Trong một ngành mà đang bị quá tải bởi những photographer đang cố tranh giành khách hàng trên thị trường, nhiếp ảnh thương mại có một sức quyến rũ không thể cưỡng lại, nhất là với những người mới bước chân vào ngành. Mạng xã hội không thể show ra bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra ẩn sâu bên trong đó, và các photographer hiếm khi bàn về những mặt tiêu cực khi làm một nhiếp ảnh gia thương mại. Trong bài viết này, tôi sẽ nói 1 cách chân thực nhất về các bí mật đen tối đằng sau hậu trường ngành nhiếp ảnh thương mại.
1.Khi on set, bạn chỉ một phương tiện để hoàn thành công việc
Đối với nhiều photographer mới trong ngành, tưởng tượng ra khi on set chụp cho một khách hàng nào đó, trong tâm trí họ gợi lên hình ảnh của sức mạnh và tự do khi được sử dụng sự sáng tạo của mình theo 1 cách mà họ thấy hợp lý nhất.
Thực tế khác xa với điều đó
Mặc dù photographer là thuyền trưởng của một con tàu, họ có mặt ở đó để phục vụ một mục đích cụ thể – bất chấp mọi thứ để có được tấm hình mong muốn. Tiền job càng nhiều, thì áp lực hoàn thành công việc và yêu cầu chất lượng càng lớn.
Chả ai quan tâm nếu bạn ốm hay mệt mỏi, và cũng không quan tâm nếu bạn không thực hiện buổi chụp do mẫu không hợp tác hay do thời tiết không được như mong muốn của bạn. Bạn nhận yêu cầu từ khách hàng, và khi đó , việc của bạn là sản xuất ra bằng được hình ảnh theo tiêu chuẩn của khách hàng bằng bất kỳ giá nào.
Khách hàng không ở đó để cảm thông và họ cũng không đáng phải quan tâm tới vấn đề của bạn.
Tôi nhớ lại một buổi chụp mà khách hàng và công ty quảng cáo tự chọn mẫu, và một trong những mẫu mà họ chọn là 1 cậu bé sợ chó. (Buổi chụp tất nhiên là chụp về trẻ em và chó). Tôi đã biết trước là việc chọn mẫu như vậy sẽ là một vấn đề. Tôi cố gắng hết sức mình để đưa ra ý kiến nhằm thay đổi sự lựa chọn đó và cuối cùng là ý kiến của tôi đã bị bỏ ngoài tai. Vì vậy tôi bắt buộc phải lao vào “chiến đấu”, chiều theo mong muốn của khách hàng và hy vọng buổi chụp sẽ diễn ra thành công.
Trong buổi chụp, sau hơn 2 tiếng chụp cậu bé và chú chó mà không đem lại kết quả mà art director cảm thấy ưng, tôi quay ra hỏi cô ấy “Để cho rõ ràng nhé, cô cụ thể muốn thấy điều gì ở bức ảnh?”. Cô ấy trả lời: “Tôi muốn thấy một sự kết nối chân thành giữa cậu bé và chú chó”.
Tôi có thể lắc đầu và cười mỉm về sự ngớ ngẩn về điều này sau, nhưng trong lúc này, công việc duy nhất của tôi là phải làm điều đó thành hiện thực, bất chấp những cái nhăn mặt của cậu bé mỗi khi mà chú chó chảy dãi. Tin tốt là: Tôi cuối cùng cũng chụp được bức ảnh mà khách hàng hài lòng.
Câu chuyện này mang tới cái nhìn đó là bạn chỉ là một phương tiện để hoàn thành công việc. Bạn là công cụ giúp cho khách hàng có được sản phẩm mà họ cần – bức ảnh.
Cảm xúc, ý tưởng, sự thất vọng, sức khỏe,… thường được đặt sau ưu tiên công việc.
Tip: Hãy cố gắng sử dụng tiếng nói của mình, hãy đấu tranh cho bản thân và nói ra những ý tưởng sáng tạo của bạn, nhưng cũng nên biết khi nào thì nên im lặng và chiều theo ý khách hàng. Luôn giữ một thái độ bình tĩnh và chuyên nghiệp, bất chấp mọi tình huống.
Và cũng nên cố gắng để thuê assistant – trợ lý, người mà có thể hiểu được mong muốn của bạn, tập hợp một team mà có thể làm việc tốt với nhau. Việc này sẽ tạo ra những điều kỳ diệu trong sự nghiệp của bạn.
