Rất nhiều người khi làm việc muốn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối với mọi công đoạn, được tự tay quản lý mọi quy trình làm ảnh. Tuy nhiên, những người thực sự thành công là những người biết nhận sự giúp đỡ, và một ví dụ điển hình là thuê một người khác để làm công việc hậu kỳ ảnh.
Khi là người làm chủ một công ty nhiếp ảnh, bạn có thể giám sát mọi thứ, nhưng bạn cũng không nhất thiết là phải làm mọi việc. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào lĩnh vực mà mình làm tốt nhất, ví dụ như làm người cầm máy chụp ảnh chẳng hạn.
Dưới đây sẽ là 12 bí mật đắt giá khi thuê hậu kỳ ảnh.
12. Cân nhắc sự đầu tư về mặt thời gian có đáng hay không?
Có thể bạn cũng thích retouch ảnh, nhưng công việc này đôi lúc rất tốn thời gian tùy theo thể loại ảnh mà bạn chụp. Ví dụ nếu như bạn chụp ảnh đám cưới, bạn sẽ phải sàng lọc hàng nghìn bức ảnh chỉ từ một job, làm hậu kỳ một lượng ảnh lớn như vậy có thể tốn hàng tiếng hoặc thậm chí là vài ngày.
Mỗi tiếng bạn dành ra để chụp một bức ảnh có thể đồng nghĩa với thêm một vài tiếng để xử lý hậu kỳ, bất kể là bạn có đang chụp ở lĩnh vực gì. Vì vậy, bạn cần phải cân đo lượng thời gian mà bạn phải dành ra cho nhiều công đoạn khác nhau của một bộ ảnh. Hãy nghĩ thử xem công việc của bạn có hiệu quả hơn không nếu bạn gạt khỏi tay nhiều tiếng chỉnh sửa ảnh đó.
Việc tự hậu kỳ ảnh nghĩa là bạn có thể sẽ không có thời gian để nhận thêm khách mới trong tuần đó. Do đó việc thuê một bên thứ ba làm công việc này có thể sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Nói tóm lại, nếu thuê người hậu kỳ ảnh tiêu tốn ít tiền hơn mà thời gian có thể đem lại, bạn chắc chắn không nên ngần ngại làm điều này.
11. Thuê người có chuyên môn cao để đạt được kết quả tốt nhất
Những người làm retouch chuyên nghiệp đều là những chuyên gia dày kinh nghiệm trong công việc của họ. Họ không những có thể làm tỉ mỉ bằng bạn, họ thậm chí có thể làm tốt hơn.
Các retoucher thường sẽ có kinh nghiệm trong việc chụp ảnh, vì vậy họ cũng hiểu những yếu tốt về ánh sáng, bố cục, vân vân,… trong nhiếp ảnh. Chỉ đơn giản là họ giỏi việc hậu kỳ hơn cả, và họ chọn ngành này để phát huy những điểm mạnh của họ.
Nếu bạn thuê một retoucher chuyên nghiệp có nghĩa là bạn đang có trên tay một chuyên gia thực thụ. Một người chỉ tập trung vào hậu kỳ ảnh mỗi ngày và có đủ kinh nghiệm để đưa những bức ảnh của bạn đến một tầm cao mới.
10. Tính cả chi phí hậu kỳ khi ra giá với khách hàng
Chi phí cho việc thuê một người làm hậu kỳ không nên là một cản trở. Hãy tìm hiểu về những retoucher chuyên nghiệp để biết mức giá của họ, sau đó tính thêm chi phí này vào mức giá bạn đưa ra với những khách hàng tiêu dùng.
Nếu bạn chụp ảnh với mục đích thương mại, bạn sẽ cần nêu cụ thể từng chi phí trong đơn báo giá tùy theo quy mô của dự án. Bạn có thể phí hậu kỳ vào mục chi phí sản xuất, trong đó bao gồm tiền công cho những chỉnh sửa của bạn cũng như là của người làm retouch.
9. Nêu rõ phong cách của bạn với người làm hậu kỳ
Rất nhiều nhiếp ảnh gia coi rằng phong cách riêng của họ đến từ cả việc chỉnh sửa màu ảnh trong khâu hậu kỳ. Nhưng đừng quên rằng những người làm retouch chuyên nghiệp có thể tái tạo lại những điểm này.
