Từ thuở sơ khai của nghệ thuật nhiếp ảnh vào năm 1839, mọi bức ảnh chỉ có màu trắng đen. Với trang thiết bị khó dùng và cồng kềnh, nhiếp ảnh lúc bấy giờ chỉ tập trung vào hoàn thiện quá trình để tạo ra một bức ảnh mà chưa tính đến xử lý sự đa dạng và phức tạp của màu sắc. Có rất nhiều nhà tiên phong đã vô cùng kiên trì bền bỉ tạo ra những phương thức mới với mục đích đem lại màu sắc cho nhiếp ảnh. Nhưng phải đến tận những năm 1930, khi mà những công ty lớn như Kodak và Agfa bắt đầu sản xuất những mẫu film màu cho thị trường tiêu dùng thông thường, thì ảnh màu mới bắt đầu trở nên phổ biến và tiếp cận được với nhiều người hơn.
Sự phát minh và tính đại trà của film màu đã có ảnh hưởng vô cùng lớn lên ngành nhiếp ảnh. Ngày nay, mọi nhiếp ảnh gia đều có thể tái tạo lại một khung cảnh với đầy đủ màu sắc như ngoài đời thực. Nhưng công dụng của màu sắc trong nhiếp ảnh không chỉ dừng lại ở đó, nó còn cho phép người chụp gắn thêm những cảm xúc hằn sâu trong từng lớp màu của ảnh một cách dễ dàng hơn.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, con người đã hàn gắn những giá trị mạnh mẽ với những màu sắc khác nhau. Có những giá trị gắn liền với trải nghiệm cá nhân của từng người, nhưng cũng có những giá trị phản ánh sự tiến hóa của loài người và mang dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của nghệ thuật trực quan. Trong series “Làm chủ màu sắc” này, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại quá khứ của những màu sắc khác nhau, đánh giá cách chúng hình thành thế giới quan của con người và ý nghĩa của chúng trong nhiếp ảnh.
SỨC MẠNH TÂM LÝ CỦA MÀU ĐỎ
Màu sắc có khả năng tác động mạnh mẽ lên nhận thức của con người, cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất. Tổ tiên xa xưa nhất của chúng ta đã gắn màu đỏ với màu của máu, của sự nguy hiểm, bạo lực và sự sống còn. Con người từ đó mà coi đỏ là màu của sự thúc giục, cảnh báo và cơ hội. Đỏ có thể là màu của ngọn lửa ấm áp đem lại ánh sáng, nhưng ngọn lửa đó cũng có thể dẫn đến sự tàn phá chết chóc.
Chính vì màu đỏ thu hút chú ý của chúng ta nên những dòng chữ hay những đối tượng có màu đỏ luôn nổi lên trước trong một bức ảnh. Màu đỏ còn được dùng trên toàn thế giới trên những biển cấm và đèn giao thông. Trong tự nhiên, màu đỏ của lá thu hay của hoàng hôn rực rỡ khơi dậy trong chúng ta những cảm nhận về dòng chảy của thời gian và vòng luân hồi của đất trời. Hay là cả sắc đỏ trong hoa hồng gắn liền với những cảm xúc lãng mạn, màu đỏ cứ như vậy tượng trưng cho đam mê cháy bỏng, tình yêu và nhục dục. Không chỉ vậy, màu đỏ còn tác động đến vị giác của con người bằng những thức quả như dâu tây, táo, cherry, cà chua và ớt, tất cả đều có màu đỏ rực rỡ nhờ chất caroten với tác dụng hỗ trợ trong quá trình quang hợp.
Những nền văn hóa khác nhau cũng có những ý nghĩa khác nhau gắn với màu đỏ. Ở một số vùng Châu Phi, màu đỏ tượng trưng cho sự đau thương và cái chết. Ở Trung Quốc, màu đỏ lại hay được dùng trong những ngày lễ Tết, lễ tang hay đám cưới với hy vọng có được sự may mắn, niềm vui và sự thịnh vượng. Truyền thuyết Thái Lan lại gắn liền màu đỏ với ngày Chủ Nhật và vị thần Mặt Trời Surya. Ở Ấn Độ, người ta lại quan niệm đỏ là màu của sự trong sạch, sự sinh sôi nảy nở, tiền tài, sắc đẹp và của nữ thần Lakshmi. Người Nhật Bản lại coi đỏ là màu truyền thống cho tinh thần yêu nước.
Mặc dù còn nhiều ví dụ nữa mà tôi chưa thể kể hết nhưng cũng có thể kết luận được rằng một khi màu đỏ còn luôn hiện hữu trong nghệ thuật, những mối liên hệ như trên sẽ càng định hình mạnh mẽ hơn cách mỗi người đón nhận một bức ảnh.
QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA MÀU ĐỎ
Mặc dù có nhiều khung bậc khác nhau nhưng màu đỏ vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong toàn bộ lịch sử loài người. Từ sắc đỏ cam của đất son đến màu đỏ Cadimi rực rỡ, quá trình tiến hóa của màu đỏ bắt nguồn từ sự tôn thờ màu sắc này của con người từ thời xa xưa.
