Rocio Graham là một nhiếp ảnh gia hiện đang sinh sống tại Calgary. Cô ấy sinh ra ở Mexico và bắt đầu chuyển đến Canada từ năm 2002. Cô học nghệ thuật tại trường Đại học Emily Carr và Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Alberta, tốt nghiệp bằng Cử nhân Thiết kế trong nhiếp ảnh. Trong dự án lần này, ngôi nhà và khu vườn của Rocio giống như một studio, nơi cô nghiên cứu và phát triển. Mọi thứ bắt đầu khi cô ấy nuôi dưỡng một số hạt giống vào mùa xuân, và kết thúc khi chúng phân huỷ trong mùa đông lạnh giá. Rocio thấy rằng sự thay đổi liên tục đó cho phép cô khám phá một không gian tự nhiên nhưng cũng rất thần bí.
Hãy cùng theo dõi buổi phỏng vấn giữa aint-bad và Rocio Graham về dự án “When I think of home”
Trước tiên, cô có thể cho mọi người biết mình đã bắt đầu với nhiếp ảnh như thế nào được không? Nhiếp ảnh có điều gì khiến cô hứng thú nhất?
Rocio: Trong 20 năm đầu đời, thơ ca là thứ nghệ thuật tôi yêu thích nhất. Nhưng sau một sự cố ở tuổi 20, tôi không thể làm thơ được nữa. Tôi đã đánh mất tiếng lòng nghệ thuật của mình và vì thế tôi cần tìm một cách khác để thể hiện con người mình. Lúc ấy tôi đang sống ở Hàn Quốc nhưng nói tiếng Hàn không tốt lắm, thế nên nhiếp ảnh đã trở thành tiếng lòng nghệ thuật khác của tôi. Ngôn ngữ hình ảnh cũng khá phổ biến, và nó cho phép tôi kết nối với những người khác. Tôi yêu thích sự tức thì và tính di động của nhiếp ảnh.
Cô sinh ra ở Mexico và đã chuyển tới Canada từ năm 2002. Vậy việc thay đổi giữa các nền văn hoá như vậy có ảnh hưởng gì đến công việc của cô không?
Rocio: Khi rời Mexico để đến Hàn Quốc, sau đó tới Canada, thực lòng thì tôi cảm thấy lạc lõng một chút. Tôi đã phải dành thời gian để tìm lại cảm xúc, tìm lại bản thân và bắt đầu cách sống mới. Tôi đã tìm đến đất đai, thiên nhiên và sự sống thật sự để kết nối lại bản thân. Gia đình tôi ở Mexico đã canh tác đất đai qua nhiều thế hệ, như trồng dưa hấu, trồng đậu, mía… Vì vậy tôi đã khám phá vùng mới của bản thân từ cội nguồn của mình. Đó chính là lúc tôi bắt đầu quan tâm đến nhiếp ảnh phong cảnh và land art (tạm dịch: nghệ thuật cảnh quan đất). Đó quả là một hành trình dài.
Tôi đã xem qua các tác phẩm của cô tại buổi Sand Diego portfolio review. Và điều đầu tiên đập vào mắt tôi là một loạt ảnh khổ lớn cô chụp, khiến tôi muốn tìm hiểu thêm về các tác phẩm khác của cô. Có vẻ phần lớn chúng là ảnh still life, liệu cô có thể chia sẻ về quá trình thực hiện mỗi bức ảnh không, từ studio cho đến ảnh hoàn chỉnh?
Rocio: Khu vườn chính là studio của tôi. Nhưng vì tôi sống ở Zone 3 của Canada, nơi nhiệt độ rất thấp nên mặt đất đang bị đóng băng cho đến tháng 5. Tôi trồng một số hạt giống cây và hoa trong tầng hầm của mình vào mùa đông. Các cây sau đó được chuyển đến nhà kính, tiếp theo là chuyển đến khu vườn ở sân sau vào mùa xuân, nơi chúng sẽ được chăm bón định kỳ. Tôi cũng có một vài khu chứa phân hữu cơ nữa. Tôi sẽ trồng hết lớp này đến lớp khác cho tới khi cảm thấy đủ để chụp ảnh.
Vì công việc diễn ra ngoài trời, không có bất kỳ sự bảo vệ hay che chắn nào, nên có rất nhiều điều không mong muốn có thể xảy ra. Tôi có thể tốn hàng tuần trời cho một tác phẩm, nhưng tuyết bất ngờ bao phủ mọi thứ và tôi phải làm lại từ đầu. Thay vì cố gắng bảo vệ chúng, tôi đã chấp nhận những gì vốn phải xảy ra trong môi trường tự nhiên. Các tác phẩm hiện tại của tôi có kích thước 40×80 inch, nhưng tôi đang định phóng to chúng ra để phù hợp với các triển lãm lớn hơn.
