Tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng có nhiều nhiếp ảnh gia chưa bao giờ lập kế hoạch kinh doanh cho sự nghiệp nhiếp ảnh của họ. Nếu bạn có dự định làm nhiếp ảnh gia freelance, bạn cần phải có một kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch kinh doanh sẽ là bản đồ hướng đến thành công cho bạn. Bản kế hoạch này sẽ chỉ sơ lược những mục tiêu kinh doanh của bạn cũng như là cách để bạn đạt được những mục tiêu đó.
Kế hoạch của bạn không cần phải quá chi tiết và cẩn thận. Nhưng nó nên có những yếu tố cơ bản của một bản kế hoạch kinh doanh truyền thống để giúp bạn cụ thể hóa hơn những mục tiêu của mình. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng đạt được những mục tiêu đó hơn.
Có thể bạn đang thắc mắc không biết phải làm như thế nào để lập kế hoạch kinh doanh cho nhiếp ảnh. Tôi đã viết ra một danh sách những điều cần phải có trong bản kế hoạch của bạn, và tôi khuyên rằng bạn nên ghi chép chúng lại thật chi tiết. Mỗi phần dưới đây nên có nội dung khoảng 1-3 trang.
NHỮNG THÀNH TỐ CỦA MỘT BẢN KẾ HOẠCH KINH DOANH NHIẾP ẢNH
Executive Summary (Tóm tắt sơ lược)
Phần Executive Summary là nơi bạn sẽ định nghĩa dịch vụ nhiếp ảnh của mình. Trả lời những câu hỏi như kết cấu pháp lý của bạn hay là bạn có phải chủ thầu duy nhất hay không?
Đây sẽ là bản tổng quan về công ty của bạn. Nó sẽ nêu ra những dịch vụ của bạn sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng như thế nào.
Bạn cũng nên viết thêm cả mission statement (khẳng định sứ mệnh) cho công ty nhiếp ảnh của bạn. Trong đó bạn nên có những mục tiêu rõ ràng và những con đường để dẫn đến thành công.
Mô tả sản phẩm và dịch vụ
Tiếp theo, bạn sẽ cần phải viết phần mô tả chi tiết những sản phẩm và dịch vụ nhiếp ảnh của mình.
Thế mạnh của bạn là gì? Bạn đã phát triển công ty được đến đâu?
Khi tôi viết bản kế hoạch kinh doanh, tôi đã quyết tâm là sẽ tập trung vào những dự án editorial và chụp ảnh đồ ăn thương mại. Tôi sẽ còn tham gia thêm cả vào việc dạy học và mở workshop, tôi thêm cả những điều này vào phần mô tả của tôi. Ví dụ như nếu bạn cung cấp thêm cả dịch vụ in ảnh hoặc in album, đừng quên đưa chúng vào phần mô tả dịch vụ của bạn.
Cân nhắc đến thị trường mục tiêu của bạn
Hãy bắt đầu nghiên cứu về ngành nhiếp ảnh và thị trường nhiếp ảnh nói chung, cũng như là trong khu vực mà bạn sinh sống. Điều này sẽ giúp bạn cụ thể hóa khách hàng mục tiêu của mình hơn.
Bạn sẽ phục vụ những khách hàng nào? Hãy đưa ra một vài ví dụ về những mẫu khách hàng lý tưởng của bạn. Tìm hiểu thật kỹ càng về những khách hàng này để sau này bạn có thể nhắm chính xác mục tiêu. Bạn nên dựng hồ sơ khách hàng và cả một kế hoạch marketing để hiểu rõ hơn về đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.
Trước khi bắt tay vào viết bản kế hoạch kinh doanh nhiếp ảnh đồ ăn của tôi, tôi đã lầm tưởng rằng ai cũng có thể là khách hàng của mình. Ngành nhiếp ảnh food thực sự rất rộng, và tôi đã nghĩ rằng tôi có thể chụp cho mọi loại khách hàng, từ nhà hàng đến những agency ảnh stock.
