“Trong lúc dọn dẹp garage, tôi đã tìm thấy một món đồ rất cũ. Nó đã ở trên kệ lâu lắm rồi, thậm chí ngay ở tầm mắt, nhưng đến giờ tôi mới để ý đến nó. Thực ra nó không phải thứ gì quá quý hiếm, không phải là một chiếc máy ảnh cổ để đem đi khoe khoang với mọi người, đây chỉ là một chiếc máy đèn chiếu (slide projector) bình thường, không hơn không kém. Thế nhưng, nó lại nhắc tôi nhớ về cái thứ gọi là bản năng nhiếp ảnh” – Christopher Malcolm. Liệu bản năng hay kỹ thuật chụp ảnh sẽ quan trọng hơn? Hãy cùng bắt đâu khám phá câu chuyện dưới đây của ông Malcolm.
Đến bây giờ, có lẽ nhiều người trẻ sẽ không biết máy đèn chiếu là gì. Thực ra nó là một chiếc máy chiếu thời xưa chỉ có thể chiếu từng tấm ảnh tĩnh, không có chuyển động. Với những người tương đương tầm tuổi của tôi thì đây là cả thời thơ ấu, tối tối ngồi xem những tấm hình out nét cùng gia đình, hoặc cảm thấy tự hào vì đã tự mình chuẩn bị bài thuyết trình vẻ đẹp của Ektachrome, trước sự ngưỡng mộ của bạn bè.
Đã nhiều năm trôi qua, mọi thứ giờ đây đều là kỹ thuật số hết, vì vậy mà máy đèn chiếu của tôi đã bị cất xó từ lâu. Nhưng sau khi tìm thấy và phát hiện ánh sáng chỉ hơi ngả vàng, máy vẫn còn dùng được, tôi như thể được trở về cuộc sống trước khi cầm một chiếc máy ảnh kỹ thuật số vậy.
Đi kèm với chiếc máy là những slide ảnh mà tôi còn giữ từ các lần test camera, các assignment, và nhiều series ảnh khác. Trong số đó là một loạt ảnh chân dung mà tôi ngẫu hứng chụp khi đi nghỉ ở Mexico. Người mẫu là một người lạ tôi gặp trong chuyến đi, và bằng cách nào đó tôi lại thuyết phục được cô ấy về phòng tôi để thực hiện shoot chụp. Tôi không nhớ đã làm thế nào để có thể thuyết phục được cô ấy từ hơn 20 năm trước, lúc ấy tôi còn chưa biết nhiều về nhiếp ảnh. Thậm chí hơn 20 năm sau, đã trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng tôi vẫn “cứng họng” mỗi khi cố gắng mở lời với một người lạ trên phố, rằng tôi muốn chụp ảnh cho họ. Đấy là còn chưa nói đến chuyện họ chưa đủ tin tưởng tôi để tôi có thể mời về phòng chụp ảnh. Làm thế nào mà tôi lại bạo dạn như vậy vào lúc vẫn còn đang học nghề cơ chứ? Tôi đoán là dũng khí của tuổi trẻ.
Đề xuất một buổi chụp hình chính xác là như vậy, chỉ có nhiếp ảnh trong đầu mà thôi, hoàn toàn không có gì khác. Điều đó không có nghĩa là tôi không thấy cô người mẫu hấp dẫn, vì đó là một trong những lý do đầu tiên khiến tôi muốn chụp cô ấy mà. Bộ ảnh có “khoe da” một chút nên tôi quyết định sẽ không đăng lên đây.
Về mặt kỹ thuật, thì những bức ảnh này cũng có một chút motion blur và mất nét nhẹ, vì đó là trước khi tôi thực sự hiểu về máy ảnh và các thuật ngữ như tốc độ màn trập,… Chiếc máy ảnh lúc ấy sử dụng film đen trắng và lấy nét hoàn toàn thủ công (manual focus). Đây có thể được coi là lần đầu tiên tôi chụp người mẫu. Nhưng lần ấy, cô người mẫu mượn ít quần áo hơn dự kiến, cộng thêm không gian và nhiệt độ ở đó, buổi chụp chân dung nhanh chóng biến thành buổi chụp nude không chính thức đầu tiên của tôi. Từng món đồ trút xuống cũng đồng nghĩa với việc tay cầm máy của tôi thiếu ổn định đi một chút, làm như thể phải nhớ các settings là chưa đủ khó khăn với tôi vậy. Đây là lần đầu tôi thực hiện một shoot chụp thực sự, chứ đừng nói đến là chụp cảnh quá hở hang, nên tôi vẫn chưa làm chủ được thần kinh mình. Nhưng sau này, khi đã chụp hàng trăm người mẫu trong suốt sự nghiệp của mình, tôi rất vui khi nói rằng chuyện đó không còn là vấn đề đối với tôi nữa.
Với những tình huống và sai sót kỹ thuật xảy ra trong shoot chụp, mọi người có thể nghĩ rằng series ảnh sẽ là một thảm hoạ. Nhưng sau hơn 20 năm, tôi vẫn cảm thấy đầy mãnh liệt khi xem lại những bức ảnh đó, chúng có cái gì đó vô cùng chân thực và sống động. Kỹ thuật chụp ảnh của tôi có thể chưa hoàn thiện, nhưng bản năng nhiếp ảnh của tôi thì vẫn luôn ở đó.