Thổ hoàng
Thổ hoàng là một chất tạo màu tự nhiên với màu sắc trải từ vàng đến cam đậm hay nâu. Khi tác động với đá hematit, thổ hoàng sẽ chuyển sang màu đỏ. Một trong những ví dụ lâu đời nhất về màu đỏ trong nghệ thuật trực quan là bức vẽ bò rừng đỏ trên hang đá ở Altamira, Tây Ban Nha có tuổi đời khoảng 36000 năm.
Đá Chu Sa
Chu Sa (Cinnabar), một loại khoáng vật tự nhiên của thủy ngân, có màu trải từ đỏ gạch đến đỏ tươi. Bất chấp nó có hàm lượng độc tố cao, người Roman cổ vẫn ưa chuộng sắc đỏ rực rỡ của loại đá này và sử dụng nó rất nhiều trong trang trí. Màu đỏ đặc trưng này có thể dễ dàng được nhận ra trên những bức tranh treo tường của những gia đình quyền quý tại Pompeii. Kể từ thời nhà Tống, những nghệ nhân Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng đá chu sa để chạm khắc lên những bức sơn mài công phu.
Châu Sa
Những nhà bác học cổ đại hay dùng từ Châu Sa (vermilion) để chỉ loại bột màu tạo ra khi xay nghiền đá chu sa. Nhưng thực chất từ này cũng có thể được dùng để miêu tả chất liệu nhân tạo khởi nguồn từ Trung Quốc. Chất liệu này rất phổ biến trong những bức tranh thời kỳ Phục Hưng, ví dụ như những bức của Titian nổi tiếng là có màu đỏ đậm quý phái.
(Assumption of the Virgin – Titian)
Minium
Người La Mã phát minh ra minium, hay còn gọi là Chì Đỏ, bằng cách nung chì trắng đến một nhiệt độ rất cao. Do tương phản mạnh với màu vàng gold và màu đá hoa, họ sử dụng minium chủ yếu để khắc chữ. Mặc dù những họa sĩ thời trung cổ dùng nó trong những bản ghi chép của mình nhưng chất liệu này lại đặc biệt phổ biến với những nghệ sĩ Mông Cổ ở Ấn Độ vào thế kỷ 17 và 18.
Vincent Van Gogh cũng thường xuyên sử dụng minium trong những bức tranh của ông. Nhưng do minium khi gặp sáng sẽ chuyển trắng nên màu đỏ trong tranh Van Gough cũng bị phai dần theo thời gian.
Đỏ yên chi
Khi xâm chiếm Mexico vào đầu thế kỷ 16, những binh lính Tây Ban Nha vô cùng bất ngờ khi bắt gặp chất liệu vải sặc sỡ và màu sơn mặt của người Aztecs. Người Tây Ban Nha bắt đầu nhập hàng lô loại “Spanish Red” này về Châu Âu, thứ chất liệu bắt nguồn từ một loại rệp son. Những nghệ sĩ Châu Âu nhanh chóng sử dụng sản phẩm này trong những tác phẩm của họ. Nhưng buồn thay, màu đỏ yên chi cũng có xu hướng phai dần như minium, đặc biệt là dưới ánh mặt trời. Cho đến tận ngày nay, ngành công nghiệp mỹ phẩm và phẩm màu đồ ăn vẫn sử dụng chất liệu này.
Cadimi
Vào năm 1817, một nhà hóa học người Đức tìm ra một nguyên tố mới: Cadimi, nguyên liệu căn bản để chế tạo sơn vàng và cam sau này. Tuy nhiên, phải mất 93 năm thì màu đỏ Cadimi mới được đưa vào sử dụng đại trà vào năm 1910. Henri Matisse nhanh chóng trở thành một trong những nghệ sĩ sử dụng nó mạnh mẽ nhất, sau đó phải kể đến những họa sĩ khác như Edvard Munch, Francis và Clyfford Still.
Nhưng sau Cadimi, khoa học công nghệ cũng đã phát triển và tạo ra vô vàn những chất tạo màu đỏ nhân tạo khác. Những chất liệu sơn, thuốc nhuộm và mực ngày nay dễ xử lý hơn, dễ dùng hơn và có tuổi thọ cao hơn cũng như đa dạng về sắc thái.
(The Red Room – Henri Matisse)
MÀU ĐỎ TRONG NGHỆ THUẬT TRỰC QUAN
Trường tồn với thời gian, màu đỏ phát triển cùng lịch sử loài người với những ý nghĩa thay đổi và tầm quan trọng khác nhau. Chúng ta sẽ không thể biết được ý nghĩa tượng trưng của màu đỏ với tổ tiên tối cổ, nhưng ít nhất chúng ta cũng biết được rằng họ đã sử dụng sắc màu này để thêm chiều sâu cho những bức vẽ trên đá của họ.