2. Các công ty/agency thường tìm đến các photographer không chuyên thay vì các photographer thương mại để có thể tiết kiệm một khoản tiền.
Một vài năm trước tôi bắt đầu nhận ra là những người bạn của tôi chuyên chụp chân dung và thú cưng – những người mà có ít kinh nghiệm chụp ảnh thương mại đang dành job chụp thương mại với tôi. Họ hầu như toàn lấy giá bằng một phần nhỏ so với tôi.
Tôi đang ngày càng mất khách hàng vào tay họ. và tôi phải nghĩ thật nghiêm túc tại sao họ thậm chí được ưu tiên khi mà họ có ít hoặc chẳng có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực nhiếp ảnh thương mại. Mặc dù tôi chẳng bao giờ thực sự hiểu được các khách hàng và công ty quảng cáo nghĩ gì, nhưng tôi đoán cách nghĩ của họ như thế này:
“Nếu chúng ta có thể có kết quả khá với số tiền bỏ ra cho photographer B ít hơn 80% so với photographer A, ngay cả khi photographer B không có kinh nghiệm để có thể lên một kế hoạch và tạo ra một sản phẩm thành công. Bất kể những khuyết điểm mà photographer đó có hoặc bất kể vấn đề mà sẽ xảy ra trong buổi chụp đều đáng để chúng ta giải quyết miễn là chúng ta tiết kiệm được nhiêu đó tiền.”
Có thể sẽ có sự khác biệt 30tr giữa “ảnh tốt” từ photographer B, và “ảnh xuất sắc” từ photographer A. Khách hàng có thể cảm thấy cái “tốt” đó là “đủ tốt”.
Họ biết là họ có khả năng sẽ phải chụp lại và thuê thêm 1 photographer kinh nghiệm để tạo ra bức ảnh mà photographer nghiệp dư không thể. Nhưng nếu họ không phải chụp lại, thì họ sẽ có 1 khoản ngân sách dư dả.
Việc phải có 1 buổi chụp lại chắc chắn là 1 rủi ro ở trong những tình huống đó, bởi vì nhiều photographer ngoài lĩnh vực không hiểu được sự khác nhau giữa ảnh “chân dung” và ảnh “thương mại”, và đó là một điều mà art director không thể và cũng chả phải việc của họ để hướng dẫn các photographer khi on set.
Nhưng nếu photographer cho ra 90% ảnh chân dung và 10% chất ảnh “trông giống thương mại” thì khách hàng thấy cũng đáng vì họ có thể tiết kiệm được 1 khối tiền.
Với số tiền tiết kiệm được khi thuê 1 photographer ngoài ngành hoặc photographer thương mại nghiệp dư, khách hàng sẽ có thể sử dụng bản quyền bức ảnh đó lâu hơn và có khả năng thuê được nhiều mẫu và nhiều địa điểm hơn, đơn giản bởi vì photographer B không có một sự hình dung hợp lý về việc họ có thể thực hiện, giá thành trong lĩnh vực commercial, và họ sẵn sàng làm việc ở lĩnh vực này để cố gắng thực hiện những gì họ đã hứa với khách hàng.
Tôi không nói là tôi trách những khách hàng khi tìm và thuê các photographer nghiệp dư ngoài ngành để chụp những shot ảnh thương mại. Nhưng điều đó không làm giảm việc cảm thấy tệ khi những photographer giàu kinh nghiệm như tôi bị mất job vào tay các photographer ngành ngoài – thường đem lại kết quả theo một cách may rủi.
Tip: Bất kể bạn là photographer của lĩnh vực nào, hãy chắc chắn là bạn đủ tự tin để thực hiện những gì khách hàng yêu cầu trước khi cam kết với bất cứ dự án nào. Cảm giác khi bị lún sâu vào một việc mà sau đó mới nhận ra là nó ngoài tầm khả năng của bạn sẽ là vô cùng tồi tệ.
Hơn nữa, khi mà bạn lấy đi những job mà bạn ít khả năng sẽ làm tốt thì có nghĩa là bạn đang cướp mất job của các photographer khác sẵn sàng làm việc hết sức để mang lại kết quả tốt nhất.
3. Những lời hứa kiểu “sẽ hợp tác thêm trong tương lai”, “sẽ giới thiệu” hay “bản quyền ảnh” đang dần phổ biến nhưng vẫn rất nhảm nhí.
