không đi lạc hướng khỏi nó. Nếu bạn đang cân nhắc thêm vào bố cục một yếu tố nữa, nhưng yếu tố này không đóng góp gì vào mục tiêu của bạn thì nó không nên được thêm vào.
- Bạn phải biết tự phân tích các tác phẩm của mình, cố gắng giữ một cái nhìn khách quan nhất có thể, và chấp nhận lời phê bình từ những người cùng lĩnh vực, bạn bè và gia đình. Khi đã có nhiều người khác nhau hiểu được mục đích và thông điệp mà bạn muốn truyền tải theo một cách giống nhau, tức là bạn đã đạt được sự đồng nhất trong tác phẩm của mình.
Khi bạn cảm thấy bố cục đã hoàn thiện, hãy lùi lại và quan sát toàn thể thiết kế một cách khách quan. Tiêu chí cuối cùng của sự đồng nhất là khi không thứ gì có thể được thêm vào hay bớt đi khỏi bố cục mà không cần xây dựng lại toàn bộ mọi thứ từ đầu. Mối quan hệ giữa các yếu tố phải khăng khít đến mức việc thay đổi bất cứ thứ gì sẽ khiến cho bố cục trở nên kém hiệu quả hơn. Khi không có một yếu tố nào phá vỡ sự nhất quán của bố cục thì bạn sẽ đạt được tính đồng nhất.
Tuy nhiên hãy lưu ý: sự đồng nhất mà không có sự đa dạng sẽ trở nên nhàm chán, còn quá nhiều sự đa dạng mà không có sự đồng nhất sẽ trở nên hỗn loạn.
Một số phương pháp để tạo tính đồng nhất:
Tính tương đồng: Hãy thử lặp lại các hình dáng, màu sắc, giá trị ánh sáng, chất liệu và đường nét để tạo một mối quan hệ về thị giác giữa các yếu tố. Sự tái lặp có khả năng đồng nhất các phần khác nhau trong bố cục là do nó tạo ra một cảm giác nhất quán và hoàn thiện.
sự lặp lại về màu sắc, hình dáng và đường nét
Tính liên tục: Hãy xử lý các yếu tố khác nhau trong bố cục một cách giống nhau. Tính liên tục về hình khối và đường nét sẽ tạo ra một cảm giác “gia đình” cho toàn thể thiết kế. Đặc tính này sẽ giúp bố cục được chặt chẽ hơn thông qua những liên kết tiếp nối và hợp nhất.
Căn chỉnh: Sắp xếp các hình dáng sao cho chúng hình thành một đường hoặc nối tiếp với nhau giúp tạo một cảm giác đồng nhất cho bố cục. Khi một yếu tố được đặt vào một bố cục, nó sẽ tạo ra các trục ngang và dọc ở góc trên, góc dưới, trung tâm và bên cạnh của nó. Việc căn chỉnh các yếu tố vào các trục này sẽ tạo ra một mối liên hệ giúp đồng nhất các yếu tố với nhau.
Tập hợp: Hãy gộp các đối tượng liên quan vào một nhóm để chúng được nhìn nhận thành một nhóm mạch lạc hơn là những yếu tố không liên quan đến nhau. Những yếu tố được đặt gần nhau sẽ được người xem nhìn nhận là có mối liên hệ trực tiếp với nhau, khoảng cách càng xa thì mối liên hệ sẽ càng giảm dần. Cách sắp xếp xa gần các yếu tố trong bố cục có thể ám chỉ mối liên hệ (hoặc không có liên hệ) giữa những mảng tách biệt. Sử dụng một yếu tố liên kết (ví dụ như đường đi) để liên kết các yếu tố lân cận với các yếu tố xa hơn cũng sẽ giúp tạo một mối quan hệ giữa các hình khối không được nhóm lại với nhau.
Ví dụ tính đồng nhất trong hội họa
Bức tranh bên trái tạo cảm giác đồng nhất bằng cách sử dụng sự tái lặp một cách hiệu quả. Tác giả đã sử dụng hình dáng tương đồng của những con vịt và màu nâu xuyên suốt bố cục. Bức bên phải nhóm các đối tượng giống nhau lại, tính tập hợp được sử dụng để tạo tính đồng nhất cho bố cục.
Con đường ở bức tranh bên trái là “yếu tố kết nối” giúp tạo mối liên hệ giữa con người ở tiền cảnh và con người ở hậu cảnh. Bức tranh bên phải cũng là một ví dụ tốt về cách tập hợp các đối tượng để tạo tính đồng nhất.
KẾT LUẬN: CÁC NGUYÊN TẮC THIẾT KẾ CƠ BẢN
Để kết luận lại series nguyên tắc thiết kế, sau đây là một số hướng dẫn để áp dụng tốt các nguyên tắc thiết kế:
- Áp dụng các nguyên tắc trong mọi thiết kế của bạn.
- Đừng áp dụng đồng đều mọi nguyên tắc. Một nguyên tắc có thể đóng vai trò quan trọng hơn tùy theo cảm xúc và mục đích của thiết kế. Sẽ có những thiết kế thiên về tính cân bằng, thiên về tỷ lệ hoặc thiên vào tính động, vân vân,…
- Hãy cố áp dụng nhiều nguyên tắc vào một bố cục nhất có thể, miễn là chúng hợp lý với thiết kế đó.
- Bạn luôn nên cố gắng đưa một phần cá tính của mình vào những thiết kế. Nếu tác phẩm không có cá tính của bạn, nó có thể sẽ đẹp về mặt kỹ thuật nhưng lại thiếu đặc điểm nhận dạng riêng.
- Khi đã tự tin với khả năng của mình hơn, bạn có thể thử phá vỡ các quy tắc thiết kế căn bản để kích thích trí tưởng tượng của bản thân.
Khi tác giả đã có một mục tiêu cụ thể, việc sử dụng hiệu quả các nguyên tắc như cân bằng, chuyển động, nhấn mạnh, tương phản, tỷ lệ và không gian sẽ giúp đỡ trong quá trình đạt được tính đồng nhất trong tác phẩm. Tính đồng nhất luôn nên là mục tiêu của mọi nghệ sĩ.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.