Tôi vừa đọc xong một cuốn tiểu sử về đạo diễn huyền thoại Mike Nichols. Trong đó có trích dẫn rằng, với tư cách là một đạo diễn, công việc của ông ấy là dành phần lớn thời gian trong các buổi tập để giúp các diễn viên lấy lại bản năng họ vốn có trong lần diễn đầu tiên. Nói cách khác, cảm nhận ban đầu thường sẽ là hướng đi đúng đắn. Công việc của ông ấy là khiến cho họ tin tưởng vào điều đó.
Tôi nghĩ điều này cũng áp dụng cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Thông thường, chúng ta bắt đầu dốc hết bản năng sáng tạo sau đó chuyển chúng sang bộ não để áp dụng kỹ năng, kỹ thuật lên đó, tạo ra những gì mà chúng ta nghĩ rằng mọi người sẽ thích. Trong quá trình này, chúng ta “đánh bóng” thêm cho nó, biến nó trở nên tinh tế hơn, nhưng cũng có thể sẽ mất đi một chút chất nghệ thuật ban đầu. Thế nhưng khi nhìn lại những bức ảnh ngày trước, tôi cảm giác có một sự gần gũi nào đó mà ngày nay rất khó có thể tái tạo lại, ngay cả khi bây giờ công nghệ đã tiên tiến hơn nhiều. Thử nghĩ lại xem, nếu ngày nay tôi thực hiện shoot chụp đó, có lẽ tôi phải nỗ lực nhiều hơn để có được mood giống như vậy, kiềm chế sự hồi hộp và rung động để khắc phục những điểm chưa hoàn hảo trong lần chụp đầu tiên. Kỹ thuật chụp sẽ thành thạo hơn, nhưng kỳ lạ thay, những bức ảnh sẽ không giữ được cảm xúc mãnh liệt như lần đầu nữa.
Shoot chụp này diễn ra tại một căn phòng nhỏ, ánh nắng xuyên qua ô cửa sổ, chiếu lên những khoảnh khắc trong không gian này: Hai con người đang giao tiếp với nhau qua ống kính. Sự thiếu kinh nghiệm của tôi vào lúc đó hoá ra lại tạo cho những bức ảnh vẻ gì đó rất chân thật. Tất cả đều có thật, như thể đấy chính là cuộc sống của cô người mẫu vậy. Không một công nghệ hay phần mềm chỉnh sửa nào có thể diễn tả điều đó.
Tôi không nói rằng “trình độ kỹ thuật và khả năng hậu kỳ là không cần thiết”. Tôi cũng không cho rằng “lấy nét chính xác là xưa rồi”. Thay vào đó, tôi sẽ nói rằng, kỹ thuật hoàn hảo không phải là phần quan trọng nhất đối với một bức ảnh. Có thể nó đóng góp rất lớn cho bức ảnh, nhưng một bức ảnh hoàn hảo về kỹ thuật chưa chắc đã là bức ảnh tốt nhất.
Mọi bức ảnh chân dung không chỉ thể hiện vẻ đẹp người mẫu mà còn thể hiện cả người chụp, và mấy bức ảnh của tôi cũng không phải ngoại lệ. Chúng như một tấm gương phản chiếu con người tôi khi ấy, có những điều tốt hơn, nhưng cũng có những tệ hơn so với bây giờ. Chúng tiết lộ cảm nhận của tôi đối với người phụ nữ và cách mà tôi thấu hiểu họ. Thú vị là mặc dù thẩm mỹ đã thay đổi, nhưng loạt ảnh ấy vẫn mang vài nét đặc trưng của tôi giống như tôi bây giờ. Tay nghề chắc chắn đã thay đổi rất nhiều, nhưng chất nghệ thuật đằng sau những câu chuyện, cũng như cách tôi khắc hoạ chân dung người mẫu vẫn y như vậy sau ngần ấy năm.
Hơi tiếc là tôi đã mất liên lạc với cô ấy. Sau cuộc gặp ngắn ngủi tại khách sạn, chúng tôi chưa từng gặp lại nhau. Tôi tò mò muốn biết cô ấy sống thế nào. Thật thú vị nếu bây giờ được chụp lại một bộ ảnh tương tự như vậy. Kỹ thuật chắc chắn sẽ tốt hơn, bố cục cũng được chau chuốt hơn, nhưng liệu những bức ảnh có thực sự “chất lượng” hơn? Nói thật là tôi cũng không biết nữa.
Thế nên bây giờ, đối với bản thân, những bức ảnh đó nhắc tôi nhớ rằng cho dù công nghệ có phát triển đến mức nào, sức hút của một bức ảnh không chỉ đến từ kỹ thuật chụp ảnh. Sức hấp dẫn ấy phải đến từ sự kết nối giữa những gì bạn định hình trong bức ảnh, và cách mà bạn phóng khoáng thể hiện chất nghệ thuật của mình. Phải nói rằng, trong suốt sự nghiệp sau này, tôi vẫn ước ao một ngày được sống lại cảm giác hồi đó. Hoặc như Mike Nichols nói, hãy tin tưởng vào bản năng của bạn, hành động theo những điều đầu tiên bạn nghĩ đến.
Khám phá thêm Nhiếp ảnh gia Clay Cook và giấc mơ đến Cuba
Credit
—
Translated from website: fstoppers.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.