Mặc dù điều này luôn là một vấn đề trong ngành, tôi đã từng thấy ngày càng nhiều lời đề nghị như này qua những năm gần đây, và tôi nghĩ luôn có một sự thật mất lòng tồn tại song song với sự thật số 2 kể trên.
Nhiều photographer chân dung/ ảnh cưới/ không chuyên hiểu được rằng những lời hứa kiểu “giới thiệu cho bạn bè” hay “sẽ hợp tác thêm trong tương lai” đều là những lời hứa xã giao từ các người đã thuê họ, nhưng họ có thể đã nghĩ rằng trong ngành ảnh thương mại sẽ khác, đơn giản là bởi vì họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
“Tôi háo hức quá! Big Brand muốn tôi chụp cho họ và họ nói về việc họ sẽ cần tôi trong tương lai, điều này có nghĩa là tôi sẽ không chỉ có job này mà sẽ còn có những job khác nữa”.
Sự thật là điều đó hiếm khi xảy ra trong ngành nhiếp ảnh thương mại.
Các Agency và thương hiệu thường xuyên thay đổi các photographer, với ít sự gắn bó hoặc hầu như chả gắn bó với một photographer nào.
Họ liên tục “làm mới thương hiệu”, và luôn tìm kiếm những hình ảnh mới và tốt hơn. Họ muốn trở nên “hợp thời”, hoặc có một ngoại hình, phong cách độc đáo cho mỗi chiến dịch.
Tôi sẽ không bao giờ quên những lời của 1 đồng nghiệp khi nói về một thương hiệu gia đình lớn và cách họ chọn photographer. Cô ấy nói: “Họ sẽ chọn bất cứ ai trông già dặn”.
Tất nhiên, việc tiếp tục làm việc phụ thuộc vào khách hàng, và những khách hàng càng nhỏ, local, đôi khi sẽ tiếp tục hoặc lặp lại các dự án với cùng 1 photographer. (Nếu bạn muốn chụp lại các job khác nhau cho cùng 1 khách hàng mỗi tháng, hãy show dịch vụ của bạn tới các công ty trong khu vực hoặc ở địa phương).
Nhưng mà đôi khi những khách hàng nhỏ đó cũng đang tìm cách để tiết kiệm tiền, vì thế mà họ nghĩ rằng họ sẽ có được những gì mà họ muốn với cách đưa ra các “hình thức trả công” vô nghĩa khác.
Các khách hàng sử dụng những lời đề nghị “giới thiệu” “hợp tác thêm trong tương lai” hay “bản quyền hình ảnh” như là một miếng mồi để lùa các photographer mà khách hàng nghĩ họ chẳng biết gì hơn ngoài chụp ảnh.
Các khách hàng hy vọng với những lời đủ mật ngọt sẽ giảm giá tiền công cũng như tiền nhượng bản quyền hình ảnh của photographer xuống, hoặc thậm chí mong muốn các photographer sẽ làm việc miễn phí cho họ để mang lại các sản phẩm giá trị.
Cách mà tôi phản hồi lại với những lời “đường mật” này là hỏi về những yêu cầu của họ và gửi họ định giá như thông thường mà tôi vẫn hay gửi cho các khách hàng khác.
Họ có thể chọn giữa việc đồng ý hoặc vứt nó đi.
Spoiler: Những kiểu khách hàng này hầu như toàn chọn “vứt đi”.
Tip: Đừng bao giờ tốn quá nhiều thời gian định giá cho những yêu cầu như thế này, nhưng cũng đừng hạn chế khả năng có thể tiếp tục làm việc với những khách hàng trong tương lai.
Có nhiều khách hàng sau khi nói với tôi là họ không có đủ tiền để thuê tôi, tôi thường trả lời rằng ”Tôi rất muốn làm việc với bạn, vậy khi nào bạn có nhiều ngân sách hơn, hãy liên lạc lại với tôi.” Và điều nãy đã từng xảy ra, họ đã liên lạc lại. Đúng là bạn sẽ không biết trước được điều gì!
4. BẠN chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của team, và đôi khi là cả lỗi của khách hàng hay bất kể là lỗi của ai đi chăng nữa.
Những photographer thiếu chuyên nghiệp thường nói với khách hàng của họ rằng “Trợ lý của tôi đã làm rối hết cả lên” khi mà có vấn đề ở buổi chụp.