Lối suy nghĩ này thực sự không tốt. Bạn cần phải thu nhỏ phạm vi hơn nếu muốn thành công trong ngành nhiếp ảnh. Sau này tôi nhận ra rằng đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi là những nhà hàng cao cấp, các agency marketing và những nhà xuất bản sách, và đây là những mục tiêu mà sau này tôi tập trung marketing vào.
Khi nghiên cứu thị trường mục tiêu của bạn, hãy kiểm tra tình trạng cũng như là kích cỡ của thị trường. Cố gắng xác định những xu thế trong tương lai. Hãy tự hỏi bản thân rằng liệu thị trường này có dễ xâm nhập vào không, vốn đầu tư sẽ như thế nào và liệu có khả năng thành công được hay không.
Nếu tôi tập trung toàn bộ vào phân khúc nhà hàng cao cấp, tôi sẽ thất bại. Trong khu tôi sống không có đủ những khách hàng như vậy để đảm bảo nguồn thu, và thậm chí chụp ảnh cho nhà hàng còn không trả nhiều tiền bằng ảnh thương mại. Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ thêm cả những thể loại nhiếp ảnh đồ ăn khác vào nhóm đối tượng mục tiêu của mình.
Đánh giá đối thủ cạnh tranh
Bạn còn cần phải tìm ra những đối thủ chính đang cạnh tranh với bạn trong thị trường mục tiêu đã chọn cũng như là khu vực dân sinh. Nghiên cứu thêm về họ và xác định sự khác biệt và tính cạnh tranh mà dịch vụ của bạn có thể đem lại.
Sẽ có một điểm gì đó khác biệt để tách biệt bạn khỏi những đối thủ của mình. Điều này có thể khó tìm ra, nhưng bạn cần phải tìm ra nó. Chính điểm khác biệt này sẽ ảnh hưởng đến việc làm thương hiệu và marketing cho công ty của bạn.
Nhưng hãy lưu ý: đừng tạo sự khác biệt với giá cả. Hãy tin tôi đi, bạn sẽ không muốn mang mác “nhiếp ảnh gia rẻ tiền” đâu.
Xây dựng kế hoạch marketing
Khi bạn đã xác định được thị trường mục tiêu của mình, bước tiếp theo cần làm là lên chiến thuật. Bạn sẽ làm những gì để tên tuổi của mình được biết đến?
Tôi thường gửi bản PDF portfolio đến những agency quảng cáo và các nhà xuất bản. Một nhiếp ảnh gia thương mại có thể sẽ muốn quảng cáo thêm khả năng làm marketing cho doanh nghiệp với nhiếp ảnh.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia thương mại thành công không còn làm việc với những agency thu mức hoa hồng quá cao nữa. Thay vào đó, họ sẽ trả tiền để được đưa vào những danh bạ cấp cao.
Ngoài ra còn có cả những công ty làm dịch vụ production có thể quảng bá dịch vụ của bạn và kết nối bạn với những khách hàng tiềm năng. Họ còn có chức năng giúp đỡ các agency làm quảng cáo, các thương hiệu và nhà xuất bản với nhiếp ảnh. Họ cũng có thể giúp đỡ nhiếp ảnh gia làm marketing.
Nếu bạn chụp ảnh đám cưới, bạn có thể liên hệ với các nhà may váy cưới và salon làm tóc để quảng bá cho bạn. Nếu bạn chụp ảnh kiến trúc, hãy giao lưu với giới làm bất động sản.
Lên kế hoạch quy trình làm việc
Ở mục này, bạn sẽ cần cụ thể hơn về địa điểm làm việc của mình.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia chụp sản phẩm và chân dung sẽ có studio tại nhà. Nếu bạn làm nhiếp ảnh thương mại, bạn sẽ cần phải làm việc với khách hàng và các giám đốc sáng tạo tại một không gian studio riêng.
Tùy thuộc vào lĩnh vực nhiếp ảnh mà bạn chuyên vào, bạn có thể sẽ không cần phải thuê studio hàng tháng. Ví dụ như tôi hay chụp ảnh food, tôi sẽ thường sẽ làm việc ngay ở nhà hàng. Khi cần phải làm những job thương mại hoặc ảnh bao bì, tôi mới thuê studio theo ngày.