Điều quan trọng là bạn phải truyền tải nguyện vọng của mình một cách rõ ràng với bên được thuê. Hãy cung cấp cho họ những ví dụ để mô tả kiểu phong cách mà bạn hướng đến để họ có thể làm theo. Đó có thể là kiểu màu “teal and orange” đang rất phổ biến trong ảnh phong cảnh và chân dung, hoặc cũng có thể là những thay đổi tone rất chi tiết.
Nhiều người làm retouch cũng sẽ sắn sàng nhận preset của bạn. Bạn có thể tạo những preset ưa thích của mình, sau đó gửi cho họ để làm tiền đề cho những chỉnh sửa sâu hơn.
Nhưng cho dù là bạn muốn kiểu phong cách như thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ vẫn phải sẵn sàng miêu tả nó ra cho người làm hậu kỳ và đặt ra những mong muốn của mình. Một retoucher giỏi chắc chắn sẽ có khả năng đáp ứng những nhu cầu của bạn.
8. Thuê người làm công việc tách nền và cắt ghép ảnh
Có một số thao tác hậu kỳ mà bạn chắc chắn nên thuê một bên thứ ba làm. Một trong số đó là tách nền.
Tách nền (clipping path) là công việc cắt từng yếu tố trong ảnh thành những phần riêng biệt trong Photoshop. Một ví dụ điển hình cho tách nền sẽ là cắt một sản phẩm ra khỏi background để sử dụng làm bao bì sản phẩm.
Việc tách nền đòi hỏi kỹ năng sử dụng Photoshop cao, do đặc tính yêu cầu về độ chính xác cao. Để tách nền tốt có thể rất khó trừ khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm. Một retoucher có thể chỉ mất vài phút để hoàn thành công việc này, trong khi bạn có thể sẽ tốn nhiều tiếng mà chỉ đạt được kết quả đáng thất vọng.
Đừng tốn công sức cố làm việc này, hãy thuê người khác làm.
Điều này cũng có thể áp dụng với công việc cắt ghép ảnh (compositing). Đôi khi chúng ta sẽ cần dùng đến nhiều bức ảnh khác nhau để ghép thành một bức ảnh hoàn thiện cho khách hàng.
Tôi từng tham gia một shoot chụp có khách hàng yêu cầu một bức ảnh topdown của nhiều món ăn khác nhau trên bàn. Yêu cầu này quá gấp gáp, mà tôi thì lại không đem đủ hết dụng cụ để treo máy ảnh phía trên bàn ăn lớn. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chụp từng đĩa thức ăn một riêng lẻ, sau đó thuê người làm hậu kỳ ghép những bức ảnh này với nhau trong Photoshop. Kết quả thu lại được cũng rất ổn.
Nếu bạn không thành thạo việc cắt ghép, hãy thuê người khác làm công việc phức tạp này.
7. Thuê retoucher làm Frequency Seperation cho ảnh chân dung
Khi bạn chuyên về lĩnh vực nhiếp ảnh tiêu dùng với những thể loại chân dung, ảnh glamour hoặc ảnh boudoir, da người là một yếu tố hết sức quan trọng. Những lúc như vậy, bạn nên cân nhắc thuê retoucher để làm mịn da.
Frequency seperation là một kỹ thuật Photoshop thường hay được dùng để chỉnh sửa da mà không làm mất bề mặt tự nhiên của da. Nếu được làm tốt, kỹ thuật này sẽ khiến cho ảnh chân dung trông chuyên nghiệp và cao cấp hơn hẳn.
Tuy nhiên, frequency seperation không hề dễ, thậm chí nếu làm không cẩn thận có thể phá hỏng một bức ảnh.
Nếu bạn chuyên về chụp người, bạn sẽ muốn khách hàng phải ấn tượng với sản phẩm đưa ra để họ tiếp tục làm việc với bạn những lần tiếp theo. Việc thuê retoucher ngoài với kinh nghiệm làm frequency seperation có thể sẽ giúp bạn đạt được điều này.
5. Tự tay điều chỉnh chi tiết
Một cách tiếp cận khác nữa là chia đôi công việc hậu kỳ giữa bạn và người làm retouch chuyên nghiệp. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Bạn sẽ phải làm nhiều việc hơn so với khi outsource mọi thứ, nhưng bạn sẽ chỉ phải trả ít tiền hơn cho người làm hậu kỳ.
