Nhiếp ảnh tĩnh vật(still-life) là tất cả về việc chụp ảnh các vật thể vô tri, giống như nhiếp ảnh chân dung xử lý việc mô tả con người. Là nghệ sĩ thị giác, chúng tôi dựa vào yếu tố thị giác của tác phẩm để thu hút người xem chỉ bằng một cái nhìn — và sử dụng nghệ thuật để kể một câu chuyện. Ý tưởng được trình bày là truyền tải cảm hứng của chính nghệ sĩ và cho phép người xem nhìn thấy câu chuyện của nghệ sĩ qua góc nhìn của chính họ.
Kể chuyện thông qua nhiếp ảnh tĩnh vật thực sự thách thức vì rõ ràng là thiếu hình dạng con người. Một thách thức lớn là tạo ra tác động cảm xúc cho người xem. Những hình ảnh thành công nhất thường sẽ gợi lên tác động cảm xúc mạnh mẽ ngay cả khi không có yếu tố con người như mong đợi. Các nhiếp ảnh gia thành công sẽ cần phải đặc biệt sáng tạo với vô số ý tưởng theo các concept khác nhau.
Tôi thường sẽ chọn một vật thể duy nhất có tác động cảm xúc nhất và xây dựng bố cục của mình xung quanh nó. Trong bức ảnh bên dưới, những quả trứng màu xanh được nhấn mạnh hoàn hảo bởi độ tương phản màu sắc (màu lạnh tạo ra một trung tâm thị giác rất mạnh trên nền lá mùa thu ấm áp) và sự dịu nhẹ của ánh sáng buổi tối. Sử dụng các vật thể từ thiên nhiên thường là một cách đơn giản để thêm phản ứng cảm xúc.
Tôi đặt tên cho bức ảnh bên dưới là “The Colors of Fall” (Những sắc màu của mùa thu), nhưng đối với tôi, nó giống như một bức chân dung tự họa hơn. Lý do là vì một bức ảnh still-life có thể miêu tả tính cách của một người, mà không phải là chân dung của người đó, bằng cách nắm bắt các yếu tố tính cách của người đó. Thay vì chụp một tập hợp các vật thể chỉ “phù hợp” với nhau, tôi chọn những vật thể kể một câu chuyện có chủ đích.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là truyền tải một ý nghĩa nhiều lớp (nhiều cách diễn giải) trong bức ảnh và câu chuyện. Đây thường là một quá trình rất khó khăn và cần rèn luyện, cũng như cần một chút sự nhạy cảm, đôi khi hơi ủy mị cũng là điều tốt vì nó thực sự cho bạn được đắm chìm trong những cảm xúc. Cảm xúc luôn là thứ tôi nghĩ quan trọng nhất trong ảnh tĩnh vật. Bạn có thể có cảm xúc tích cực hay tiêu cực, nó hoàn toàn tốt cho sáng tạo. Điều đáng sợ nhất có lẽ là sống mà không có cảm xúc.
Liệu đó chỉ là một con búp bê cũ ngồi trên một chiếc ghế dài cũ, hay là hình ảnh của tuổi thơ đã mất?
Tạo ra thứ gì đó độc đáo không bao giờ là dễ dàng. Với tất cả những hình ảnh được tạo ra ngày nay, việc nổi bật giữa đám đông, trong khi làm việc với các vật thể tĩnh, là điều vô cùng khó khăn. Hãy cố gắng tìm kiếm và phát triển phong cách riêng của bạn, đồng thời giữ đúng chủ đề gần gũi với tinh thần của bạn. Thu thập các đạo cụ tĩnh vật và ý tưởng sẽ theo sau. Cá nhân tôi thích sử dụng các đạo cụ đã cũ, có dấu tích thời gian và có lịch sử ngụ ý. Theo cách này, các vật phẩm có được “cuộc sống thứ hai”. Tôi thích tìm kiếm các cửa hàng đồ cổ và các chợ đồ cũ để tìm kiếm những vật phẩm có tâm hồn và cá tính.
Khi chụp ảnh still-life, hãy chọn và setup nguồn sáng của bạn rất cẩn thận. Hãy dành thời gian để thử nghiệm, di chuyển nguồn sáng để xem nó thay đổi tác động cảm xúc của bối cảnh tĩnh vật như thế nào. Thử nghiệm với ánh sáng tự nhiên và bóng tối và điều chỉnh ánh sáng để truyền tải thông điệp hoặc tâm trạng mong muốn của bức ảnh của bạn. Học cách “nhìn” ánh sáng là một trong những kỹ năng được các nhiếp ảnh gia mong muốn nhất, bất kể bạn đang chụp ảnh still-life hay phong cảnh.
Sử dụng ánh sáng hợp lý sẽ làm rõ nét bố cục của bạn khi nó được hướng đến để làm nổi bật một số yếu tố mong muốn nhất định.
—
Bài viết dịch và chú giải thêm từ bài viết gốc của Marian Shipova
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện Nhiếp ảnh Quảng Cáo Chimkudo