Tôi không chụp nhiều job như những nhiếp ảnh gia chân dung. Vì vậy chẳng có lý do gì để tôi phải chi ra hàng nghìn đô thuê studio mỗi tháng. Khoản chi phí này sẽ ăn rất nhiều vào lợi nhuận của tôi.
Hãy nhớ suy nghĩ về chuyên ngành của bạn và cân nhắc địa điểm làm việc thường xuyên.
Lên kế hoạch tài chính
Đây sẽ là mục mà bạn cần đầu tư nhiều trí lực vào để tính toán. Bạn nên dành nhiều thời gian để quyết định xem bạn sẽ cần những thiết bị gì và chi bao nhiêu tiền. Khả năng cao là bạn sẽ phải tốn khá nhiều tiền mua thiết bị trong năm đầu tiên bắt đầu làm việc.
Khi bạn chụp ảnh chuyên nghiệp, bạn cần phải có thừa ít nhất một thiết bị để đề phòng những lỗi kỹ thuật có thể xảy ra. Thậm chí bạn có thể sẽ cần 2 cái máy ảnh.
Tôi đã từng làm trợ lý cho một buổi chụp, trong buổi chụp đó chiếc máy ảnh của nhiếp ảnh gia tự dưng ngừng hoạt động chẳng vì lý do gì hết. May thay, anh ấy có một vài cái máy dự phòng nữa. Nếu không thì anh ta có thể đã gặp rắc rối to khi khách hàng đang chờ mà máy ảnh thì lại hỏng!
Khi tính toán tài chính, hãy cố hình dung trước những chi phí và nguồn thu cho ba năm đầu.
Tiền đầu tư vào trang thiết bị sẽ phải giải quyết dần dần, đó là còn chưa kể đến chi phí bảo trì thiết bị. Bạn sẽ còn phải trả tiền cho những phần mềm kiểm toán, đồ văn phòng và đổ tiền vào marketing, ngoài ra còn có rất nhiều các chi phí khác mà tôi chưa tiện kể đến ở đây.
Bạn có thể sẽ cần thuê trợ lý cho buổi chụp, bạn nên trả họ bao nhiêu tiền? Bạn sẽ cần vốn ban đầu là bao nhiêu để khởi nghiệp và tồn tại cho đến khi bắt đầu được lãi? Số tiền này sẽ đến từ đâu?
Cuối cùng, bạn sẽ cần lên biểu giá dựa trên thể loại nhiếp ảnh mà bạn chọn chuyên sâu vào.
Nếu bạn chụp ảnh chân dung, có thể bạn sẽ muốn đưa ra những gói chụp. Nếu bạn chụp ảnh thương mại, bạn có thể sẽ muốn đưa ra mức giá theo ngày và phí sử dụng hình ảnh.
Khi mới bắt đầu, biểu giá của bạn nên linh hoạt hơn để có thể xây dựng danh sách khách hàng. Nhưng cũng đừng khởi điểm với mức giá quá thấp. Việc tăng giá sẽ rất khó khăn một khi bạn đã đưa ra mức giá ban đầu.
Phân tích SWOT
SWOT viết tắt cho STRENGTH (điểm mạnh) – WEAKNESS (điểm yếu) – OPPORTUNITY (cơ hội) và THREAT (rủi ro). Bạn sẽ cần áp dụng khả năng phân tích để làm mục này khi lên kế hoạch kinh doanh nhiếp ảnh.
Khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh, bạn đã tìm ra được những điểm đặc biệt của mình và đây cũng sẽ là những điểm mạnh của bạn. Bạn cũng có thể có một vài lợi thế khác có thể tận dụng ngoài những điểm đặc biệt trên.
Khi tôi mới bước chân vào nghề, tôi đã nhận được nhiều job vì có người quen sở hữu một agency làm branding. Những job chụp này không hẳn thuộc chuyên ngành của tôi, nhưng chúng cũng đã cung cấp cho tôi trải nghiệm làm việc trong một buổi chụp chuyên nghiệp. Và tôi cũng đã được bắt đầu kiếm tiền ngay lập tức.