Tác phẩm của cô gợi nhớ đến những bức tranh Vanitas truyền thống, nơi cái chết – sự lụi tàn cũng đóng một vai trò quan trọng. Chúng đã bao giờ ảnh hướng đến cô chưa? Và tại sao cô lại bị thu hút bởi những hình tượng như thế?
Rocio: Tôi rất vui vì có người nhận ra những khía cạnh đó trong tác phẩm của mình. Những tác phẩm của các hoạ sĩ still life người Hà Lan đã ảnh hưởng sâu sắc đến cảm hứng nghệ thuật của tôi. Trong thời gian học đại học, tất cả các nghiên cứu của tôi đều liên quan đến điều này. Tôi bị thu hút bởi tính thẩm mỹ của các hình tượng sâu sắc đó, và bởi cách ánh sáng trong đó tạo ra cảm xúc cho người xem. Trong văn hoá Mexico, chúng ta có một mối quan hệ sâu sắc với cái chết. Tôi lớn lên gắn liền với việc nói chuyện với linh hồn của tổ tiên, và cũng biết về cái chết của mình. Bản thân tôi đã có hai lần cận kề cái chết, tôi đã chết lâm sàng trong vài phút trước khi sống lại. Trải nghiệm giữa bóng tối và ánh sáng, sự sống và cái chết giờ đây là một phần không thể thiếu trong chất nghệ thuật của tôi.
Theo cô, điều khó nhằn nhất khi tạo ra những tác phẩm này là gì? Kỹ thuật, cảm xúc hay cái gì khác?
Rocio: Tôi nghĩ là sự lao động. Có thể trước khi tôi hoàn thành tác phẩm thì một năm đã trôi qua rồi. Nhiều người gợi ý tôi tìm nguồn hoa từ những người bán buôn, nhưng nó không đúng với mục đích nghệ thuật của tôi lúc này. Series “When I think of home” là dấu mốc mà tôi hoà mình vào thiên nhiên và cảnh quan xung quanh. Tôi bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), và một trong nhiều triệu chứng là tôi có xu hướng muốn tách rời xã hội, “ngắt kết nối” với thế giới. Với tôi, điều quan trọng nhất là cảm nhận được bản thân trong quá trình làm nghệ thuật. Tin tôi đi, khi quỳ gối làm việc cả ngày trong vườn, bạn sẽ cảm nhận được cơ thể của mình.
Đối với tôi, điều khiến tôi thích thú nhất là màu sắc mà cô sử dụng trong các tác phẩm. Chúng đều rất sống động nhưng vẫn có một khoảng tốt nhất định. Tôi thấy rằng tính hai mặt của ánh sáng/bóng tối không chỉ thu hút thị giác mà còn phản ánh con người thực sự của cô, với tư cách là một nghệ sĩ cũng như sự liên kết của cô với các tác phẩm. Cô có nghĩ như vậy không?
Rocio: Chắc chắn rồi. Đó là cách tôi nhìn nhận cuộc sống và bản thân. Niềm vui – nỗi buồn, sự sống – cái chết, sôi động – trầm mặc, cái gì cũng có 2 mặt. Tôi được biết đến là một người năng nổ, bộc trực, nhưng sau đó tôi biến mất trong sự cô độc và suy tư của mình. Tôi nghĩ rằng ai cũng thế. Những chất liệu tôi thể hiện trong các tác phẩm đều mang rất nhiều ý nghĩa, và tôi mong rằng chúng sẽ được lột tả trong tác phẩm của mình.
Cô muốn người xem sẽ rút ra những gì cho bản thân từ những tác phẩm này?
Rocio: Hy vọng của tôi là có thể đưa người xem đến một nơi chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc sống và tự nhiên. Tôi hy vọng có thể cho họ một khoảng lặng, khoảng trống để chứng kiện sự chảy trôi của thời gian, những điều tưởng như rất bình thường, đẹp đẽ. Khi mọi người nhìn vào các tác phẩm đủ lâu, họ có thể khám phá ra những đồ vật bí ẩn trong đó. Đó có thể là xác động vật, côn trùng hoặc một loài hoa quý hiếm. Những phát hiện nhỏ như vậy là phần thưởng cho những người thực sự dành thời gian chiêm ngưỡng tác phẩm của tôi.
Đối với cô, công cụ nào (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) là cần thiết nhất trong quá trình làm ra những tác phẩm như vậy?