Việc của bạn là nhận lỗi về mình, chịu trách nhiệm cho team, xin lỗi khách hàng/mẫu/agency/producer/bất kể ai, làm việc với họ để cố gắng giảm thiểu tổn thất và tiếp tục công việc theo một cách tích cực.
Nếu bạn có một assistant mới trong buổi chụp và họ vô tình làm hỏng đèn nháy, thì đó là việc của bạn để tìm vật thay thế ngay lập tức. Nếu người mang đồ ăn không xuất hiện, thì đó là việc của bạn để đảm bảo khách hàng và team vẫn được ăn uống đầy đủ.
Khi mà producer có thể trợ giúp những việc này (nếu mà bạn có đủ tiền để thuê producer), trách nhiệm “sửa lỗi” vẫn thuộc về bạn. Nghe có vẻ không công bằng nhưng đây là sự thật.
Vị trí “sếp của tất cả” có thể sẽ rất đáng sợ đối với những commercial photographer mới, nhưng đôi khi bạn không thể tránh được điều đó nếu muốn nghiêm túc trở thành dân chuyên nghiệp. Và tốt hơn hết, làm việc lại với khách hàng đó.
Có mặt, kiểm soát buổi chụp, hãy là người sếp và chịu trách nhiệm. Đó là cách mà mỗi buổi chụp nên diễn ra.
Tip: Nếu mà việc này khiến bạn hoảng, hãy thực hiện càng nhiều buổi chụp cộng tác càng tốt cho đến khi nào mà bạn cảm thấy tự tin trong việc chỉ đạo một team và đủ tự tin để nắm quyền.
5. Đa số các nhiếp ảnh gia thương mại không biết định giá và nhiều khách hàng không nắm được giá trị của bức ảnh, vì vậy giống như là người mù chỉ đường cho người mù vậy.
Ở trên các forum hoặc group trên Facebook về Commercial photography bạn sẽ thấy đầy rẫy các câu hỏi kiểu “Tôi nên lấy job này bao nhiêu tiền?”
Họ sẽ hiếm khi có được một câu trả lời chính xác, đa số là bởi vì những job khác nhau thì có những yêu cầu khác nhau nên những photographer khác cũng không thể định giá theo trường hợp của họ. Vì thế, để tìm câu trả lời, họ lên Google.
Google không phải là một nguồn đáng tin cậy cho việc định giá nhiếp ảnh thương mại, với lời khuyên từ một vài website, trong đó bao gồm cả các đề xuất tùy tiện, chỉ cần tính 3-4x so với ảnh cho cá nhân, hay tính tiền dựa trên số lượng pixel của 1 bức ảnh, tính theo thời lượng sử dụng bức ảnh cho thương mại. (Làm ơn đừng có tính theo những kiểu này).
Vì vậy những photographer này tiếp tục lầm tưởng các nguồn thông tin này là đáng tin cậy, và họ lấy tiền khách hàng theo cách mà họ cũng không hiểu, và tệ hơn, cách đó còn không đúng theo tiêu chuẩn của ngành.
Khách hàng thì quay ra thương lượng, và bởi vì bản thân photographer còn không hiểu cách định giá của mình và không có nguồn hay kinh nghiệm nào để có thêm thông tin, họ không biết nhượng quyền đúng cách hay giảm giá trị sản phẩm để giảm giá.
Và họ mang đến cho khách hàng một khối kiến thức tệ hại về định giá, khiến cho nhiều nhiếp ảnh gia thương mại kinh nghiệm phải cố gắng sửa lại nhận thức của những khách hàng đó khi làm việc với họ.
Nói sâu hơn về vấn đề này, khách hàng, trừ khi họ là những người giàu kinh nghiệm ở công ty quảng cáo thường làm việc với các đối tác sáng tạo, họ có xu hướng sử dụng kinh nghiệm của mình để so sánh giá khi làm việc với photographer: “Một nhiếp ảnh gia thương mại sẽ không thể nào tốn kém hơn người mà tôi thuê chụp đám cưới”.
Hoặc có những khách hàng đã từng làm việc với một nhiếp ảnh gia thương mại non nớt trước đây và họ lấy tiền của khách hàng tính theo số ảnh. Và khách hàng đó không có cách nào để biết nên bỏ bao nhiêu tiền vào 1 sản phẩm nhiếp ảnh, bỏ bao nhiêu tiền vào sản phẩm nhiếp ảnh của job này,…
Nhiếp ảnh gia cũng vậy
Cuối cùng bạn sẽ như 2 nhóm chạy đi chạy lại để đàm phán trong khi cả 2 chả biết mình đang làm gì. Sự thiếu minh bạch của cả 2 bên sẽ khiến chúng ta bực bội, nhưng rất tiếc là điều này không thể tránh được.