Một điểm mạnh khác của tôi là tôi đã chụp hàng trăm ảnh cho các agency ảnh stock. Lợi thế này đến từ nhiều năm tôi đã dành để luyện tập nhiếp ảnh food, và nó cũng đã trở thành một nguồn thu thụ động của tôi mà không cần phải làm thêm quá nhiều việc.
Hãy bắt đầu nghĩ đến những lợi thế của bạn ngay bây giờ.
Những điểm yếu của bạn là những điều bạn sẽ cần cải thiện trong tương lai. Có thể sẽ là những mảng mà bạn cần rèn luyện kỹ năng tốt hơn, cũng có thể là những lĩnh vực mà bạn còn thiếu kinh nghiệm hoặc cần tập luyện nhiều hơn. Bạn cần phải nhận thức được những khuyết điểm này để biến chúng thành một phần mục tiêu của bạn. Chỉ như vậy thì bạn mới có thể tiến bộ hơn trong tương lai.
Cơ hội là những khả năng để phát triển sự nghiệp của bạn. Có trend nào mà bạn có thể tận dụng hay không, ví dụ như là những thay đổi về công nghệ hoặc xã hội?
Rủi ro là những thử thách có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bạn hoặc là những chướng ngại mà bạn có thể gặp phải. Một rủi ro có thể là những đối thủ của bạn đang rất lớn mạnh: họ có studio riêng và 20 năm kinh nghiệm (đây đã là thử thách của tôi).
Những trở ngại chính của bạn có thể là những xu hướng ảnh thay đổi liên tục. Hoặc là nhu cầu nâng cấp phần cứng thường xuyên cũng sẽ tốn rất nhiều kinh phí.
Khi bạn đã hoàn thành bản phân tích SWOT, hãy ngay lập tức nhận dạng những vấn đề cần được xử lý. Tìm hiểu xem bạn cần nghiên cứu sâu hơn những thứ gì hay cần lên kế hoạch thêm cho những việc gì. Sau đó, bạn có thể lập thêm một kế hoạch thực hiện để theo dõi giải quyết những vấn đề này.
Dựng Timeline (kế hoạch theo thời gian)
Timeline là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu. Bạn có thể dùng nó để đặt trách nhiệm cao hơn lên bản thân trong việc thực hiện và thay đổi những kế hoạch đã đặt ra.
Tôi rất khuyến khích bạn nên dựng timeline cho công ty của mình. Chìa khóa để luôn biết trước những thử thách trước mắt cho công ty là lập một kế hoạch theo thời gian. Sau đó, bạn có thể thêm timeline này vào mục kế hoạch hoạt động của mình. Bạn có thể dựng một biểu đồ thời gian sơ lược theo từng tháng trước, rồi sau đó đi vào chi tiết cụ thể hơn theo thời gian.
Timeline của bạn nên bao gồm mọi hoạt động liên quan đến marketing, tài chính, pháp lý và vận hành. Bạn cũng không cần phải quá phức tạp hóa mục này, có thể chỉ đơn giản là viết lại những nhiệm vụ cần hoàn thành và thời gian hoàn thành của nhiệm vụ đó. Hãy bắt đầu đơn giản bằng cách viết timeline 3 tháng đầu của công ty.
Dưới đây là ví dụ cho một biểu đồ timeline:
KẾT LUẬN
Công đoạn chuẩn bị và đặt mục tiêu đều là những yếu tố thiết yếu cho thành công của bất kỳ một công ty nào. Một bản kế hoạch kinh doanh cho một công ty nhiếp ảnh có thể tạo ra sự khác biệt mạnh mẽ đến sự phát triển của công ty đó.
Hãy bắt đầu xây dựng kế hoạch cho sự nghiệp nhiếp ảnh của bạn một cách từ tốn. Mỗi ngày dành ra 30 đến 60 phút, và chẳng mấy chốc bạn sẽ đã hoàn thành bản kế hoạch của riêng mình. Và bước đi này sẽ khiến bạn vượt xa hơn nhiều nhiếp ảnh gia khác, những người không có kế hoạch nào cho tương lai cả!
Credits:
Bài viết gốc bởi Darina Kopcok tại: expertphotography.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.