Một cách hay là thuê bên thứ ba làm những chỉnh sửa căn bản về độ sáng và cân màu, còn những công đoạn chỉnh sửa chi tiết thì bạn tự làm. Với cách này, bạn sẽ phải chỉnh ít ảnh hơn, chỉ cần chỉnh sửa những bức ảnh quan trọng nhất để đưa cho khách hàng.
5. Outsource để có thể báo thời gian nhận sản phẩm nhanh hơn
Khả năng cho ra sản phẩm nhanh là một lợi thế với mỗi người làm nhiếp ảnh. Điều này hoàn toàn đúng với mọi thể loại nhiếp ảnh, đặc biệt là ảnh đám cưới.
Chỉnh sửa ảnh đám cưới đặc biệt tốn thời gian. Trớ trêu thay, khách hàng chụp ảnh đám cưới lại luôn mong ngóng có ảnh nhanh nhất có thể! Và họ sẽ rất vui nếu như họ đạt được nguyện vọng này. Thêm nữa, hầu hết đám cưới thường diễn ra theo mùa, và nhiếp ảnh gia sẽ quá tải lượng ảnh phải chỉnh sửa khi mà họ chụp nhiều job liên tiếp nhau.
Bằng cách thuê retoucher, bạn có thể đảm bảo khách hàng sẽ nhận được ảnh nhanh hơn, từ đó thỏa mãn được niềm vui thú của họ sau một sự kiện quan trọng của cuộc đời.
Khả năng trả ảnh nhanh sẽ nâng cao sự thõa mản của khách hàng. Từ đó, họ sẽ nhìn nhận bạn chuyên nghiệp hơn và sẽ sẵn sàng tung hô bạn với bạn bè và người quen của họ, từ đó có khả năng đem đến cho bạn những khách hàng mới trong tương lai.
4. Xây dựng mối quan hệ trong giới nhiếp ảnh để tìm được những retoucher giỏi
Bạn có thể bắt gặp những retoucher giỏi ngay trong cộng đồng nhiếp ảnh xung quanh mình.
Những group Facebook tập trung về nhiếp ảnh thường rất phổ biến. Nếu tham gia vào chúng, bạn vừa có thể nhận được phản hồi đóng góp từ người khác, vừa có thể kết bạn với những bộ óc sáng tạo khác. Đừng chần chừ hỏi xin lời khuyên hoặc lời giới thiệu.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia part-time kiếm thêm bằng việc chỉnh sửa ảnh, và bạn có thể gặp họ trên những group như trên. Thường thì họ sẽ rất hào hứng với lời đề nghị của bạn, thậm chí còn có thể nhận chỉnh ảnh miễn phí cho bạn.
Ngay cả những nhiếp ảnh gia không sống trong địa bàn của bạn cũng có thể đem lại những mối quan hệ có ích. Bạn có thể kết nối với họ qua những diễn đàn nhiếp ảnh hoặc đăng ký các lớp dạy nghề.
3. Outsource để có thời gian nhận thêm khách
Nhờ việc thuê bên thứ ba làm công tác hậu kỳ ảnh, bạn sẽ có thêm thời gian trống để dành vào những công việc khác, ví dụ như làm marketing để thu được nhiều khách hàng hơn.
Khi bạn tổ chức một công ty nhỏ, một trong những điều cần chú ý nhất là tạo ra một lượng khách hàng đều đặn. Những khách hàng quen cũng có vai trò quan trọng, nhưng bạn không nên chỉ dựa vào họ để kiếm sống. Ngay cả những nhiếp ảnh gia lão luyện nhất với hàng chục năm trong nghề cũng luôn cần phải tìm thêm khách hàng mới.
Tính kiên trì là chìa khóa để marketing hiệu quả. Rất nhiều nhiếp ảnh gia bỏ dở việc marketing khi công việc bận rộn, và khi quay lại thì lại chẳng thấy khách hàng đâu.
Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa ảnh, bạn có thể sẽ lỡ mất những cơ hội làm ăn với những khách hàng mới để đưa sự nghiệp nhiếp ảnh của mình lên cao hơn.
Bạn không thể tự tay làm hết được. Hãy sẵn sàng để người khác làm những công việc nhám chán như chỉnh ảnh để bạn có thể tập trung vào những việc quan trọng hơn cả.