Có nhiều lý do khiến cho việc “xuống giá” ngày càng phổ biến trong lĩnh vực nhiếp ảnh thương mại qua từng năm. Theo phỏng đoán của tôi, thì đây là một trong những lý do đó.
Tip: Nếu bạn không biết cách tính chính xác giá của nhiếp ảnh thương mại, hãy tự tìm hiểu cách làm trước khi gửi bất cứ định giá nào cho khách hàng.
Chúng tôi – những người còn lại sẽ rất cảm kích điều đó.
6. Các công ty và các agency không quan tâm đến điều khoản thanh toán của bạn.
Ahhh, phần “vui” nhất khi là một nhiếp ảnh gia thương mại.
Được trả tiền.
Tôi sử dụng từ “vui” theo cả nghĩa đen lẫn hàm ý cay đắng bởi vì, theo nghĩa đen, sẽ khá là tuyệt vời nếu được trả 1 khoản gồm 8 thậm chí 9 con số. Nhưng theo ý còn lại, sẽ thật “vui” khi cứ phải đi đòi tiền cả tháng trời.
Cụm từ “vừa nhiều vừa ít” thường dùng cho các photographer trong ngành nhiếp ảnh thương mại, có nghĩa là việc chờ đợi để được thanh toán trở nên căng thẳng nhất (nhiều stress) và sự yếu kém về tài chính ở mức tồi tệ nhất (ít tiền).
Nếu bạn đủ thông minh, bạn sẽ bổ sung điều khoản thanh toán vào trong hợp đồng và hóa đơn.
Một trong những điều khoản thanh toán phổ biến nhất trong ngành nhiếp ảnh thương mại là “net-30”, tức là khách hàng sẽ phải thanh toán số tiền còn lại cho bạn (số còn lại sau số tiền tạm ứng) trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được hóa đơn.
Nghe thì có vẻ ổn nhưng vấn đề ở đây là:
- Nhiều công ty đã mở rộng điều khoản thanh toán của họ đối với các khoản thanh toán lên đến 60, 90 hoặc thậm chí lâu hơn (4 tháng nghe thật quá đáng, nhưng mà có đấy!). Điều này thường diễn ra ở các thương hiệu lớn khi thuê agency quảng cáo bên ngoài. Agency đó thậm chí còn không được trả tiền trong vòng 90-120 ngày.
- Nếu bạn có điều khoản net-30 trong hợp đồng mà khách hàng đã ký vào đó, và khách hàng vẫn chưa trả cho bạn trong vòng 30 ngày, thì về lý thuyết, họ đang vi phạm hợp đồng.Nhưng khả năng cao là bạn sẽ không muốn thuê luật sư để tham gia vào vấn đề pháp lý của hóa đơn mới chỉ chậm vài tuần hoặc 1-2 tháng.
- Bạn cũng sẽ không muốn làm mối quan hệ của bạn với khách hàng trở nên xấu đi, và không dám đánh mất cơ hội tiếp tục hợp tác trong tương lai bằng cách giận dữ xả vào mặt họ “Trả tiền đây!”.
Nhưng nếu mà ví tiền đang eo hẹp, bạn sẽ phải cầm cự cho đến lúc được trả tiền.
Việc check mail hàng ngày, không biết đến khi nào sẽ được trả tiền thực sự khiến ta phát điên!
Tip: Luôn luôn phải nói chuyện trực tiếp về các điều khoản thanh toán trước khi bắt đầu một dự án hay bất cứ công việc nào với khách hàng. Họ cần phải hiểu bạn mong đợi điều gì, và bạn cũng phải làm cho điều đó thật rõ ràng.
Ngoài ra, yêu cầu khách hàng phải đưa 100% khoản tạm ứng để ít ra bạn không phải loay hoay các khoản tiền cần chi trả cho job cho đến khi khách hàng quyết định trả tiền cho bạn (Bạn không phải là ngân hàng)
Nếu suy nghĩ phải chờ trong 1 tháng (hoặc thậm chí lâu hơn) để được thanh toán khiến bạn mệt mỏi, đừng làm việc với bất cứ agency quảng cáo hay những công ty lớn, hãy cứ làm việc với những khách hàng nhỏ hay ở địa phương – họ thường thanh toán cho bạn nhanh hơn.