Những nghệ sĩ thời trung cổ cho rằng đỏ là màu của Pentecost, của thánh thần và của máu của những chiến sĩ Thiên Chúa. Trong những bức họa thời Phục Hưng, màu đỏ chiếm lấy mắt nhìn của người xem, bao trùm cả Chúa, Đức Mẹ Maria và những nhân vật khác trong Kinh Thánh.
Nghệ thuật Baroque lại tìm kiếm vẻ đẹp rạng rỡ và huyền bí trong màu đỏ. Những nghệ sĩ tiền Raphaelite sau này lại dùng những sắc đỏ và cam trên làn tóc xoăn của người phụ nữ nhằm nhấn mạnh hơn vào ý nghĩa tượng trưng đằng sau những tác phẩm của họ.
Trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng lại dùng đỏ như nguồn sáng hay để nhấn mạnh lên các chi tiết. Những nghệ sĩ thuộc trường phái dã thú sau đó lại nhuốm đỏ những bức tranh của họ gần như theo một cách dai dẳng đến bạo lực. Một vài năm sau, nghệ thuật trừu tượng lại bỏ qua việc tạo ra một chủ thể xác định. Thay vào đó, họ dùng những mảng đỏ gợi cảm như để hút hồn người xem, tạo ra một quãng nghỉ, hay để gây cảm giác khó chịu cho người xem, đem đến những tư tưởng đầy triết lý.
(Mark Rothko)
MÀU ĐỎ TRONG NHIẾP ẢNH
Một chân trời vô tận khác lại được mở ra cho các nhiếp ảnh gia từ sự phát triển của nhiếp ảnh màu. Họ có thể tái tạo lại chính xác những gì đang xảy ra trước mắt. Và hơn hết, mọi ý nghĩa được gắn kết với màu đỏ vẫn tiếp tục trong nhiếp ảnh. Những đặc tính trường tồn của màu đỏ cho phép người nhiếp ảnh gia truyền tải những thông điệp dựa trên quá trình lịch sử của nghệ thuật.
Marie Cosindas, một trong những người tiên phong cho nhiếp ảnh màu, sử dụng màu đỏ trong những bức tĩnh vật của bà như trong tranh Baroque xưa. Bức ảnh nổi tiếng “The Red Ceiling” của William Eggleston dùng màu đỏ như một sự nồng cháy ngầm chảy dưới một khung cảnh hết sức đời thường. Màu đỏ tô thêm tính kịch giữa khung cảnh thành thị nên thơ trong những bức phong cảnh của Saul Leiter. Steve McCurry ghi chép lại quá trình lịch sử và văn hóa của màu đỏ qua những bức “Dust Storm” và “Red Boy and Holi Festival”. Hay trong bức ảnh nổi tiếng nhất của McCurry “Afghan Girl”, đôi mắt hình viên đạn của cô gái lại càng xé lòng hơn bởi tấm khăn đỏ cuốn quanh mặt cô.
Màu đỏ không chỉ dừng lại ở nhiếp ảnh màu. Filter đỏ khi được lắp vào máy ảnh hoặc thêm vào khi hậu kỳ có khả năng hấp thụ ánh sáng xanh da trời và xanh lá cây, nâng cao tính tương phản cho bức ảnh. Ansel Adams dùng red filter để tăng tính kịch tính cho những bức ảnh phong cảnh nổi tiếng của ông, khiến cho bầu trời dường như tối sầm lại trong những khung cảnh hùng tráng mỹ lệ.
(Ansel Adams)
KẾT LUẬN
Faber Birren, một tác giả người Mỹ và một chuyên gia về màu sắc, từng nói rằng: “Màu đỏ là màu của sự khẩn khoản và sự tâm huyết, nó là ranh giới giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa lòng ái quốc và sự loạn lạc, giữa tình yêu và hận thù, lòng thương cảm và chiến tranh.” Nó được sử dụng xuyên suốt lịch sử loài người để tượng trưng cho những trải nghiệm và những ý tưởng, từ giai cấp địa vị, thể chất, tức giận đến sự ấm áp, tình yêu và hiểm nguy.
Màu đỏ bước vào thế giới nhiếp ảnh từ sự phát minh của nhiếp ảnh màu, và vẫn tiếp tục kéo dài đến ảnh film cũng như ảnh kỹ thuật số. Tuy ý nghĩa của nó có thay đổi theo từng văn hóa, sự trường tồn của đỏ trong nghệ thuật là một minh chứng cho khả năng gợi hình gợi cảm của sắc màu này trong thời đại ngày nay.
Credits:
Bài viết gốc bởi Megan Kennedy tại: digital-photography-school.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn nếu chưa được sự đồng ý.
2 Comments
Pingback: Làm chủ màu sắc – Sức mạnh tâm lý và quá trình tiến hoá của màu cam | Học chụp ảnh - Chụp ảnh sản phẩm - Chụp ảnh doanh nghiệp - ChimkudoPro
Pingback: Tương phản trong bố cục | Thư viện nhiếp ảnh sản phẩm, quảng cáo Chimkudo