2. Thuê retoucher để giảm bớt căng thẳng cho bản thân và tập trung vào việc chụp
Bạn làm nhiếp ảnh vì bạn đam mê chụp ảnh. Bạn cũng có thể thích hậu kỳ, nhưng nhiều nhiếp ảnh gia không lấy đấy làm điểm mạnh của họ.
Nếu bạn cảm thấy như vậy, bạn nên thuê người khác làm công việc hậu kỳ cho bạn. Điều này sẽ cho phép bạn tập trung hơn vào những gì mình làm tốt nhất. Bạn đâu có bắt đầu sự nghiệp này để dành nhiều tiếng trước máy tính, đúng không nhỉ?
Việc không phải căng thẳng nghĩ đến việc chỉnh sửa hàng trăm bức ảnh mỗi khi có khách hàng mới sẽ rất tốt cho bạn. Bạn sẽ có thể đầu tư trí óc của mình vào những việc sáng tạo và dành được nhiều thời gian hơn để chụp những bức ảnh đẹp.
Bạn còn có thể dùng thời gian ấy để học hỏi thêm về ánh sáng, về bố cục và nhiều mặt khác nữa của nhiếp ảnh. Từ đó, những sản phẩm của bạn sẽ lại càng được cải thiện hơn.
1. Kỳ vọng kết quả chất lượng cao, nhưng không nên mong đợi sự hoàn hảo
Một trong những cản trở lớn nhất của nhiếp ảnh gia khi thuê người khác làm việc là học cách buông thả. Nhiếp ảnh gia nào cũng có một sự gắn bó với những bức ảnh của mình, và nhiều khi còn cảm thấy sản phẩm đưa ra phản chiếu lại con người họ.
Chắc chắn là bạn sẽ cần có tiêu chuẩn riêng. Nhưng cũng đừng rơi bẫy đặt kỳ vọng quá cao.
Để việc outsource được thành công, bạn sẽ cần phải từ bỏ chạy theo sự hoàn hảo tuyệt đối. Ảnh được làm xong còn giá trị hơn là ảnh hoàn hảo.
Điều này không có nghĩa là bạn có thể nhận những sản phẩm lười biếng. Đúng hơn là bạn không nên quá lo lắng về từng thứ nhỏ nhặt mà hầu hết chẳng ai để ý đến.
NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ THUÊ HẬU KỲ ẢNH
Tìm người retouch như thế nào?
Bạn có thể tìm qua những công ty chuyên làm retouch ảnh. Hoặc tìm qua người quen, hỏi những nhiếp ảnh gia khác trên mạng, hoặc nghiên cứu về một số retoucher mà bạn thích rồi yêu cầu họ chỉnh thử một vài ảnh cho bạn.
Tại sao lại phải chỉnh ảnh?
File ảnh kỹ thuật số thường khá là phẳng. Trừ khi bạn chụp file jpeg, hầu hết ảnh kỹ thuật số sẽ cần được xử lý. Cho dù ảnh trên máy chụp có vừa sáng đến đâu, chúng sẽ vẫn cần phải được cải thiện về màu sắc, tone và tương phản để trông đẹp nhất có thể.
Retouch ảnh là gì?
Về mặt lý thuyết, edit ảnh là sàng lọc ra những bức ảnh đẹp nhất từ một bộ ảnh. Retouch ảnh là quá trình thay đổi diện mạo của bức ảnh. Những thay đổi này có thể là cân màu sắc hoặc loại bỏ tóc bay và mụn.
KẾT LUẬN
Một khi bạn đã thuê người làm hậu kỳ ảnh, bạn có thể sẽ tự hỏi tại sao không làm điều này sớm hơn.
Một retoucher có thể thay bạn làm những công việc nhám chán trên Photoshop. Từ đó cho bạn có nhiều thời gian để tìm kiếm những khách hàng tốt hơn. Hoặc họ cũng có thể giúp bạn làm những kỹ thuật mà bạn không biết làm.
Để thành công, bạn cần tập trung công sức vào những công việc ra được nhiều tiền nhất. Việc outsource công đoạn hậu kỳ là một trong những cách tốt để có được điều này.
Credits:
Bài viết gốc bởi Darina Kopcok tại: expertphotography.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.