Rocio: Tôi nghĩ quan trọng nhất là những dụng cụ làm vườn và tạp dề, tôi không thể làm việc mà không có tạp dề. Về thiết bị thì tôi dùng máy DSLR large format (Nikon D600 và D850), chụp với ánh sáng tự nhiên. Tôi từng khá ám ảnh về thiết bị, nhưng giờ thì không còn nữa. Một nhiếp ảnh gia giỏi không cần những thiết bị đắt tiền nhất. Tuy nhiên, tôi khá chú ý về chất lượng ánh sáng tự nhiên. Tôi thường chụp ảnh chủ yếu vào mùa thu và mùa đông. Ở độ cao này, ánh sáng mặt trời có màu vàng rực rỡ và rất mượt.
Có nhiếp ảnh gia nào đã truyền cảm hứng cho cô trong suốt thời gian qua không?
Rocio: Ôi, đó chắc chắn là Sally Mann. Tôi thích cách Sally thực sự đam mê công việc của cô ấy. Nhà Sally cũng từng là một studio và đó chính là điều mà tôi đang làm. Tôi cũng yêu thích các tác phẩm của Edward Burtynsky, Laura Letinsky, Abelardo Morell và Laura St. Pierre.
Lời khuyên hữu ích nhất đã truyền cảm hứng và là động lực cho cô tiến về phía trước là gì?
Rocio: Tôi đã có 2 cuộc trò chuyện rất thú vị, chúng đã thay đổi hoàn toàn cách tôi tiếp cận với nghệ thuật. Đầu tiên là với Gabriel de la Mora, nghệ sĩ người Mexico. Gabriel chia sẻ rằng anh ấy vô cùng hứng thú với những dự án khó, có thể chúng khiến anh lo sợ phần nào đó, nhưng đó là thử thách để anh ấy vượt qua và học hỏi. Anh ấy dạy tôi vượt qua nỗi sợ hãi, dám thử thách và khám phá nhiều điều khi làm nghệ thuật.
Ngoài ra, tôi cũng có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ người Canada – Mark Clinberg. Kể từ ấy, con người tôi đã thay đổi đi nhiều. Anh ấy cho tôi tìm thấy khung khái niệm nghệ thuật của mình. Trước lúc đó, tôi thấy rằng những tác phẩm liên quan đến trong nhà, nữ quyền hay cá nhân thường không được coi trọng trong thế giới nghệ thuật này. Nhưng Mark đã khuyến khích, động viên tôi khám phá sâu hơn về chúng. Cho đến nay, khi cảm thấy chênh vênh, tôi sẽ nhớ lại cuộc trò chuyện ấy.
Đã có điều gì khiến cô thất vọng nhất chưa, mà sau đó nó lại là động lực để cô tiến về phía trước ấy?
Rocio: Ôi nhiều lắm, nhưng lần tôi nhớ nhất là khi một giáo sư ở trường đại học không hề công nhận các tác phẩm của tôi. Nó thổi bùng lên ngọn lửa để tôi thực sự tìm hiểu xem mình sẽ làm nghệ thuật cho ai? Lúc ấy, tôi nhận ra rằng nếu cứ chìm đắm trong lời tán dương của đám đông và chạy theo xu hướng, tôi sẽ trở thành bản sao của người khác, không còn là chính mình.
Với tư cách là một nhiếp ảnh gia, thì dự định của cô trong tương lai là gì?
Rocio: Năm nay có 2 dự án khá thú vị. Đầu tiên, tôi là một trong 6 nghệ sĩ quốc tế sẽ tham gia vào Chương trình lưu trú Ayatana Germinate Arts ở Gatineau Quebec. Đây là khu lưu trú thử nghiệm về nghệ thuật thực vật học. Tôi khá chắc rằng từ những trải nghiệm ấy, công việc của tôi sẽ phát triển hơn.
Ngoài ra, tôi đang chuyển sang lĩnh vực điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Tôi hiện đang là nghệ sĩ lưu trú cho Calgary’s Women Centre. Tôi sẽ hợp tác với các thành viên của trung tâm để tạo ra một tác phẩm điêu khắc lớn. Nó sẽ được trưng bày tại lễ hội Beakerhead vào mùa thu. Đây là một festival với sự kết hợp giữa khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật. Đó là một dự án đầy tham vọng, và sẽ giúp tôi hợp tác với nhiều người, kết nối với công chúng để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật dựa trên tính tương tác và khoa học.
Cảm ơn cô Rocio Graham đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn!
Hãy ghé thăm website của Rocio để xem thêm các tác phẩm khác của cô ấy.
Credit
—
Translated from website: aint-bad.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.