7. Bạn không đặc biệt đến mức đó đâu, ngay cả khi họ tỏ vẻ là bạn như vậy.
Bạn sẽ bắt đầu nhận ra những mẫu email được soạn sẵn để gửi cho một loạt các photographer khi bạn nhận đủ nhiều thư mời hợp tác của khách hàng.
“Xin chào (tên của bạn). Sắp tới chúng tôi có một buổi chụp cho khách hàng của mình, họ rất thích những bức ảnh của bạn và chúng tôi rất mong được làm việc cùng bạn. Chúng tôi nghĩ rằng phong cách của bạn chính là những gì chúng tôi đang tìm kiếm cho dự án lần này, khách hàng của chúng tôi đang rất háo hức về việc bạn sẽ tạo ra những bức ảnh đẹp cho dự án mới của họ”
TUYỆT!
Nhưng vấn đề duy nhất là, người gửi mail đó cho bạn cũng sẽ gửi đúng cái email đó cho 5 photographer khác.
Họ làm cho bạn cảm thấy mình là ứng cử viên sáng giá nhất (hoặc là lựa chọn duy nhất) cho 1 buổi chụp, nhưng đừng để bị đánh lừa. Bất cứ khách hàng lớn hay nhỏ đều có khả năng là họ đang nói chuyện với nhiều photographer khác về job đó.
Và nếu đó là một agency quảng cáo liên hệ với bạn, luôn luôn phải cho rằng là đang có 2 photographer khác cũng báo giá cùng job với bạn. Tôi đã hỏi nhiều người đại diện cho photographer về điều này, và họ nói rằng bây giờ 100% các agency đều liên hệ với 3 photographer cùng 1 lúc để xem xét có được lựa chọn tốt nhất.
Trường hợp này sẽ không đúng nếu bạn là 1 photographer với style quá độc đáo mà không ai có thể bắt chước được. Hoặc khách hàng được gây cảm hứng từ những bức ảnh trong dự án cá nhân của bạn, và họ muốn bạn tạo ra những bức ảnh giống như vậy cho dự án của họ.
Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của tôi là khi tôi nhận được email từ một art director đang làm việc cho khách hàng mơ ước của tôi (Một công ty toàn cầu khổng lồ), và cô ấy nói rõ trong email rằng tôi là photographer duy nhất mà cô ấy liên hệ, cô ấy đã dõi theo tôi hàng năm trời và quyết định chọn tôi để thực hiện job đó. Tôi phải đọc lại 2 lần chỉ để chắc chắn rằng bức thư đó là thật.
Những trường hợp đó hiếm hơn rất nhiều so với trường hợp “một nắm” các photographer được liên hệ cùng 1 lúc và họ đều có thể làm tốt tương tự nhau.
Bất kể là khách hàng có khen ngợi bạn như thế nào, hãy luôn luôn cho rằng bạn không phải là photographer duy nhất được cân nhắc cho dự án trừ khi là họ nói vậy.
Tip: Giao tiếp với khách hàng, tìm hiểu rằng là họ cần gì. Xác định để “gãi đúng chỗ ngứa” của họ. Hỏi xem là dự án trước của họ có điều gì không khiến họ hài lòng. Tìm hiểu xem bạn có thể đáp ứng được những nhu cầu gì của họ tốt hơn các photographer khác. Nhấn mạnh ưu điểm của bạn qua cuộc nói chuyện. Nói về cách bạn sẽ giải quyết vấn đề của họ. Hãy trở nên dễ chia sẻ, Hãy trở nên tinh tế.
Tất cả những điều này sẽ giúp bạn tăng khả năng trở thành người duy nhất mà khách hàng muốn làm việc cùng.
8. Không có gì gọi là “giá chuẩn”
Bạn có thể nghĩ rằng sẽ có mức giá thị trường khi tính phí bản quyền và phí creative(sáng tạo) và đến lúc bạn báo giá cho khách hàng, họ sẽ nói rằng “Tuyệt, đó là những gì mà chúng tôi đang mong đợi”
Bạn nghĩ rằng các trang web chứng khoán là một nơi tốt để tham khảo, hay bài viết từ năm 2013 có những lời khuyên có vẻ đáng tin về giá cả của thời điểm hiện tại. Bạn nghĩ rằng là nếu bạn sử dụng đúng công cụ, bạn sẽ ra được giá thành mà bất cứ khách hàng nào cũng đồng ý.
