Tạo chiều sâu cho bức ảnh luôn là một trong những kĩ năng quan trọng nhất để phân biệt một foto trung và 1 foto high-end. Việc tạo ra chiều sâu sẽ thể hiện được tư duy và kĩ năng sử dụng ánh sáng, đồng thời làm cho những bức ảnh trở nên gần nhất với thực tế, tạo được tương phản giữa các lớp đối tượng…. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi qua các cách để tạọ chiều sâu cho khung hình qua điểm nhìn không gian.
Một số thuật ngữ cần biết:
Góc nhìn không gian (atmospheric/aerial perspective) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ cách các sự vật sự việc thay đổi hình dáng khi được nhìn từ xa. Trong các loại hình nghệ thuật trực quan, đặc biệt là hội họa, nghệ sĩ thường cố gắng tái tạo lại hiệu ứng này để tạo cảm giác chiều sâu và không gian 3 chiều trên một mặt phẳng vẽ 2 chiều.
Độ bão hòa màu được dùng để chỉ độ đậm nhạt của màu sắc.
Khung nền là vùng trong bức tranh có cảm giác đứng xa người xem nhất.
Đường chân trời là nơi giao thoa giữa mặt đất (hoặc mặt nước) và bầu trời. Tuy nhiên đường này chỉ là một ảo ảnh thị giác, nó thực chất là một đường thẳng không tồn tại hút góc nhìn của các vật khác.
Trung cảnh là khoảng không gian nằm giữa tiền cảnh và khung nền.
Tiền cảnh là khoảng không gian có cảm giác gần với người xem nhất.
CÁCH TẠO ĐIỂM NHÌN KHÔNG GIAN
Điểm nhìn không gian đạt được khi có cảm quan về chiều sâu trong khung hình, có thể được tạo ra khi các vật nằm xa điểm nhìn mờ nhạt hơn, ít chi tiết hơn, thường có màu sắc xanh hoặc xám hơn các đối tượng ở tiền cảnh. Một số kỹ thuật để tạo ra hiệu ứng này là:
Kích cỡ và vị trí: Các đối tượng sẽ có kích cỡ nhỏ hơn khi chúng càng xa điểm nhìn của người xem về phía đường chân trời. Các vật có kích cỡ lớn thường xuất hiện gần hơn còn những vật nhỏ sẽ lùi về phía khung nền. Những vật có vị trí bên dưới khung hình cũng sẽ có cảm giác ở gần người xem hơn những vật được đặt ở phía trên khung hình.
Các đối tượng đè lên nhau: Cách đơn giản và nhanh chóng nhất để tạo chiều sâu trên một mặt phẳng 2D là đặt các đối tượng chắn lấy nhau. Bằng cách che một phần một đối tượng với một đối tượng khác, bạn sẽ tạo được cảm giác chiều sâu cho khung cảnh. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đặt đường viền của một vật hơi đè lên vật khác một chút, để một vật nhìn như đang đứng trước vật còn lại.
Màu sắc: Khi các đối tượng ngày càng thu về phía xa, màu sắc của chúng cũng sẽ ngày càng nhạt nhòa hơn và nghiêng nhiều hơn về tone màu của khung nền (thường nằm giữa màu xanh và màu xám). Kể cả những vật có màu trắng sáng hoặc đen đậm cũng có thể bị phai thành màu xám và dần dần biến mất vào background.
- Tiền cảnh: đối tượng có màu sắc rực rỡ
- Trung cảnh: màu sắc sẽ nhẹ hơn và ngả xanh nhiều hơn
- Vị trí cách xa, nằm gần đường chân trời hoặc ở hậu cảnh: màu sắc phai nhòa nhiều và càng xanh hơn nữa
Tương phản: Khi khoảng cách giữa một đối tượng và tiền cảnh tăng lên, tính tương phản giữa đối tượng đó và background cũng sẽ giảm dần.
Tone và giá trị màu: Các vật ở xa sẽ có màu nhạt hơn. Việc sử dụng các màu nhạt ở phía xa khi vẽ tranh phong cảnh sẽ ngay lập tức tạo cảm giác chiều sâu cho khung cảnh.
Khoảng cách: Những nhóm vật được gom lại với nhau thường tạo cảm giác ở vị trí xa hơn. Những đường ngang cũng sẽ sát gần nhau hơn hoặc thậm chí là biến mất khi chúng ở gần đường chân trời hơn.
Focus: Các đối tượng thường bị mất dần chi tiết khi chúng nằm càng gần đường chân trời, có nghĩa là chúng sẽ bị mất nét hoặc mờ dần đi.
Credits:
Trích nguồn bài gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.