Khi nhắc đến shadow (tạm dịch là bóng, vùng tối), người ta thường liên tưởng đến những điều tiêu cực, xấu xa, hoặc tệ hơn là sự thấp kém (chẳng hạn, sống dưới cái bóng của người khác). Nhưng nếu nghĩ khác đi, bạn sẽ nhận ra shadow rất thú vị. Shadow là kết quả của việc một đối tượng cản lại ánh sáng, chúng có nhiều hình thù và kích thước khác nhau.
Chính sự thiếu hụt ánh sáng đã tạo ra các vùng shadow. Cũng giống như không có tiếng ồn sẽ tạo ra sự im lặng, thiếu các đồ vật sẽ tạo ra khoảng không gian. Những sự thiếu vắng này chính là đặc trưng của thực tại. Chúng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc của con người, khơi dậy niềm vui hoặc nỗi khiếp sợ, thậm chí có thể gây ra cái chết, sự tan vỡ. Tuy nhiên có vẻ như chúng ta chưa thực sự biết được sức mạnh của shadow.
“Chỉ trong yên lặng mới có sự ồn ào, chỉ trong bóng tối mới thấy rõ được ánh sáng, và chỉ khi đối mặt với hiểm nguy, diều hâu mới sải rộng đôi cánh trên trời xanh.
― Ursula K. Le Guin, trong A Wizard of Earthsea.
Bóng tối chiếm phần lớn trong vũ trụ
Khi nhìn vào vũ trụ, ta thấy một màn đen vô tận, lạnh lẽo và im ắng. Trong khoảng không ấy, dường như rất khó để thấy được sự tồn tại của ánh sáng. Bóng tối bao phủ mọi nơi và chính là đặc trưng của hiện thực, khác với ánh sáng mang tính tạm thời.
Chúng ta thường chú ý đến những vật nhìn thấy được nhờ sự phản xạ ánh sáng trở lại mắt. Ngược lại, khi nhìn vào khoảng không vô định của vũ trụ, có rất ít chùm sáng chiếu trở lại mắt người, vì vậy mà đôi mắt dường như được nghỉ. Có lẽ trong bóng tối, ta được cảm nhận bản chất tự nhiên của vũ trụ.
Vì vũ trụ luôn phát triển và mở rộng ra, nên những ngôi sao cũng ngày càng cách xa chúng ta. Mặc dù không có gì nhanh hơn tốc độ của ánh sáng, nhưng chúng vẫn cần thời gian để phản xạ và truyền đi các hướng. Điều đó có nghĩa là lượng ánh sáng từ những ngôi sao chiếu đến Trái Đất đang ngày càng giảm. Hay nói cách khác là bóng tối đang ngày càng tăng lên.
The black canvas of reality
Nếu như vũ trụ chủ yếu là màu đen, thì chính ánh sáng là yếu tố tạo nên sự thú vị bên trong đó. Khi nói đến một tấm vải trống trơn, ta thường nghĩ ngay đến bề mặt màu trắng, nhưng giờ hãy thử tưởng tượng ra một bề mặt màu đen. Khi mặt trời ló rạng (có nguồn sáng chiếu đến), các tia sáng như đang nhảy nhót trên tấm vải, làm hiện lên texture của vải. Những phần đen không được chiếu sáng đến chính là shadow.
Shadows là lỗ hổng của ánh sáng
Trong tác phẩm “Seeing Dark Things: The Philosophy of Shadows”, Nhà triết học Roy Sorenson chia sẻ rằng mặc dù nhiều người coi shadow là do sự thiếu vắng của ánh sáng, nhưng ông cho rằng đó là “lỗ hổng của ánh sáng”. Một lỗ hổng thường sẽ đưa chúng ta đi đến một nơi khác. Một vùng shadow nhỏ sẽ là chiếc cổng thần kỳ để đến với khoảng bóng tối bên dưới mọi vật.
Có một câu châm ngôn rằng, mọi vật đều có những kẽ hở hoặc vết nứt, và đó là nơi ánh sáng sẽ lọt vào. Chuyện gì xảy ra nếu điều ngược lại cũng đúng? “Mọi vật đều có lỗ hổng và đó là cánh cổng để bóng tối xuyên qua.”
Thưởng thức sự hoà quyện giữa ánh sáng và bóng tối
Trên thực tế, trong tiềm thức, nhiều người thường ưa thích ánh sáng hơn bóng tối. Đã bao nhiêu lần chỉnh ảnh mà bạn tăng độ sáng và giảm shadow trước khi gửi cho bạn bè hay chia sẻ lên mạng xã hội? Mọi người có thường bật nhiều đèn hơn mức cần thiết chỉ để xua tan bóng tối? Có bao nhiêu khu dân cư và thành phố đang bị ô nhiễm ánh sáng?
Càng kỳ vọng vào một thực tại sáng chói hơn và ít bóng tối đi, ta sẽ càng thất vọng. Sự tăng thêm của cái này phải được đánh đổi bằng sự biến mất của cái còn lại. Thay vào đó, hãy biết chấp nhận những điều không hoàn hảo giống như lý tưởng Wabi-sabi, tận hưởng cái vô thường nhưng đem lại hương vị đa dạng cho cuộc sống.
“Vẻ đẹp không nằm ở bản thân mỗi đối tượng, mà nằm trong sự đấu tranh, đối kháng của ánh sáng và bóng tối. Không có shadow đồng nghĩa với vẻ đẹp không tồn tại”
– Junichiro Tanizaki, trong In Praise of Shadows (1993).
Chúng ta lựa chọn nhìn thấy thứ mình muốn
Chiến bình Rubin – một ảo ảnh thị giác nổi tiếng được phát triển bởi nhà tâm lý học Edward Rubin – đã nhấn mạnh đến sự thú vị của không gian âm (negative space). Nó cũng chứng minh rằng bộ não con người không thể nhìn được không gian dương (positive space) và không gian âm cùng một lúc, ta chỉ có thể dành sự chú ý cho một trong hai cái. Chúng ta có thể nhìn thấy cái bình hoặc khuôn mặt, nhưng không cùng một lúc. Những gì bạn nhìn được phụ thuộc vào việc bạn tập trung vào vùng đen hay trắng của bức ảnh. Nói cách khác, trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta đều có thể lựa chọn muốn nhìn thấy ánh sáng hay bóng tối, cái tốt hay cái xấu, mặt tích cực hay tiêu cực. Hãy nhìn nhận và đánh giá cả 2 mặt.
Đọc thêm Shadows trong nhiếp ảnh
Credit
—
Translated from website: wearejustlooking.org
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.