Sự thật thì, “giá chuẩn” là khái niệm khá đơn giản, là giá mà khách hàng sẵn sàng trả và photographer sẵn sàng nhận.
Nếu bạn thở dài sau khi đọc câu trên. Tôi không có gì lấy làm lạ. Đó là một vấn đề khiến chúng ta phát điên.
Hãy tưởng tượng các agency sẽ cảm thấy thế nào nếu gửi yêu cầu cho 3 photographer khác nhau và nhận là 3 báo giá khác nhau.
Tôi nhớ lại 1 buổi chụp mà tôi định giá dưới 50tr, và tôi hỏi art director ở buổi chụp là 2 photographer còn lại lấy giá bao nhiêu? Anh ta nói rằng giá rẻ là 30tr và giá đắt là khoảng 90tr. Quả là 1 sự chênh lệch khó hiểu!
Để có thể ra giá đúng cho 1 buổi chụp ảnh thương mại thì bạn sẽ phải trải qua một khoảng thời gian cũng như có những kinh nghiệm nhất định, và phải hiểu đủ rõ doanh nghiệp của mình để biết được chính xác bạn sẽ cần tạo ra bao nhiêu doanh thu.
Bạn có quyền yêu cầu bất cứ giá nào bạn cảm thấy cần để thực hiện 1 job.
Tip: Thực ra có “giá chuẩn” – đó là “giá chuẩn” dành cho bản thân bạn. Hãy cố gắng để làm công việc không mấy dễ chịu: tính toán chi phí vận hành và các phí chụp ảnh, quyết định xem công cụ định giá nào bạn sẽ tham khảo cho phí bản quyền, và phải chốt giá với sự tự tin của bạn thân
Bạn đã làm việc chăm chỉ để phát huy khả năng của mình nhằm giúp cho khách hàng tạo ra doanh thu, đôi khi là một doanh thu lớn. Bạn nên được nhận 1 phần của doanh thu đó!
9. Vào dịp cuối năm, các job thường được đưa cho những ai ra giá cao nhất, bất kể những điều kiện hay khả năng của những người đó.
Giá cao nhất mà tôi đã từng đưa ra là vào khoảng 275.000$, cho một buổi chụp đầu Tháng 12. (Tôi nhớ rằng là phí bản quyền đâu đó khoảng 80.000$). Job đó có 1 concept đơn giản và những bức ảnh có vẻ như không quá quan trọng đối với công ty đó, vì thế nên tôi cho rằng job đó là 1 buổi chụp “đốt ngân sách”.
Các buổi chụp dịp cuối năm của các thương hiệu lớn thường là để sử dụng hết số ngân sách marketing còn lại của năm đó để họ có thể nhận được ít nhất là đúng số tiền đó hoặc nhiều hơn cho năm sau. Hiểu được điều này, tôi thêm càng nhiều thứ vào trong sản phẩm ảnh nhất có thể.
Cuối cùng thì tôi cũng không nhận được job đó do khoảng cách địa lý và thời gian. Họ quyết định làm việc với một người trong địa phương cùng với họ vì họ sẽ phải lưu tâm nhiều tới thời gian để có thể bay tới và làm việc với tôi tại California. Bởi vì job đó ngay trước Giáng sinh, nên họ làm việc với lịch trình dày đặc.
Tôi được bảo rằng, giá mà tôi đưa ra khá cạnh tranh, điều này khiến cho việc bị mất khách hàng vào tay người khác còn khiến đau đớn hơn nữa.
Tôi đã từng nghe những câu chuyện về các photographer tài năng, kinh nghiệm bị mất các job cuối năm vào tay những photographer có kỹ năng kém, đơn giản là bởi vì những photographer đó ra giá gấp 2 lần những photographer kinh nghiệm.
Tất nhiên, bạn sẽ không bao giờ biết được nếu khách hàng đang chỉ muốn đốt hết tiền trong ngân sách hay là họ đang thực sự cần 1 buổi chụp và họ không có nhiều ngân sách để chi trả.
Đó như là một trò chơi đoán mò khiến cho nhiếp ảnh thương mại không bao giờ hết thử thách và thú vị.
Tip: Luôn luôn hỏi khách hàng là họ đang muốn “đẹp” như thế nào trong job chụp bởi vì “đẹp như thế nào” đó sẽ chỉ dẫn cho bạn là họ đang làm việc với “kiểu tiền” nào.
Trong câu chuyện mà tôi kể trên, khách hàng của tôi trả lời rằng “đẹp nhất”, vị thế tôi biết họ muốn mọi thứ phải cao cấp. (Mẫu cao cấp, địa điểm sang trọng, cấp phép sử dụng độc quyền vĩnh viễn,…). Mọi thứ đều cao cấp = Giá cấp cao.
10. Các agency quảng cáo sẽ sử dụng “treatment” của bạn cho buổi chụp để đưa cho photographer khác
Cái cuối này là cái đau đớn nhất trong tất cả các loại bí mật
Việc gửi một “creative treatment” (ý tưởng và diễn tả của photographer về một job nào đó), cùng với định giá công việc là tiêu chuẩn của ngành nhiếp ảnh thương mại hiện nay, với hầu hết các agency và công ty đều muốn xem bản PDF này từ photographer mà họ đang cân nhắc cho job chụp đó.
Trong “treatment” bao gồm cách tiếp cận độc đáo của photographer với job chụp, ảnh nháp minh họa, định hướng style, diễn giải chi tiết, minh họa xử lý hậu kỳ và nhiều ý tưởng độc đáo và sáng tạo mà photographer nghĩ ra cho project đó.
“Treatment” thường là sự thể hiện mang tính cá nhân của photographer, và đôi khi nó có thể mang lại một cái nhìn sâu sắc đối với phong cách độc đáo của photographer đó.
Việc gửi một bản “treatment” chi tiết, đẹp đẽ mà bạn đã rất vất vả để thực hiện đôi khi giống như là bạn đang gửi 1 phần của mình cho khách hàng vậy. Điều này hoàn toàn đáng để làm vì nó sẽ tăng khả năng để nhận được job. Nhưng đây là điều đau đớn:
Khách hàng có thể lấy “một phần mồ hôi nước mắt” của bạn, đưa cho một photographer khác và trả tiền cho họ để tái hiện lại phong cách, ý tưởng và công sức của bạn.
Thật không ra thể thống gì! Nhưng điều này vẫn xảy ra thường xuyên. Trừ khi có một sự vi phạm bản quyền rõ ràng, không thì bạn chả thể làm gì về vấn đề đó cả.
Ừ thì tất nhiên là bạn có thể gọi cho khách hàng đó và nổi một trần lôi đình, nhưng liệu bạn có muốn bị đồn thổi là “Hắn ta nổi điên vì hắn nghĩ ai đó đã copy ý tưởng của hắn”? Chắc là không đâu.
Thật đáng buồn khi đây là 1 rủi ro mà photographer nào cũng phải đối mặt khi gửi “treatment” cho khách hàng. Bạn phải đảm bảo được sự cân bằng trong “treatment” của mình giữa việc cung cấp quá nhiều và quá ít thông tin.
Tip: Nếu bạn lo ngại về rủi ro này trong 1 dự án cụ thể, bạn có thể trao đổi thông tin bằng lời nói thông qua việc gọi điện cho khách hàng nhiều hơn là bạn thể hiện trong bản “treatment”
Đừng để rủi ro này ngăn bạn làm những gì bạn có thể để có được job có khả năng lấp đầy ví tiền và tâm hồn bạn. Thực ra thì, chính xác những job đó mới khiến cho mọi thử thách trong ngành nhiếp ảnh thương mại đáng để vượt qua.
Bonus thêm
Ngay cả khi đã shoot xong, bước vào giai đoạn hậu kỳ thì thì việc account hàng đêm “gọi điện tâm sự hỏi han deadline” là chuyện rất bình thường, vì thế hãy chuẩn bị tâm lý trước cho việc này, đừng cáu hoặc có cáu thì cũng không nên thể hiện ra, nên giữ “riêng cho mình” =))
Cuối cùng, khi bạn cảm thấy tự hào nhìn những bức ảnh đẹp, cảm xúc, truyền cảm hứng của bạn ở tới những người xung quanh, gửi một phần tâm hồn bạn cho bất cứ ai chiêm ngưỡng nó, bạn sẽ thấy mọi thứ trong bài viết này trở thành một ký ức xa xôi…mặc dù mới chỉ đây thôi :))
Credit
—
Translated from website: petapixel.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý